Tập trung mọi nỗ lực phòng, chống dịch cúm gia cầm

VĂN SỰ 11/02/2014 10:05

(QNO) - Trước nguy cơ vi rút cúm A/H5N1 lây lan ra diện rộng, chiều qua 10.2 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh có Công điện gửi lãnh đạo 18 huyện, thành phố và các ngành liên quan yêu cầu nhanh chóng triển khai thực hiện những biện pháp mạnh nhằm sớm dập tắt dịch để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi cũng như bảo vệ tốt sức khỏe của cộng đồng...

Cần khẩn trương tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm để tăng sức đề kháng.
Cần khẩn trương tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm để tăng sức đề kháng.

Nguy cơ cao

Theo thông tin từ Cục Thú y Trung ương, hiện nay trên địa bàn cả nước có tỉnh Bắc Ninh có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, còn theo Bộ Y tế thì trong tháng 1.2014 đã ghi nhận 2 người tử vong do nhiễm vi rút cúm A/H5N1 ở tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp.

Trên địa bàn Quảng Nam, từ đầu năm 2014 đến nay bệnh cúm gia cầm đã xảy ra trên các đàn vịt của 4 hộ dân thuộc xã Duy Trinh và Duy Châu của huyện Duy Xuyên. Không dừng lại ở đó, tại huyện Thăng Bình cũng đã phát hiện các đàn vịt nuôi của 3 hộ dân ở xã Bình Chánh và Bình Nguyên có hiện tượng mắc bệnh chết nhanh, nhiều, có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bệnh tích của cúm gia cầm. Theo ngành thú y tỉnh, những đàn vịt mắc bệnh này chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Được biết, các đàn vịt bị bệnh đã được chính quyền cơ sở cùng cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy kịp thời và áp dụng những biện pháp bao vây, khống chế không để lây lan thành dịch. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm sản xuất chăn nuôi bước vào mùa tái đàn, số lượng gia cầm nuôi mới nhiều, bên cạnh đó gần 4 triệu con gia cầm trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao...

Chủ động đối phó

Để ngăn chặn kịp thời các ổ bệnh mới phát sinh, không để lây lan thành dịch, 16 giờ chiều qua 10.2 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, đối với các địa phương đang có bệnh cúm gia cầm phải thực hiện khẩn cấp những biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã có gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N1 tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây, khống chế các ổ dịch; hướng dẫn cách ly các đàn gia cầm tại chuồng, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; tiêm vắc xin cúm gia cầm để bao vây dập tắt dịch. Cạnh đó, lập các biển báo, treo băng rôn thông báo vùng có bệnh cúm gia cầm, nghiêm cấm việc vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn xã có bệnh cúm gia cầm. Tại các chốt kiểm dịch tạm thời phải có phương tiện và hóa chất sát trùng để tiêu độc, khử trùng người và phương tiện giao thông qua lại.

Duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh.
Duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh.

Đối với các địa phương chưa có bệnh cúm gia cầm xảy ra phải tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm gia cầm mắc bệnh. Khi có hiện tượng gia cầm mắc bệnh chết, nghi mắc bệnh cúm gia cầm phải báo ngay với cơ quan thú y để tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời thực hiện tiêu hủy ngay toàn bộ đàn gia cầm tại hộ có gia cầm mắc bệnh, chết. Những đàn gia cầm mới mua về nuôi tái đàn, phải thực hiện việc nuôi cách ly ít nhất 14 ngày và tiêm phòng vắc xin cúm trước khi nhập đàn. Giao chính quyền cấp xã, thôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ các ổ bệnh; chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin bao vây, tiêm vắc xin định kỳ theo Quyết định số 4070/QĐ-UBND ngày 23.12.2013 của UBND tỉnh; chỉ đạo, thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn; quản lý đội ngũ thú y cơ sở hành nghề dịch vụ thú y...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT huy động tối đa cán bộ kỹ thuật, phương tiện phối hợp, hỗ trợ các địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi tăng cường việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật không đúng quy định. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất, vắc xin để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra. Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, vật tư, hóa chất... cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Kịp thời đề nghị UBND tỉnh công bố dịch theo quy định.

Đối với Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đề nghị phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 ở người; đảm bảo đầy đủ thuốc, các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để xử lý kịp thời ngay từ ca bệnh đầu tiên; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Về kinh phí phòng, chống dịch bệnh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 27.1.2014 của UBND tỉnh...

VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung mọi nỗ lực phòng, chống dịch cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO