(QNO) - Để hạn chế thiệt hại do bão số 8 gây ra, suốt cả ngày 18.9 nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã dầm mình dưới những cơn mưa như trút nước để thu hoạch nông sản, bảo vệ phương tiện đánh bắt tránh thiệt hại do mưa bão...
|
Cả ngày hôm nay, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí chuẩn bị, đối phó với bão số 8 của người dân vùng đông Tam Kỳ diễn ra rất khẩn trương, gấp gáp. Đối với diện tích lúa hè thu bị ngập úng do các trận mưa to từ ngày 17.9 đến hết trưa 18.9, nhiều người dân đã được huy động ra đồng cùng giúp nhau gặt lúa chuyển về nhà.
Nông dân xã Tam Phú khẩn trương thu hoạch lúa trước bão số 8. Ảnh: HỮU PHÚC |
Tại cánh đồng Bà Trảng (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), hàng chục héc ta lúa hè thu đang vào vụ mùa thu hoạch bị chìm trong vũng nước úng. Ông Lương Bá cho biết: “Nhà tôi có 2 sào lúa đang vào vụ thu hoạch, nhưng mưa liên tục hai ngày qua đã làm hư hại. Sợ hạt bị ngâm nước lâu, lúa sẽ nẩy mầm, gia đình chạy đi kêu thêm một số thanh niên trong làng tranh thủ gặt cho xong”. Ở cánh đồng Bà Trảng, có hàng chục người dân mặc áo mưa lội nước chuyển những bó lúa ra khỏi đồng.
Ở khối phố 6, phường Phước Hòa (Tam Kỳ), nhiều nhà sống ven sông Bàn Thạch đã di chuyển toàn bộ đồ đạc, dụng cụ, nhu vật phẩm thiết yếu đến nơi cao ráo, đề phòng nước sông dâng cao gây ngập nhà. Chính quyền phường Phước Hòa khẳng định đến 3 giờ chiều 18.9, mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão số 8 của nhân dân trên địa bàn đã sẵn sàng. Hai địa điểm mà chính quyền đặc biệt quan tâm, đó là dân cư sống ven sông và đảm bảo tài sản của các tiểu thương buôn bán tại chợ.
Trong khi đó, tại huyện Núi Thành, nỗi lo nhất vẫn là làm thế nào để đảm bảo phương tiện đánh bắt an toàn cho ngư dân. Ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, ngay trong buổi chiều 18.9, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho hệ thống truyền thanh tất cả các xã, thị trấn phát sóng liên tục thông tin về cơ bão số 8 để người dân chủ động đối phó. “Quan ngại nhất của địa phương là sợ dân không vào âu thuyền An Hòa tránh bão, vì ở đây không có đê chắn sóng, sẽ làm các thuyền va đập gây thiệt hại lớn. Tàu thuyền tránh bão không được tổ chức bài bản, hậu quả sẽ rất khó lường” – ông Khả nói.
Do không vào âu thuyền An Hòa, các phương tiện đánh bắt ở Tam Quang, Tam Giang (Núi Thành) tự neo đậu tại bến nguy cơ sóng đánh gây thiệt hại tài sản rất cao. Ảnh: HỮU PHÚC |
Mặc dù 2 sào sắn KM94 đã đến kỳ thu hoạch nhưng mấy ngày trước thấy trời nắng ráo nên vợ chồng ông Ngô Văn Liên ở thôn 3 (xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) không vội thu hoạch. Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, suốt 2 ngày qua trời mưa to kéo dài khiến ruộng sắn của ông Liên bị ngập úng nặng. Lo sợ sắn thối, sáng nay 18.9, ông Liên huy động tất cả 6 thành viên trong gia đình ra ruộng nhổ sắn mặc cho những cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống. Ông Liên nói: “Nhổ xong 2 sào sắn, cân được tổng cộng 1.700 kg củ tươi, tui lập tức kêu thương lái đến mua. Với giá bán bình quân tại nhà 1.200 đồng/kg, tui kiếm được 2 triệu đồng. Cách đây 2 năm, cũng do chủ quan mà ngần ấy diện tích sắn của tui bị thối củ hàng loạt vì mưa lũ gây ngập úng”.
Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, vụ hè thu này nông dân trên địa bàn huyện tổ chức canh tác 2.200 ha sắn các loại, trong đó có khoảng 500 ha nằm ở khu vực trũng thấp. Theo ông Chín, trước nguy cơ bão số 8 đổ bộ vào Quảng Nam, từ chiều 16.9 đến nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đã tập trung vận động nông dân khẩn trương thu hoạch những ruộng sắn ở một số vùng dễ bị mưa lũ gây úng thủy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà nông. Ông Chín nói: “Trong số 500 ha sắn có khả năng bị hư hại do mưa bão thì đến chiều 18.9 đã có 95% diện tích được thu hoạch, số còn lại sáng 19.9 nông dân sẽ tiến hành nhổ ngay”.
Chiều 18.9, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Muộn thông tin, hiện các địa phương miền núi như Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My còn khoảng 1.700ha do gieo sạ trễ chưa thu hoạch nhiều khả năng sẽ bị hư hỏng. Ngành khuyến cáo lúa chỉ cần chín trên 80% thì nông dân khẩn trương thu hoạch, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro thiệt hại. |
Ôm những bó lúa ướt sũng nước lội trên đám ruộng đã bị lút tới trái chân, ông Phan Văn Long – một người dân trú thôn Tứ Ngân (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) nói: “Vì gieo sạ quá trễ vụ nên đến giờ này 3 sào lúa của tui mới chín được 75-80%. Thấy trời mưa xối xả, lại nghe bão số 8 sắp ập vào đất liền nên sáng nay tui mượn bà con chòm xóm ra đồng cắt lúa gánh về nhà tuốt và hong bằng máy quạt để hạt khỏi bị nẩy mầm. Nếu không gặt kịp thời, nước lũ từ thượng nguồn ào xuống thì chắc chắn sẽ bị mất trắng hoàn toàn”. Không riêng ông Long, suốt cả ngày 18.9, trên những cánh đồng của xã Điện Ngọc, chúng tôi thấy rất nhiều nông dân cũng đang tất tả gặt lúa chạy bão lũ.
Nông dân xã Quế Châu (huyện Quế Sơn) khẩn trương nhổ sắn. Ảnh: VĂN SỰ |
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đặng Công Bốn – Phó Ban Nông nghiệp xã Điện Ngọc cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại địa phương này còn ít nhất 80 ha lúa hè thu gieo sạ trễ vụ chưa được thu hoạch. Theo ông Bốn, trong số diện tích lúa vừa nêu thì có khoảng 50% diện tích đã chín 70-80%. Ông Bốn nói: “Trước tình hình thời tiết rất xấu, chúng tôi đang tập trung khuyến cáo bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch các ruộng lúa đã chín với phương châm càng nhanh càng tốt. Nếu không khẩn trương gặt, bão lũ hoành hành thì sẽ làm mồi cho cá”.
Ngoài xã Điện Ngọc thì trong ngày 18.9 nông dân ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng hối hả thu hoạch những ruộng lúa chín mà họ chưa kịp gặt trước khi cơn bão số 8 hình thành...
HỮU PHÚC - VĂN SỰ