“Tật xấu người Việt” là cuốn sách biên khảo đầu tiên của Di Li, cũng là cuốn sách thứ 27 của nữ tác giả đang rất được yêu thích này.
Tác phẩm ra mắt bạn đọc đầu năm nay, do NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam hợp tác phát hành.
Theo tác giả, cuốn sách được viết chăm chút, cẩn trọng trong vòng 15 năm, nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại, bao gồm: Tật xấu người Việt và Tính tốt người Việt (sẽ ra mắt trong nay mai).
Có 48 bài viết góp mặt trong gần 400 trang in của “Tật xấu người Việt”. Mỗi bài viết như một mẩu chuyện nhỏ tác giả rủ rỉ tâm tình về những buồn vui, băn khoăn, trăn trở, bực dọc trong đời sống người Việt hằng ngày.
Cuốn sách bắt đầu từ những tật xấu, chính xác hơn là những thói quen nho nhỏ - tưởng chừng vô hại của đa số người Việt trong ứng xử. Từ chuyện của gia đình đến những thói quen khác ít nhiều gây ảnh hưởng đến hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, những người chung quanh, rộng hơn là ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng.
Những thói quen ấy, tưởng chẳng là gì, chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng nhìn lại những ảnh hưởng của nó trên bình diện to lớn, phổ quát hơn, khiến người ta giật mình.
Chọn viết “Tật xấu người Việt”, Di Li đã chọn bước dấn thân khá nhạy cảm đối với tính khí kiêu hãnh của người Việt, cũng là một thái độ khá can đảm, thể hiện trách nhiệm công dân của người viết.
Văn phong nhẹ nhàng, đôi chỗ khôi hài, nửa kể chuyện, kết hợp với chia sẻ, phân tích, phản biện thông tin, “Tật xấu người Việt” đã khéo léo dẫn dắt người đọc từ chỗ tò mò, nghi ngại, có thể là phản kháng ban đầu, đến gật gù đồng cảm, tán thưởng. Sau đó, tự giật mình: sao mà giống mình quá!
Có không ít chỗ gây cười, nhưng cười mà đau. Không chỉ nói về tật xấu, cuốn sách còn chia sẻ với bạn vài ý tưởng để biết sống chan hòa, biết quan tâm tới người khác hơn.
Ít ra, nó ít nhiều đặt nền móng cho những thay đổi tích cực tự thân trong mỗi người đọc. Đó là biết phục thiện và mưu cầu đời sống lành mạnh, một cộng đồng văn minh, tiến bộ.
Đọc “Tật xấu người Việt”, nếu bạn là người lạc quan, cuốn sách sẽ là tấm gương để bạn soi mình, nhận biết rõ nét chân dung thật sự của mình trong mắt người khác.
Nếu bạn là người bi quan, nhìn thấy xã hội bây giờ toàn xấu xa, tệ nạn thì cuốn sách cũng giúp bạn nhận ra những lý do bắt nguồn các tệ nạn ấy. Phải chăng, từ những tật xấu nhỏ nhỏ, có đáng gì đâu của chính mình, những tật xấu ấy đang quay lại gây tác động âm tính lên đời sống bạn, cản trở bạn.
Có thể nói, “Tật xấu người Việt” của Di Li như một liều thuốc đắng đối với đời sống Việt. Nó đắng, chát, nhưng nó chỉ ra đúng bệnh. Thoạt tiên, nó có thể sẽ làm bạn không thấy dễ chịu, nhưng mỗi ngày một chút sẽ khiến bạn ngộ ra. Bạn sẽ từ từ điều chỉnh mình, từ từ cải thiện chính mình, để mình biết sống hạnh phúc hơn.
Bởi suy cho cùng, đời sống của chúng ta, tương lai của chúng ta có hạnh phúc không, cộng đồng chung quanh ta có văn minh không, bắt đầu từ những thói quen nho nhỏ của chính mỗi người.