Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các doanh nghiệp thương mại đã tích cực triển khai thu mua, dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh nhằm đưa hàng tết phục vụ địa bàn miền núi đã góp phần mang “tết sớm” lên non.
|
Người dân vùng cao mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón tết .Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
“Siêu thị” di động
Phục vụ cho nhu cầu mua sắm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Tam Kỳ đã tổ chức 4 gian hàng lưu động tại các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Giang. Những “siêu thị” di động với đủ loại hàng hóa phục vụ tết luôn đông khách. Khệ nệ mang nhiều loại bánh mứt, thực phẩm chất lên xe máy, chị Hồ Thị Vân (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) cho biết: “Sẵn vừa rồi bán rẫy keo được một số tiền kha khá, tôi cùng đứa con trai tranh thủ xuống thị trấn mua ít thực phẩm chuẩn bị tết. Mấy năm trước để gần tết mới mua, vừa bận rộn việc nhà, vừa không có điều kiện chọn lựa hàng hóa. Năm nay có thêm gian hàng lưu động của siêu thị đưa lên, giá vừa rẻ mà hàng hóa lại phong phú, chắc phải đi thêm lần nữa mới mua hết được”.
Cũng như chị Vân, rất nhiều người dân vùng cao đã bắt đầu chộn rộn lo tết. Những năm gần đây, nhờ đường sá thuận lợi hơn trước, đời sống của người dân vùng cao cũng được cải thiện đáng kể nên nhu cầu mua sắm tết tăng lên. Ở các huyện Nam Giang, Tây Giang, nhiều người dân vượt hàng chục cây số đến trung tâm huyện để mua sắm hàng hóa về dự trữ. Những gian hàng lưu động đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vùng cao. Năm nay, toàn tỉnh có 5 điểm bán hàng lưu động ở miền núi phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa dịp tết của nhiều đơn vị như Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng-Quảng Nam, Cty TNHH Sài Gòn Co.op Tam Kỳ, Công ty CP Lương thực và dịch vụ Quảng Nam. Những “siêu thị” di động đã mang không khí tết về rất sớm với vùng cao, tạo điều kiện cho đồng bào ở vùng biên, vùng sâu có điều kiện mua sắm, chuẩn bị đón tết.
Không chỉ có các công ty thương mại rục rịch triển khai đưa hàng hóa lên miền núi, các doanh nghiệp địa phương cũng bắt đầu vào mùa hoạt động với số lượng hàng hóa dự trữ khá lớn, đảm bảo cung ứng hàng hóa tại chỗ cho bà con miền núi. Tại Đông Giang, riêng Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Sông Vàng đã chuẩn bị số hàng hóa phục vụ tết với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng, phục vụ tại 3 địa bàn trọng yếu của huyện là khu vực xã Ba, xã Sông Kôn và thị trấn P’rao. Hơn 50 tấn gạo, 1.500 lít xăng, 5 tấn bánh kẹo, thực phẩm đã được đưa đến các cửa hàng của công ty rải dọc địa bàn huyện. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua sắm hàng tết phục vụ miền núi, Sở Công Thương cũng đã sớm chỉ đạo tập trung dự trữ hàng hóa với mức hỗ trợ tiền lãi vay cho doanh nghiệp lên đến 100%, ổn định nguồn cung đảm bảo cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết.
Tết mới ở làng tái định cư
Chuyển về khu tái định cư Pađu’h từ trước mùa mưa, cơ sở hạ tầng nơi ở mới còn đang được hoàn thiện nhưng người dân 2 thôn Alua, Kala (xã Dang, huyện Tây Giang) đang hân hoan vì sắp được đón tết. Tết đầu tiên ở làng mới, không còn nỗi lo sạt lở, thiếu đói. Những năm tháng thấp thỏm sống bên miệng vực với bộn bề lo toan và khó khăn đã bắt đầu lùi xa, nhường lại không khí phấn khởi, lạc quan của hơn 100 hộ dân làng Alua, Kala cũ. Chuyển về nơi ở mới, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tích cực và sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vui xuân, đón tết. Già làng Bhnướch Bê (thôn Alua) cho biết: “Từ ngày đến làng mới, bà con rất yên tâm làm ăn, lên nương lên rẫy, không còn lo lắng sạt lở, không còn khó khăn như trước. Nhà nước hỗ trợ dựng nhà, hỗ trợ thực phẩm, rồi còn tặng gạo cho bà con ăn tết, phấn khởi lắm. Tết này dân làng Alua, Kala sướng hơn rồi”.
Hiện tại, chính quyền huyện Tây Giang cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, nước sạch, kéo điện để kịp thời phục vụ cho bà con làng tái định cư trước Tết Nguyên đán. Đường dây trung thế dài 5,57km dẫn điện vào thôn dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đến và đang được tích cực triển khai để kịp bàn giao, đóng điện cho người dân ăn tết. Ông Vũ Như Trạng, Bí thư Đảng ủy xã Dang cho biết thêm: “Không chỉ người dân ở khu tái định cư mới Pà Đu’h, mà ở những làng tái định cư mới trên địa bàn xã, mọi công tác chuẩn bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chăm lo cho người dân đón tết cũng đang được gấp rút triển khai xuống tận từng thôn, bản”.
Còn nhớ, tết năm ngoái người dân ở Aduông 2 (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) còn phải vượt sông cõng từng gùi gạo, gùi bánh mứt mang về nhà. Nhưng bây giờ, về thăm lại Aduông, không khí tết đã bắt đầu rạo rực. Con đường mới mở từ thị trấn dẫn vào tận thôn đã thành hình, còn điện ở Aduông đã sáng từ tháng 8. Người dân giờ đây không còn phải vất vả vượt sông tìm “tết” như nhiều năm trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Bríu Quân, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương cùng các ban ngành liên quan đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt để ổn định đời sống, chuẩn bị hàng hóa, kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người dân đón Tết Nguyên đán. Nhất là ở các khu tái định cư, huyện đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh công tác thống kê, lập danh sách để kịp hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và nhân dân có điều kiện đón tết đủ đầy, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”.
Đề nghị hỗ trợ hơn 2.600 tấn gạo cho nhân dân trong dịp tết UBND tỉnh vừa đề nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ Quảng Nam 2.654 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và giáp hạt năm 2013. Được biết, thực hiện Công văn số 4682/LĐTBXH-BTXH của Bộ LĐ-TB&XH về việc trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra và báo cáo số hộ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và giáp hạt năm 2013. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương trong tỉnh, hiện có 58.093 hộ dân thiếu lương thực trong dịp tết này. (Đông Phương) |
PHƯƠNG GIANG