Tập trung phòng tránh lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người

05/11/2017 17:37

Tin liên quan

  • Lũ sông Vu Gia vượt đỉnh, Đại Lộc tiếp tục ngập sâu, chia cắt
  • Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra tình hình mưa lũ ở Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc (clip)
  • Miền núi sạt lở, cô lập; núi lở vùi lấp 2 người ở Phước Sơn
  • Sáng nay 5.11, lũ lên nhanh, nhiều vùng bị ngập sâu

* Ngày mai học sinh toàn tỉnh nghỉ học

(QNO) - Đến chiều tối nay 5.11, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Chính quyền địa phương, các ngành vẫn đang túc trực theo dõi để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

* Hội An: Vượt lũ đưa 131 công nhân vào bờ an toàn

Đến khoảng 18 giờ 30 tối nay 5.11, hơn 100 công nhân tham gia thi công dự án công viên Ấn tượng Hội An trên cồn nổi Gami được các lực lượng gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam và Đồn Biên phòng Cửa Đại ứng cứu, đưa vào bờ kịp thời trước khi nước lũ dâng lên.

Ca nô đưa lượt công nhân đầu tiên vào bờ. Ảnh: HẢI THỌ
Ca nô đưa lượt công nhân đầu tiên vào bờ. Ảnh: HẢI THỌ

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết khoảng gần 16 giờ chiều nay, có một người dân báo với chính quyền TP.Hội An việc còn khoảng 70 công nhân đang bị mắc kẹt trên cồn Gami và cần ứng cứu trong bối cảnh nước lũ đang dâng cao.

Ông Hùng yêu cầu lập tức xác tín từ đại diện công ty trước khi huy động các lực lượng liên quan khẩn trương ứng cứu.

Theo báo cáo của Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Hải đội trưởng Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam thì có hơn 100 công nhân mắc kẹt ở đồn Gami được giải cứu.

Phần lớn công nhân ở đây đến từ các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ảnh: HẢI THỌ
Phần lớn công nhân ở đây đến từ các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ảnh: HẢI THỌ

Toàn bộ số công nhân này được đưa qua Đồn Biên phòng Cửa Đại để lập biên bản vụ việc. Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết, trước mắt đơn vị sẽ mua mì tôm để số công nhân này lót dạ. “Sau đó chúng tôi sẽ liên hệ công ty đến đưa số công nhân này về, nếu không được, chúng tôi sẽ bố trí chỗ cho họ ở lại đơn vị” - Thượng tá Ba cho hay.

Sau khi vào bờ, một công nhân tên Th. cho biết, trước 15 giờ chiều nay do nghĩ mực nước lũ sẽ không dâng nữa nên không vào bờ. Đến khi hơn 15 giờ, khi thấy nước lũ tiếp tục dâng cao thì mới hốt hoảng kêu gọi sự giúp đỡ từ các lực lượng cứu hộ.

Đến 19 giờ 20 phút, toàn bộ công nhân ở cồn Gami được đưa vào bờ an toàn, tổng cộng có 131 công nhân.

Nhóm công nhân tại cồn Gami đợi lực lượng cứu hộ. Ảnh: HẢI THỌ
Nhóm công nhân tại cồn Gami đợi lực lượng cứu hộ. Ảnh: HẢI THỌ
Họ lên ca nô cứu hộ. Ảnh: HẢI THỌ
Họ lên ca nô cứu hộ. Ảnh: HẢI THỌ
Một toán khác đợi chuyến ca nô cứu hộ tiếp theo. Ảnh: HẢI THỌ
Một toán khác đợi chuyến ca nô cứu hộ tiếp theo. Ảnh: HẢI THỌ
Công nhân mặc áo phao trên ca nô vào bờ. Ảnh: HẢI THỌ
Công nhân mặc áo phao trên ca nô, đang trên đường vào bờ. Ảnh: HẢI THỌ
Đến khoảng 18 giờ 30, việc cứu hộ hoàn tất. Ảnh: HẢI THỌ
Đến khoảng 19 giờ 20 việc cứu hộ hoàn tất. Ảnh: HẢI THỌ

Được biết, dự án này được xây dựng trên cồn nổi Gami thuộc địa phận 2 phường Cẩm Nam và Cẩm Châu. Chủ đầu tư là Công ty CP Gami Hội an (có trụ sở tại phường Cẩm Châu). Dự án có công suất thiết kế 120 phòng khách sạn, 150 gian hàng thương mại, nhà hát trong nhà 1.000 chỗ ngồi, nhà hát ngoài trời 2.000 chỗ ngồi trên diện tích đất khoảng 10,9ha, với tổng vốn đầu tư của dự án hơn 815 tỷ đồng. (MINH HẢI - XUÂN THỌ)

Hội An di chuyển du khách đến nơi an toàn

Hồi 16 giờ chiều nay (5.11), nước lũ tiếp tục dâng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Để đảm bảo an toàn cho du khách, các khách sạn, homestay và resort tại khu vực An Hội, Cẩm Nam, Cẩm Thanh (TP Hội An) chủ động di chuyển khách đến nơi an toàn. Mặc dù chính quyền địa phương nghiêm cấm việc đưa đón khách tham quan phố cổ bằng ghe thuyền. Tuy nhiên vẫn cử lực lượng cảnh sát chốt chặn, hướng dẫn và giúp đỡ người dân, du khách khi có những yêu cầu bức thiết. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp chủ động đưa du khách đến các nơi lưu trú mới, an toàn nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ. Mặc dù đã quen và khá chủ động nhưng mưa lũ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân khu vực phố cổ. (TẤN CHÂU)

* Duy Xuyên khẩn trương di dời 577 hộ dân

Đến tối nay 5.11, trên địa bàn huyện Duy Xuyên tiếp tục có mưa kèm theo gió giật mạnh. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN  huyện Duy Xuyên cho biết, theo dự báo thì từ đêm nay đến rạng sáng mai, mực nước lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao, khả năng bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ năm 1999. Vì vậy để chủ động ứng phó với thiên tai, địa phương đã và đang tiến hành di dời khẩn cấp 577 hộ dân với 1.109 nhân khẩu ở các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, nơi có nguy cơ sạt lở đất đá đến các cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà dân kiên cố, tập trung ở xã Duy Vinh, Duy Phước, Duy Trinh, Duy Châu.

Công tác di dời phải thực hiện hoàn thành trước 24h tối nay. (VĂN SỰ - PHI THÀNH)

Hiệp Đức: Người dân vùng ngập lụt được di dời đến nơi an toàn

Tối 5.11, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp đức cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đang túc trực và theo dõi diễn biến phức tạp của mưa lũ. Theo ông Tỉnh, đến chiều tối cùng ngày, lượng mưa trên địa bàn huyện đã giảm, nhưng nước lũ ở các địa phương đang lên. Mưa lớn kéo dài khiến một số thôn ở các xã Quế Bình, Quế Thọ và một phần thị trấn Tân An bị ngập nặng. Những địa phương bị ngập và cô lập, người dân đã được di dời đến nơi an toàn.

Hiện tại điểm ngập lụt tại quốc lộ 14E đoạn qua cầu Bà Huỳnh nước đã rút, giao thông hoạt động trở lại bình thường. Do lũ về trong đêm 4.10 người dân trở tay không kịp, nên chết 1 con trâu và 1 con bò của người dân xã Quế Bình. (THANH THẮNG)

* Tam Kỳ: Sơ tán dân vùng có nguy cơ ngập sâu trước 22 giờ đêm nay

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.Tam Kỳ vừa ban hành công điện khẩn yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về chủ động ứng phó với tình hình bão số 12 và mưa lũ.

Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn tiếp tục tổ chức thực hiện di dời sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn trước 22 giờ hôm nay 5.11. Trong quá trình di dời, nếu cần sự hỗ trợ của thành phố, báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố để được hỗ trợ kịp thời; đồng thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Công điện nêu rõ, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn duy trì lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN được phân công đứng điểm tại các địa phương bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo về UBND thành phố để có chỉ đạo kịp thời. (CHÂU NỮ)

* Hội An cơ bản hoàn tất công tác di dời

Đến 19 giờ 30 tối nay (5.11), tình hình lũ lụt tại Hội An đang diễn biến phức tạp. Hiện tại hầu hết các tuyến phố đã bị cô lập hoàn toàn, mực nước đã chạm mốc 3,3m, trên mức báo động 3 là 1,3m, hơn lũ lịch sử năm 2007. Dự báo đêm nay nước sẽ tiếp tục lên nhanh. Ngoài tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng vào Hội An và ĐT 607 còn thông suốt thì tuyến đường ĐT 608 Vĩnh Điện (Điện Bàn) đi Hội An nối quốc lộ 1 đã bị ngập khá sâu. 

Hội An di chuyển người dân và du khách. Ảnh: XUÂN THỌ
Hội An di chuyển người dân và du khách. Ảnh: XUÂN THỌ

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngoài việc tiếp tục di dời dân đến các vùng an toàn thì việc di dời du khách từ chỗ thấp lụt đến chỗ cao ráo vẫn đang được khẩn trương tiến hành nhằm đảm bảo an toàn tài sản tính mạng cho khách. Tuy nhiên, một số du khách ở khu vực khối phố Ngọc Thành (phường Cẩm Phô) vẫn không chịu di dời vì muốn ở lại xem nước lũ. Dù vậy, thành phố khó có thể cưỡng chế được, do không có chỗ cho khách đi, chưa kể nhiều khách đến du lịch Hội An dịp này chủ yếu muốn được tận mắt xem lũ lụt và cam kết sáng hôm sau sẽ đi sớm, thành phố đã đề nghị các khách sạn phải quan tâm khách, đảm bảo an toàn cao nhất.

Đến khoảng 20 giờ, TP.Hội An cơ bản hoàn tất công tác di dời người dân, du khách đến nơi an toàn. Cụ thể: phường Cửa Đại di dời 40 hộ dân với 180 nhân khẩu đến nơi an toàn, còn 50 hộ với 256 nhân khẩu di dời tại chỗ; phường Cẩm Nam dời 30 hộ với 85 nhân khẩu, khối phố Nam Ngạn không còn người; xã Cẩm Kim 15 hộ với 50 nhân khẩu, thôn Vĩnh Thành không còn người; phường Cẩm Châu di dời tại chỗ 10 hộ với 27 nhân khẩu; phường Cẩm Phô 112 hộ với 250 nhân khẩu đến các nhà kiên cố; phường Sơn Phong 20 hộ với 38 nhân khẩu đến các nhà kiên cố; phường Thanh Hà có 60 hộ với 226 nhân khẩu di dời đến các nhà kiên cố, riêng khối phố Hậu Xá và khu tập thể thương binh nhẹ không chịu di dời; phường Minh An di dời tại chỗ các hộ dân.

Công tác di dời du khách vẫn đang được tiếp tục, hiện chưa có con số thống kê số lượng du khách được đưa đến nơi an toàn.

Tại tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và Quảng trường Sông Hoài, nơi đón tiếp đại biểu lãnh đạo 2 nước Việt Nam - Nhật Bản tham dự khai trương “Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” (dự kiến diễn ra ngày 10 hoặc 11.11) hiện đã bị ngập khá sâu. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, ảnh hưởng của lũ lụt đến việc khai trương sự kiện này là chắc chắn nhưng hiện vẫn chưa có cách biết giải quyết, phải chờ nước rút hết mới xử lý được. (K.LINH -  M.HẢI - X.THỌ)

* Điện Bàn: Hoàn thành việc di dời dân trước 21 giờ tối nay

Tại thị xã Điện Bàn, đến 19 giờ 30 tối nay 5.11, thống kê trên địa bàn đã có 1 người chết, 1 bị thương. Nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu hàng mét nước. Riêng tuyến quốc lộ 1 qua phường Vĩnh Điện nước đã ngập và đang dâng cao; phường Vĩnh Điện đã bị cô lập hoàn toàn.

Nhiều xe ô tô tập trung tránh lũ khu vực cầu Vĩinh Điện
Nhiều xe ô tô tập trung tránh lũ tại khu vực cầu Vĩinh Điện. Ảnh: KHÁNH LINH

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, dự báo đêm nay và sáng mai mực nước sẽ trên báo động 3 là 1,2m. Thời điểm này, một số nơi thấp trũng như thôn Cẩm Đồng (Điện Phong) hay một số hộ dân nằm phía dưới hạ lưu của cao tốc thuộc 2 xã Điện Quang, Điện Thọ cũng như các nơi có nguy cơ ngập nặng đều đã di dời dân đến nhà văn hóa thôn, việc di dời sẽ phải được hoàn thành trước 21 giờ tối nay. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và đôn đốc công tác di dời dân, đảm bảo an toàn cao nhất về tính mạng và tài sản người dân” - ông Hà quả quyết.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, đơn vị đã phát thông báo đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn chú ý cho học sinh trong vùng bị ngập lụt được nghỉ học cho đến khi nào hết lũ, đường đến trường không có cách trở và linh động tùy theo điều kiện của từng cơ sở giáo dục. (KHÁNH LINH - QUỐC TUẤN)

* Bắc Trà My: 2 người chết, 4 người mất tích

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, đến 19 giờ ngày 5.11, mưa lũ đã khiến cho 2 người chết và 4 người mất tích. Nạn nhân tử vong là ông Nguyễn Văn Sơn (70 tuổi, thôn 3 xã Trà Nú) và em Trần Thị Mai, học sinh lớp 11 (tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My). Được biết do mưa bão nên khối lượng đất đá đã sạt vào nhà ông Trần Ngọc Quỳnh, con gái ông là em Trần Thị Mai bị vùi trong khối đất đá, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác nạn nhân.

Trên địa bàn huyện cũng đã có 4 người mất tích do mưa lũ. Tại khu vực xã Trà Giang có 1 người bị mất tích do nước cuốn trôi, danh tính nạn nhân là Nguyễn Duy Tứ (28 tuổi). Tại khu vực nhà máy thủy điện Trà My 1, Trà My 2 vào khoảng 17 giờ ngày 5.11, do mưa lớn gây sạt lở núi, làm sụp toàn bộ nhà máy thủy điện, đã có 3 người bị mất tích. Hiện lực lượng chức năng đang cố gắng tiếp cận khu vực.

Về nhà ở, đã có 10 ngôi nhà của người dân bị sạt lở, vùi lấp tại các xã Trà Giang, Trà Giáp, thị trấn Trà My đoạn qua tổ Đàng Bộ (bến xe cũ)...

Mưa lớn cũng đã gây ngập lụt hơn 100 hộ dân tại các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Giang, tuyến quốc lộ 24C Trà My đi Trà Bồng đoạn qua tổ Đồng Bàu thị trấn Trà My, Trà Bui... Huyện đã huy động lực lượng để cứu hộ và di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. (NGUYỄN DƯƠNG)

* Ngày mai 6.11, học sinh toàn tỉnh nghỉ học

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, chiều nay 5.11, Sở GD-ĐT có công văn yêu cầu: ngày mai (6.11), các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học; đồng thời giao trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh quyết định thời gian đi học trở lại và có kế hoạch dạy bù sau mưa bão tan để đảm bảo chương trình. 

Công văn nêu rõ, các đơn vị nêu trên chủ động phòng chống mưa bão một cách tích cực, bảo vệ cơ sở vật chất, di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng. Đồng thời luôn theo dõi diễn biến của thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu do mưa bão gây ra. (CHÂU NỮ)

* Quế Sơn: Một bé gái 2 tuổi chết đuối

Trao đổi với chúng tôi lúc 19 giờ tối nay 5.11, ông Nguyễn Thế Quang - Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là cháu Lưu Thị Kim Ngọc (SN 2015, trú tại thôn Dưỡng Mông Đông). Theo ông Quang, khoảng 15 giờ 10 phút chiều cùng ngày, cháu Ngọc ra phía sau nhà thì không may rơi xuống dòng nước lũ, chết đuối.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã Quế Xuân 1 và cấp ủy, ban dân chính, mặt trận, các hội đoàn thể ở thôn Dưỡng Mông Đông đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình nạn nhân. (HOÀI NHI)

* Sơ tán dân tránh lũ

Như tin đã đưa, đến 15 giờ chiều 5.11, hàng trăm người dân thôn Vạn Long (xã Tam Đàn, Phú Ninh) đã được đưa ra khỏi vùng lũ, đến trú ẩn an toàn tại nhà văn hóa xã và trường học. Dưới đây là một số hình ảnh về quá trình di dời được chúng tôi ghi lại được:

Công an huyện Phú Ninh dùng ca nô, xuồng máy tìm cách tiếp cận với khu vực thôn Vạn Long (xã Tam Đàn) bị cô lâp.
Công an huyện Phú Ninh dùng ca nô, xuồng máy tìm cách tiếp cận với khu vực thôn Vạn Long đang bị cô lập.
Đưa người dân vào bờ an toàn.
Đưa người dân vào bờ an toàn.
Đã đưa thành công cháu bé lên bờ tránh lũ.
Một chiến sĩ công an bồng cháu bé lên bờ tránh lũ.
Ảnh 11: Lực lượng tình nguyện viên chăm sóc một người liệt nửa người.
Tại nhà văn hóa xã, lực lượng tình nguyện viên chăm sóc một chị bị liệt nửa người.
Người dân mong lũ rút sớm để được về nhà
Người dân thôn Vạn Long tránh trú tại nhà văn hóa xã.

Ông Mai Miên - Bí thư Đảng ủy xã Tam Đàn cho biết, ngoài bố trí nhà văn hóa xã, địa phương còn trưng dụng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu để người dân tới ở. Đồng thời chuẩn bị mì tôm, nước uống, chiếu, các nhu yếu phẩm và cắt cử lực lượng đến hướng dẫn, phục vụ bà con trong thời gian ở tại đây. “Chúng tôi còn điều động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ xã cùng lực lượng y tế đến chăm sóc cho bà con. Người di dời đến đây chủ yếu là người già và trẻ em, thanh niên vẫn còn ở lại những căn nhà có gác tại thôn để trông coi đồ đạc chưa di chuyển ra địa bàn” - ông Mai Miên nói. (THANH THẮNG)

* Tích cực khắc phục sự cố điện

Ngay từ sáng 4.11, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã tích cực triển khai lực lượng khắc phục sự cố, với phương châm “khắc phục đến đâu, đóng điện đến đó”. Lãnh đạo công ty thường xuyên kiểm tra, động viên công tác trực chỉ huy và khắc phục hậu quả bão lụt tại các điện lực.

Các đơn vị tích cực phát quang hành lang tuyến, nhanh chóng khôi phục sự cố mất điện do mưa lũ. Ảnh: V.H
Các đơn vị tích cực phát quang hành lang tuyến, nhanh chóng khôi phục sự cố mất điện do mưa lũ. Ảnh: V.H

Tại đường dây trung thế từ thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) cấp điện cho 2 huyện miền núi Hiệp Đức và Phước Sơn, đợt mưa bão này có tới khoảng 20 địa điểm có rừng cây keo trồng của người dân va quẹt, ngã đổ vào đường dây. Điện lực Hiệp Đức là đơn vị phụ trách tuyến đã cử lực lượng xung kích nhanh chóng vận động nhân dân cho xử lý, phát dọn cây cối để đảm bảo an toàn hành lang tuyến. Anh Trần Văn Thạch - Đội quản lý lưới Điện lực Hiệp Đức cho biết, từ 2 giờ khuya ngày 3.11, đường dây này buộc phải ngắt truyền tải. Cả ngày 4.12, đơn vị đã tập trung xử lý xong, khôi phục cấp điện nhưng do gió lớn gây mất điện trở lại. Ngày hôm nay, đơn vị tiếp tục xử lý sự cố.

Khắc phục sự cố gãy trụ trung thế gây mất điện tại huyện Nam Trà My. Ảnh: V.H
Khắc phục sự cố gãy trụ trung thế gây mất điện tại huyện Nam Trà My. Ảnh: V.H

Không chỉ có cây cối ảnh hưởng hành lang tuyến, tình trạng nước lũ dâng cao đột ngột, một số tuyến đường dây trung áp đi qua các địa bàn trũng thấp để cấp điện cho các huyện Phước Sơn, Nông Sơn... đến chiều ngày 5.11 tiếp tục bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc khôi phục cấp điện. Ông Tưởng Tám - Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức cho biết: “Chúng tôi cố gắng chiều 5.11 cấp điện lại cho huyện Hiệp Đức. Riêng huyện Phước Sơn, chờ nước sông Thu Bồn rút bớt, sau đó đi kiểm tra đường dây mới cấp điện lại được, vì hiện nay một số vị trí trụ bị ngập gần tới đường dây”.

Trong khi đó, tuyến đường dây trung thế cấp điện cho 3 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My, ngoài độ dài và nhiều điểm băng qua rừng cây trồng của người dân cũng gây sự cố, trong đợt bão này còn có một vị trí trụ (tại xã Trà Bui, Bắc Trà My) bị gãy và hàng ngàn mét dây bị hư hỏng. Vượt qua những sự cố phức tạp về giao thông, Điện lực Trà My đã nhanh chóng sửa chữa, cấp điện trở lại cho huyện Nam Trà My từ chiều 5.11.

Ông Võ Anh Hùng - Phó GĐ PC Quảng Nam (giữa) kiểm tra và động viên cán bộ nhân viên các Điện lực khắc phục sự cố do bão số 12, sớm khôi phục cấp điện
Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc PC Quảng Nam (giữa) kiểm tra và động viên cán bộ nhân viên khắc phục sự cố, sớm khôi phục cấp điện. Ảnh: V.H

Theo thống kê của PC Quảng Nam, bão số 12 đã làm cho gần 80% phụ tải mất điện, gãy 1 trụ điện trung thế, làm thiệt hại 1 trạm biến áp phụ tải, đứt hỏng gần 1.000m dây hạ thế, trên 200 thiết bị đóng cắt điện. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam chia sẻ, dù thời tiết diễn biến xấu, các vị trí bị sự cố lại rất khó khăn, phức tạp về giao thông, song các đơn vị trong PC Quảng Nam vẫn khẩn trương tập trung xử lý. Nhờ vậy, tính đến 10 giờ ngày 5.11, đã có trên 90% phụ tải được cấp điện trở lại. Đến chiều cùng ngày khôi phục cấp điện cho các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức. Riêng những nơi bị ngập sâu, chờ nước rút, sẽ tranh thủ xử lý sự cố, cấp điện trở lại, đảm bảo an toàn điện trong nhân dân. (VIỆT HẢO - THÀNH CÔNG)

* Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn

Đến 17 giờ ngày 5.11, hầu hết các thôn tại Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn, người dân gặp khó khăn trong việc di dời người và tài sản. Hiện huyện triển khai phương châm “4 tại chỗ” để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều khu dẫn cư
Nhiều khu dân cư tại Nông Sơn bị ngập sâu. Ảnh: T.L.P

Tại xã Phước Ninh, 5/5 khu dân cư bị cô lập và ngập nước hoàn toàn. Bà Trần Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương đã sơ tán dân lên trường học, cơ quan thôn và đồi núi cao. Mặc dù nước lên cao và nhanh, nhưng nhờ diễn ra ban ngày, cùng với sự chủ động trong công tác ứng phó của chính quyền và nhân dân địa phương nên chưa có thiệt hại về người và tài sản”.

Ghi nhận tại xã Quế Ninh, hiện mọi phương án hỗ trợ của địa phương không thể thực hiện được, xã thường xuyên cung cấp thông tin để người dân chủ động. Đồng thời kêu gọi người dân tự ứng phó với tình hình mưa bão.

Ảnh: T.T.P
Lụt ngập các tuyến đường. Ảnh: T.L.P

Dự báo, đêm 5.11 mực nước trên sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao, có thể vượt đỉnh lũ năm 2007 là 18,64m. Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cho biết, địa phương kiên quyết sơ tán, di dời dân để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tổ chức lực lượng ứng cứu, di dời các hộ dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm. Lực lượng công an, quân sự huyện sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. (M.THÔNG - T.LÊ - T.PHƯƠNG) 

* Lũ tiếp tục lên, Đại Lộc gồng mình ứng phó

Hiện nay, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (dự báo trên báo động 3 là 1,2m) và sông Thu Bồn tại Giao Thủy đang tiếp tục lên. Trước diễn biến trên, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã yêu cầu các địa phương tiếp tục trực ban 24/24 giờ để theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông và chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở phát thanh để người dân biết và chủ động các biện pháp phòng tránh. Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện phối hợp cùng với các cơ quan, ban, ngành và địa phương bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; đồng thời chuẩn bị lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Người dân Đại Lộc tiếp tục dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ.
Người dân Đại Lộc tiếp tục dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ. Ảnh: CÔNG TÚ

Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng đã yêu cầu Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, nắm thông tin về tình hình mưa lũ, ngập nước và thiệt hại tại các trường. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành ở huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo sự phân công đứng cánh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện để theo dõi, chỉ đạo.

: Nước lũ vẫn đang lên, chia cắt các tuyến giao thông trên địa bàn Đại Lộc.
Nước lũ vẫn đang lên, chia cắt các tuyến giao thông trên địa bàn Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ

Được biết trước đó, vào ngày 4.11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương rà soát phương án sơ tán các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng trũng thấp, nhà tạm bợ, nhà không kiên cố, vùng có nguy cơ sạt lở núi, vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng dưới chân đập đến nơi an toàn trước 17 giờ cùng ngày. Lãnh đạo huyện lưu ý phải chú trọng đến phương án sơ tán tại chỗ, nhất là nhà không kiên cố, nhà thấp lụt đến nhà kiên cố, nhà ở nơi cao lụt. Phòng LĐ-TB&XH Đại Lộc và các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để đáp ứng kịp thời. Riêng huyện Đại Lộc cũng đã chuẩn bị 400 thùng mỳ tôm, 5 tấn gạo, 200 thùng nước lọc để chuẩn bị ứng cứu cho các địa phương cứu đói cho nhân dân vùng lũ. (CÔNG TÚ)

* Phú Ninh: Nhiều người dân được di dời đến nơi an toàn

Khoảng 17 giờ ngày 5.11, theo thông tin từ UBND xã Tam Lãnh (Phú Ninh), từ chiều nay, địa phương này đã tăng cường lực lượng tại chỗ vận động bà con nhân dân dọn dẹp cây cối ngã đổ, tránh tình trạng gây ách tắc giao thông. Phân công lực lượng giúp đỡ nhà hộ ông Đặng Phương (thôn An Mỹ) và hộ Nguyễn Xuân Sơn (thôn An Lâu 1) có nhà bị sập do mưa lũ, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

ngạoa
Nhiều đoạn đường tại Phú Ninh vẫn còn ngập sâu. Ảnh: PHAN VINH

Tại xã Tam Lộc, trước tình trạng mưa lớn đã làm ngập 2 cây cầu Bằng Lăng và Phú Thị nằm trên 2 tuyến giao thông chính trên địa bàn, UBND xã đã phân công lực lượng túc trực 24/24 tại các cây cầu bị ngập để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Trong khi đó tại Tam Đàn, toàn bộ người già và trẻ em ở thôn Vạn Long (hơn 70 người) đã được di dời đến nơi trú ẩn an toàn tại nhà văn hóa xã. Còn tại xã Tam An, chính quyền địa phương đã vận động được hơn 30 hộ dân nằm trong vùng trũng ngập tại thôn Thuận An di chuyển, ở ghép với các hộ có nhà cao tầng trong khu vực. 

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, địa phương vẫn đang túc trực và cắt cử lực lượng theo dõi tình hình mưa lũ để triển khai những phương án tốt nhất nhằm hạn chế mất mát về người và tài sản. Đồng thời, chỉ đạo Đài Phát thanh - truyền hình huyện thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo đến người dân để chủ động phòng chống rủi ro thiên tai”. (PHAN VINH - HẢI CHÂU)

* Núi Thành: Thêm một trường hợp bị thương do mưa bão

Chiều nay 5.11, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, vào sáng nay, ông Ca Văn Phi (thôn Phú Khê Tây, xã Tam Xuân 2) trong khi sửa chữa nhà thì bị rơi từ mái nhà xuống bị thương. Hiện ông Phi đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xướng - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam thông tin, tại các thôn Tiên Xuân 2, Xuân Ngọc 2 của xã bị hư hỏng khoảng 11 nhà dân do gió lớn, gây thiệt hại, trong đó 1 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn và 1 ô tô bị mái che sập đè gây hư hỏng. Hiện nay, người dân đã tự khắc phục, sửa chữa, ổn định được nơi ở an toàn.

Tại xã Tam Hiệp, hơn 15m đê tại thôn Đại Phú bị sạt lở hoàn toàn.

Các tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền An Hòa (xã Tam Quang)
Các tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền An Hòa (xã Tam Quang). Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Tại xã Tam Quang, hơn 400 tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu an toàn, chưa xảy các sự cố nào. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Văn Định, ngay trong ngày 4.11, xã đã phối hợp với Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đi kiểm tra công tác neo đậu, tránh trú bão tại các âu thuyền. Nhờ có sự chuẩn bị tốt nên các tàu thuyền đều không bị va đập, hư hỏng.

Ngư dân Trần Thạnh (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) nói: “Cứ 4 tiếng đồng hồ là chúng tôi lại thay phiên nhau ra tát nước, bơm rút nước trong khoang máy để chống chìm. Anh em cùng hợp sức với nhau, không được lơ là vì nếu không nước tràn khoang máy là chìm tàu ngay”. (ĐOÀN ĐẠO)

* Hội An: Xà lan hút cát mắc vào chân cầu Cẩm Kim

Một trường hợp nguy hiểm xảy ra hồi 10 giờ ngày 5.11 tại cầu Cẩm Kim (TP.Hội An). Đó là một xà lan chạy dọc bờ đông của sông Thu Bồn đã bị nước lũ chảy mạnh cuốn ra giữa dòng và mắc lại tại 2 mố trụ cầu rồi lật nghiêng; 3 người trên xà lan đã kịp trèo lên cầu thoát thân.

3 người trên xà lan trèo lên cầu thoát thân Ảnh chụp từ clip đăng trên facebook Nguyễn Đức Quang
Ba người trên xà lan trèo lên cầu thoát thân. Ảnh chụp từ clip đăng trên facebook Nguyễn Đức Quang

Hồi 14 giờ, lực lượng chức năng của xã Cẩm Kim đã tìm cách tiếp cận chiếc xà lan nhưng không được vì nước lũ đang lên cao và dòng chảy trên sông rất mạnh. Vào lúc 17 giờ, ông Nguyễn Đức Quang, người đăng tải đoạn clip về xà lan này trên facebook của mình, cho biết: “Xà lan hiện vẫn còn mắc vào chân cầu tại vị trí cũ nhưng phần đuôi đã bị chìm, chỉ còn phần mũi đang nhô lên trên mặt nước lũ. Nguy hiểm quá!”.

Liên quan đến tình hình lũ lụt tại Hội An, theo dự báo, chiều và đêm nay, mức nước trên sông Thu Bồn tại Hội An lên mức 2,9m, trên báo động 3 là 0,9m. Do mưa lớn kết hợp với việc các thủy điện trên thượng nguồn tiến hành xả lũ và triều cường, dự báo mực nước lũ tại Hội An sẽ còn lên rất cao, có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. (QUỐC HẢI)

Báo Quảng Nam online đang cập nhật...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung phòng tránh lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO