Khai thác hải sản tại xã Bình Minh (Thăng Bình) đã có những chuyển biến vượt bậc nhờ ngư dân biết cách tiếp cận các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để đóng tàu lớn vươn khơi và áp dụng đa dạng ngành nghề sản xuất.
Tổng số phương tiện khai thác hải sản xa bờ của ngư dân xã Bình Minh đến thời điểm này là 87 tàu cá, tăng 52 phương tiện so với thời điểm năm 2010. Thời gian qua ngư dân địa phương đã năng động tiếp cận nhiều nguồn vốn vay để đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu cá, vươn khơi sản xuất trên các vùng biển xa. Ngư dân Võ Hồng Nhân (tổ 2, thôn Bình Tân) sở hữu 2 tàu cá có công suất 400CV và 720CV, trong đó phương tiện QNa-94646 được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cách đây hơn một năm. Ngoài việc sở hữu tàu cá QNa-94619, ngư dân Trần Công Chi (thôn Bình Tân) đã tiếp cận Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, vay vốn đóng mới thêm 1 tàu vỏ thép để thuận tiện cho sản xuất. Ngư dân Phan Thu (thôn Bình Tân) cũng đang đóng mới tàu vỏ thép từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Nhiều ngư dân khác đã hợp vốn với nhau đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu cá, sắm sửa các trang thiết bị hiện đại, sản xuất xa bờ hiệu quả.
Ngư dân xã Bình Minh bán hải sản sau khai thác. Ảnh: V.Q |
Từ manh mún trong khai thác hải sản, trong vòng 5 năm qua, ngư dân xã Bình Minh đã gắng sức học hỏi và áp dụng đa ngành sản xuất. Đến thời điểm này, các nghề mới như chụp mực, lưới rê hỗn hợp, lưới vây ánh sáng được các chủ phương tiện áp dụng hiệu quả. Tiêu biểu như các ngư dân Trần Công Mậu, Trần Công Hùng ở thôn Tân An có thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến bám biển bằng nghề mới du nhập là chụp mực. Nhờ tăng năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác hải sản đạt được của ngư dân trên địa bàn không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm 2010, sản lượng khai thác của xã đạt 4.000 tấn đã tăng lên 4.200 tấn ở năm 2011, 4.800 tấn ở năm 2012, 6.800 tấn ở năm 2013, 10.000 tấn ở năm 2014 và thời điểm này đã đạt được 11.500 tấn hải sản. Để thuận lợi cho sản xuất, mô hình tổ, đội sản xuất trên biển đã được lồng ghép, hoạt động hiệu quả trong nghiệp đoàn nghề cá.
Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, định hướng nghề cá của xã là tập trung các nguồn lực trong nhân dân cộng hưởng với các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh để ưu tiên phát triển đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, đặc biệt là tàu vỏ thép và vật liệu mới. Để tiếp tục tăng năng lực sản xuất, xã khuyến khích ngư dân trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu cá, ứng dụng các thành tựu mới trong khai thác hải sản, áp dụng các nghề mới triển vọng. Địa phương cũng kêu gọi tỉnh, huyện xúc tiến đầu tư xây dựng cảng cá Tân An, phát triển chế biến hải sản, thành lập các tổ hợp tác chuyên cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và trên bờ. “Hai vấn đề quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo đầu ra ổn định cho nghề cá đang được xã gắng sức và xúc tiến thực hiện trong thời gian này. Với các định hướng cụ thể, xác thực, hy vọng nghề biển của xã sẽ phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu trong nay mai” - ông Trương Công Bảy nói.
VIỆT QUANG