(QNO) - Sáng nay 9.9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch trọng tâm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2018 đến nay, toàn quốc có 4.351 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, còn lại là tổ hợp tác. Tính đến ngày 31.8.2022, cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP đạt từ hạng 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.
Còn tại Quảng Nam, tính đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 268 sản phẩm OCOP của 207 chủ thể. Trong đó, 222 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 45 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị trung ương công nhận hạng 5 sao. Năm 2022 này, cả tỉnh có 110 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giai đoạn 2021 - 2025, OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, các bộ ngành liên quan ở trung ương và chính quyền các cấp cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, những năm tới các ngành, các cấp cần tổ chức triển khai chu trình OCOP theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm, marketing, phát triển thị trường. Tăng cường hoạt động giới thiệu và xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP...
Về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thời gian tới phải tập trung phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp - nông thôn đặc thù; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ...