(QNO) - Chiều nay 8/8, Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên họp thứ 3 nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ thời gian qua; đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thực hiện thời gian đến.
Các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp.
Nhiều chuyển biến
Báo cáo của Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam cho thấy, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua các địa phương, đơn vị cơ bản hoàn thành triển khai nhiệm vụ, tổ chức thực hiện tốt các chính sách đang có hiệu lực.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước của 9 huyện miền núi đạt 882 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2020 và gấp đôi so với năm 2016. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,64%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48,21%; có 32/93 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, có 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,73%...
"Các địa phương và đồng bào các DTTS đã có nhiều cố gắng, phát huy tính tự lực tự cường phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh, của huyện đề ra. Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã bố trí hơn 2.022 tỷ đồng để tập trung đầu tư vào khu vực miền núi; trong đó hơn 328 tỷ đồng thực hiện các cơ chế chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh, chưa kể các chương trình mục tiêu quốc gia" - ông Thử thông tin.
Sau thời gian triển khai, nhiều chính sách đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển miền núi. Bên cạnh kiên cố hóa hệ thống giao thông kết nối phát triển hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung được chú trọng.
Các dự án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam; phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại... đạt nhiều kết quả khá khả quan.
Đến nay, trên địa bàn miền núi đã thu hút được 86 dự án do doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 11.870 tỷ đồng; quy mô diện tích đất sử dụng hơn 1.521ha. Nhiều dự án đầu tư phù hợp với các nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây như: nhà máy chế biến dược liệu Trà My, nhà máy chế biến tinh dầu sả hương Tây Giang, các dự án chăn nuôi bò, heo, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng, nhà máy chế biến gỗ, các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...
Tiếp tục tập trung nguồn lực
Theo báo cáo, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội miền núi phát triển vẫn còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực; đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.
Ngoài ra, do nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn, đặc biệt là hạ tầng tái thiết sau thiên tai và hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, tính đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách DTTS, phát triển kinh tế - xã hội miền núi đôi lúc còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...
Để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại địa bàn các huyện miền núi trong thời gian đến, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư. Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tiếp cận các nguồn vốn, kể cả vốn vay ODA để ưu tiên đầu tư cho miền núi, nhất là đầu tư các tuyến giao thông kết nối.
Đồng thời, triển khai đầu tư Khu cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc; chỉ đạo UBND tỉnh cân đối nguồn lực để hoàn thành mục tiêu 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các đơn vị và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo kế hoạch đề ra...
Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều đề án, chính sách ưu tiên, tập trung nguồn lực và các giải pháp cho sự phát triển của vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó, giúp vùng Tây của tỉnh có động lực phát triển, làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, qua thực tế, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, một số hộ dân vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại. Do vậy, cần phải có những giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây trong thời gian tới, nhất là về hạ tầng giao thông, các mô hình phát triển sản xuất gắn với sắp xếp, bố trí dân cư miền núi...
Thời gian qua, ngoài việc tiếp tục triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Trung ương đã bổ sung thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là nguồn lực quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích phát triển sản xuất, tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi đến năm 2025.