Tập trung khống chế dịch cúm gia cầm

NGUYỄN SỰ 06/11/2023 08:45

Tuần qua, ngành chuyên môn cùng chính quyền phường Điện Phương (Điện Bàn) nỗ lực khống chế, dập tắt sự lây lan của vi rút cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác của tỉnh, người chăn nuôi cũng tập trung cho công tác phòng dịch.

Người dân cần tổ chức nuôi nhốt gia cầm để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm và gây hại. Ảnh: PV
Người dân cần tổ chức nuôi nhốt gia cầm để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm và gây hại. Ảnh: PV

Điện Bàn nỗ lực bao vây dịch

Ông Đoàn Công Đạo - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho hay, ngay sau khi xác định đàn vịt 2.100 con của hộ ông Nguyễn Văn Cư ở khối phố Triêm Đông 2 bị mắc bệnh chết hàng loạt do nhiễm vi rút cúm A/H5N1, chính quyền địa phương cùng Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn khẩn trương ra quân thu gom xác vịt chết trên ruộng lúa và kênh mương đưa về điểm tập kết.

Đồng thời dùng phương tiện cơ giới đào hố sâu tại khu vực cách xa khu dân cư để tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của ông Cư; triển khai vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng…

Theo ông Đoàn Công Đạo, khi phát hiện dịch cúm A/H5N1 gây hại tại địa phương, UBND cùng Mặt trận phường Điện Phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở và mạng xã hội.

Theo đó, thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn phường, sự nguy hiểm của vi rút cúm A/H5N1 và hướng dẫn người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng dịch nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.

Những ngày qua, Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật về phường Điện Phương tiến hành lấy mẫu trên một số đàn gia cầm gửi đi xét nghiệm để xác định sự phát tán của vi rút cúm A/H5N1.

Trên cơ sở đó, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ Điện Phương triển khai hiệu quả các biện pháp khống chế, dập tắt dịch. Về phía địa phương cũng đã rà soát tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, từ đó đề xuất cấp trên hỗ trợ nguồn vắc xin cúm A/H5N1 để tiêm phòng bao vây ổ dịch. Tính đến thời điểm này toàn phường Điện Phương có khoảng 18 nghìn con gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút…

Còn ông Phạm Thành Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn thông tin, đàn vịt nhiễm vi rút cúm A/H5N1 của hộ ông Nguyễn Văn Cư thời gian qua thả ăn trên xứ đồng thuộc khu vực giáp ranh giữa 3 phường Điện Phương, Điện Minh, Điện Nam Đông. Qua rà soát, tại 3 phường vừa nêu hiện có khoảng 7 nghìn con vịt chạy đồng có nguy cơ cao bị lây nhiễm cúm A/H5N1.

Ngay trong đầu tuần này, thị xã Điện Bàn sẽ kiến nghị Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam chi viện khẩn cấp vắc xin cúm A/H5N1 để triển khai tiêm phòng cho số vịt nằm trong diện có nguy cơ cao mắc bệnh nêu trên.

“Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn đã phân bổ 1.020 lít hóa chất cho 20 xã, phường để tiến hành vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi. Những ngày tới, chúng tôi sẽ đề xuất Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam hỗ trợ thêm 400 lít hóa chất để tiếp tục thực hiện công tác này” - ông Chung nói.

Chủ động phòng dịch

Tuần qua, khảo sát tại nhiều địa phương của tỉnh, người chăn nuôi gia cầm đã nâng cao ý thức phòng dịch trước thông tin vi rút cúm A/H5N1 gây hại tại phường Điện Phương của thị xã Điện Bàn.

Ông Văn Quý Phi Hùng ở xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay trang trại của ông đã thả nuôi 7 lứa vịt thịt theo phương thức gối đầu. Bình quân mỗi lứa, ông Hùng nuôi từ 600 - 1.000 con. Theo ông Hùng, 2 năm gần đây, thấy dịch cúm gia cầm ít xuất hiện nên ông xem nhẹ việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 cho các lứa vịt.

“Tôi đang nuôi đàn vịt thịt 600 con, đến nay đã được 35 ngày tuổi và dự kiến 15 ngày nữa sẽ xuất bán. Nghe tin dịch cúm gia cầm vừa bùng phát ở Điện Bàn, tôi đã tổ chức nuôi nhốt đàn vịt chứ không thả chạy đồng như trước. Đồng thời chủ động mua hóa chất về phun tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm” - ông Hùng nói.

Thời gian qua, mặc dù đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh (hiện nay ước khoảng 9 triệu con các loại) nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 ở nhiều địa phương đạt rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian nuôi gia cầm khá ngắn, nhất là đối với vịt thương phẩm. Trong khi đó, tỉnh không có cơ chế hỗ trợ vắc xin chích ngừa dịch cúm gia cầm đại trà mà chỉ hỗ trợ tiêm phòng bao vây khi có ổ dịch phát sinh...

Theo ông Hoàng, trước nguy cơ vi rút cúm A/H5N1 lây lan, những ngày tới ngành chuyên môn và chính quyền các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng dịch đối với người chăn nuôi.

Đặc biệt, tích cực vận động người dân chủ động mua vắc xin tiêm phòng bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 cho đàn gia cầm, nhất là những đàn vịt nuôi thịt. Thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh để hạn chế nguy cơ vi rút gây bệnh phát tán...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung khống chế dịch cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO