Tập trung trùng tu di tích Mỹ Sơn

VĨNH LỘC 13/02/2019 07:35

Tiếp tục triển khai những dự án bảo tồn, trùng tu các đền tháp Chăm, từng bước cứu vãn, hồi sinh những kiến trúc này… đang là mục tiêu ưu tiên trong năm 2019 của Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tháp B3 đang được chằng chống bằng những khung sắt phòng ngừa ngã đổ. Ảnh: V.LỘC
Tháp B3 đang được chằng chống bằng những khung sắt phòng ngừa ngã đổ. Ảnh: V.LỘC

Hoàn thành chống đỡ tháp B3

Dự án gia cố, chằng chống tháp B3 Mỹ Sơn đã chính thức được Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) triển khai thi công đầu tháng 1.2019, dự kiến cuối tháng 2.2019 sẽ kết thúc. Theo thiết kế, tháp B3 sẽ được níu giữ bằng các khung sắt bao quanh để tạo điểm tựa cho kiến trúc này. KTS Đặng Khánh Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, việc chằng chống chủ yếu mang tính gia cố, chống đỡ xung quanh và bên trong tháp, đề phòng tình huống tháp ngã đổ hoặc xảy ra sự cố chứ chưa can thiệp sâu vào kiến trúc, việc này sẽ có một dự án riêng. “Tôi được biết việc bảo tồn trùng tu hoàn chỉnh tháp B3 đến nay vẫn chưa có kế hoạch hoặc nguồn vốn. Chưa kể, để đánh giá nguyên nhân gây ra nghiêng lún, rạn nứt của tháp cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu cụ thể về địa chất, địa hình… Do đó, việc chằng chống hiện tại cũng chỉ mang tính cấp thiết trước khi có giải pháp chi tiết toàn diện nhằm đảm bảo tháp B3 ổn định” - ông Ngọc nói.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ X, tháp B3 (cao 9,45m) là một công trình hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn tại khu di tích Mỹ Sơn. Từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945, các chuyên gia Pháp, thuộc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp và các chuyên gia Việt Nam đã phát quang, đo vẽ, khảo tả, nghiên cứu công trình này. Khoảng năm 1992, tháp B3 đã ở trong tình trạng nghiêng nhẹ, thời điểm này kiến trúc sư người Ba Lan Kazik đã từng thực hiện việc xây tường gia cố ở hướng tây bằng xi măng và kiềng chân tháp để cứu vãn B3 nhưng vẫn không ngăn được tháp nghiêng lún. Năm 2006 các chuyên gia Nhật Bản cũng đã tiến hành khoan tầng địa chất tại khu vực tháp và phát hiện mạch nước ngầm từ suối Khe Thẻ (nhánh phía tây) gây thấm, ảnh hưởng đến chân tháp B3. Tháng 9.2013, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) cũng tổ chức đào thám sát nghiên cứu tại cửa tháp B3 để tìm phương án chống đỡ.

Đặc biệt ngoài tình trạng nghiêng lún, thân tháp cũng bị rạn nứt lớn, một số điểm có thể thấy được ánh sáng xuyên qua tường… Tuy nhiên, theo KTS Đặng Khánh Ngọc, hiện trạng tháp B3 không quá phức tạp và có nhiều giải pháp để xử lý, vấn đề quan trọng nhất vẫn là kinh phí. “Tháp B3 đã nghiêng lún mấy chục năm nay, chứ không phải mới đây. Còn để trả lời câu hỏi mỗi năm tháp có nghiêng thêm không thì phải có những quan trắc và so sánh chứ không thể trả lời chủ quan được” - ông Ngọc nói.

Triển khai nhiều dự án bảo tồn

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thông tin, bên cạnh dự án B3, năm 2019 đơn vị cũng sẽ phối hợp với Viện Bảo tồn di tích triển khai một số dự án nhỏ tại Mỹ Sơn từ nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp của đơn vị, bao gồm trùng tu tháp F2, chỉnh trang tháp D1, D2 đúng nguyên gốc do trước đây 2 kiến trúc này được kiến trúc sư Kazik làm theo cách thức chống đỡ khẩn cấp bằng xi măng. Ngoài ra, cũng sẽ tiến hành di dời công trình nhà biểu diễn văn nghệ ra khu vực khác, dự kiến tổng kinh phí các dự án này khoảng hơn 10 tỷ đồng. Riêng với dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, theo kế hoạch ngày 14.2 sẽ tiếp tục tổ chức thi công tại 2 nhóm tháp H và A. Hiện các chuyên gia Ấn Độ đã đến Mỹ Sơn, sẵn sàng triển khai lại công việc. “Năm nay đơn vị cũng sẽ kiến nghị Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2040; kiến nghị Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL thống nhất chủ trương bảo tồn, trùng tu nhóm tháp F nhằm tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn khu đền tháp tốt hơn” - ông Hộ thông tin.

Theo ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, tỉnh luôn xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn là quan trọng. Hiện tại, tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương trùng tu bảo tồn tháp F2 và D1, D2, trong đó Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ đóng vai trò quản lý giám sát với tư cách chủ đầu tư. Với dự án mà phía Ấn Độ thực hiện, năm 2019 vẫn sẽ chỉ tiếp tục bảo tồn 2 nhóm tháp K, H chưa thể triển khai thi công tại nhóm A. “Thật ra mà nói, kỳ vọng của mình là nhóm tháp A, bởi đây là công trình quan trọng, là kiệt tác của nền kiến trúc Champa, nên việc can thiệp phải rất cẩn trọng, do đó nếu có làm cũng phải sau 2019” - ông Cẩm nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung trùng tu di tích Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO