(QNO) - Ngày 21/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Công văn 1690 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Xóa thôn trắng đảng viên, chi bộ ghép
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 ngày 16/4/2013 và Kết luận 275 ngày 20/4/2018 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên toàn tỉnh được nâng lên. Việc củng cố, kiện toàn các loại hình tổ chức đảng được thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.
Nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới, cơ bản đảm bảo được tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Công tác kết nạp đảng viên mới được chú trọng cả về số lượng, chất lượng, góp phần xóa thôn trắng đảng viên và thôn có chi bộ ghép; số lượng chi bộ có chi ủy, tỷ lệ cán bộ thôn, tổ dân phố là đảng viên tăng.
Cùng với đó, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên ngày càng đi vào nền nếp, thực chất. Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều chuyển biến.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 13 và Kết luận 275. Trong đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nội dung sinh hoạt chi bộ tuy được đổi mới nhưng vẫn còn hạn chế, chưa sát với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
Người đứng đầu một số cấp ủy chưa phát huy tốt vai trò, chưa thật sự gương mẫu; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa được phát huy. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên có nơi còn hình thức, chưa chặt chẽ, chạy theo thành tích.
Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc phân công nhiệm vụ, quản lý đảng viên còn hạn chế, nhất là đối với đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên là bộ đội xuất ngũ; tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng, xóa tên vẫn còn xảy ra nhưng chậm được khắc phục…
Tập trung thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”
Để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đồng thời tập trung thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trước hết, tập trung quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch 211 ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 21 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kịp thời củng cố, kiện toàn, sắp xếp mô hình TCCSĐ, các tổ chức chính trị - xã hội đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của Trung ương. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu tập trung xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt) phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại các tổ chức đảng.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở. Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương phân công cấp ủy viên cấp trên theo dõi, phụ trách và dự sinh hoạt với tổ chức đảng ở cơ sở.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện; bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nêu rõ, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên không chấp hành quy định của Đảng.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi đảng viên, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu về TCCSĐ và đảng viên.