Tập trung ruộng đất ở Thăng Bình: Nông dân cần thêm động lực

VIỆT NGUYỄN 12/03/2019 05:12

Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn huyện Thăng Bình đã thu được nhiều thành quả nhưng bộc lộ không ít yếu kém; vì thế cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích trong thời gian đến.

Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình còn phân tán, nhỏ lẻ. Ảnh: QUANG VIỆT
Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình còn phân tán, nhỏ lẻ. Ảnh: QUANG VIỆT

Nhiều khó khăn

Trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất từ năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Thăng Bình để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, qua đó nâng cao sản lượng, năng suất, giá trị kinh tế thu được. Theo ông Triệu Tấn Phú - Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên, qua thực tiễn liên kết sản xuất đã cho thấy trình độ quản trị của HTX còn kém. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất (cơ giới hóa đồng ruộng), hạ tầng sản xuất (điện, đường, kênh, mương, thủy lợi) còn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn. Các nông hộ tham gia sản xuất chưa thực sự quyết tâm, tin tưởng, sản xuất cầm chừng. Trong quy hoạch, bố trí các cánh đồng tập trung còn bất cập. “Có quá nhiều việc cần phải hoàn thiện, từ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tập trung ruộng đất, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hạ tầng, đầu tư mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị cho đến tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức của nông dân tham gia tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn” - ông Phú nói.

Tính đến vụ đông xuân 2018 - 2019, tổng diện tích đã tích tụ, tập trung ruộng đất tại các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình là 391,9ha (đạt 102% kế hoạch). Nguồn kinh phí UBND huyện đã giải ngân cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đến tháng 12.2018 là hơn 2,5 tỷ đồng.

Ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, mặc dù đã liên kết với khá nhiều doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa nhưng nhìn chung, thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn nhỏ lẻ, diễn ra ở chợ quê là chủ yếu. Việc thu mua nông sản ổn định với số lượng lớn chưa nhiều nên chưa tạo động lực cho nông hộ chủ động góp đất cùng HTX sản xuất quy mô. Nhiều HTX hoạt động cầm chừng, chưa đủ sức đảm nhận tập trung ruộng đất. Ở khá nhiều nơi, ruộng đất mới chỉ tích tụ chứ chưa thực sự tập trung trên một cánh đồng liền kề. Người dân chỉ muốn liên kết sản xuất, không muốn giao hẳn ruộng đất cho các HTX tổ chức sản xuất. Tâm lý sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, canh tác trên nhiều thửa ruộng, nhiều loại giống, nhiều loại cây trồng để tránh rủi ro vẫn còn đeo bám nông dân nên họ chưa dám đổi mới. Nhiều người băn khoăn về quyền sử dụng đất, thời gian giao đất bao lâu nên còn chưa gắn bó với HTX để cùng hướng đến sản xuất quy mô lớn.  

Tìm giải pháp

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đúc kết kinh nghiệm, xã nào thông suốt chủ trương tập trung ruộng đất, vào cuộc đồng bộ, thống nhất từ khâu xây dựng đề án, phương án, tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động nông hộ và linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh thì triển khai thành công, như trường hợp ở xã Bình Đào, Bình Nam. Vấn đề đặt ra là phải xác lập, bảo hộ tính pháp lý giữa người dân tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất với HTX và liên kết sản xuất trong thời gian dài. Nếu sau 5 năm không thực hiện liên kết thì HTX trả nguyên hiện trạng thửa ruộng cho nhân dân theo hợp đồng là điều kiện quan trọng để người dân yên tâm, tin tưởng. Vấn đề khác là phải công khai, minh bạch quyền và nghĩa vụ của người dân khi tham gia cùng HTX tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Theo đó, người dân cần được tham gia xuyên suốt quá trình sản xuất, kể cả các khâu dịch vụ, qua đó xác lập niềm tin rồi gắn bó lâu dài. “Vai trò liên doanh của doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi nhuận thiết thực cho HTX, nông hộ sẽ quyết định thành công của công tác tích tụ, tập trung ruộng đất vì nguồn lực của các HTX thời điểm này còn chưa đủ mạnh” - ông Hương nói.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho rằng, cái khó lớn nhất của HTX hiện nay là huy động nguồn vốn lớn. Trong khi đó, cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các HTX khi thuê đất của nông hộ để tích tụ, tập trung hình thành các cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, huyện còn bất cập, cần khơi thông giúp các HTX tiếp cận để mở rộng quy mô sản xuất. Tương tự là cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp của UBND tỉnh cũng cần được đẩy mạnh giúp HTX nâng cao nguồn lực, đầu tư sản xuất lớn. Ông Sanh đề xuất, huyện Thăng Bình và các sở, ngành cần xem xét, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương về hợp đồng thuê đất và các dự án đầu tư sản xuất của HTX đủ cơ sở thế chấp vay vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam.

Tạo cú hích cho quá trình tập trung ruộng đất trên địa bàn trong thời gian đến, UBND huyện Thăng Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND 22 xã, thị trấn đo đạc, xác lập bản đồ hiện trạng tập trung ruộng đất, qua đó, đầu tư trang thiết bị, máy móc, kênh mương, thủy lợi, điện, giao thông thúc đẩy sản xuất. Để tạo sản phẩm hàng hóa lớn, công tác tuyên truyền, vận động nông hộ và kêu gọi doanh nghiệp liên kết với các HTX cũng đã được tăng cường. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đề xuất HĐND huyện cho chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí thuê đất khi các HTX thuê đất của nông hộ với diện tích tập trung từ 5ha trở lên với thời hạn thuê đất từ 5 năm trở lên.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung ruộng đất ở Thăng Bình: Nông dân cần thêm động lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO