Tàu cá khai thác ở vùng biển nước ngoài: Xử lý triệt để nhằm gỡ "thẻ vàng" thủy sản

VIỆT NGUYỄN 23/05/2023 08:17

Ngày 24/5 tới đây dự kiến đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang nước ta và ngẫu nhiên kiểm tra vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không đúng quy định và không báo cáo) ở bất kỳ tỉnh thành có nghề cá để ra quyết định về gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Câu mực khơi là nghề có nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Câu mực khơi là nghề có nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“Báo động đỏ”

Ngày 2/4, tàu cá QNa-94916 do ông Trần Đình Lên (xã Bình Minh, Thăng Bình) làm thuyền trưởng đã vi phạm ranh giới khu vực vịnh Bắc Bộ trong gần 2 giờ đồng hồ. Ngư dân nói nguyên nhân là do máy giám sát hành trình bị mất nguồn điện nên tàu cá mất phương hướng.

Chi cục Thủy sản đã xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu 25 triệu đồng. Ngày 15/3, tàu cá QNa-91697 của ông Phan Bá Tầm (xã Tam Giang, Núi Thành) đã vượt ra vùng biển nước ngoài, vi phạm ranh giới được phép khai thác trong vòng 12 ngày.

Ông Tầm đã được các lực lượng chức năng kêu gọi đưa tàu cá quay về bờ. Hiện nay Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà đang xác minh làm rõ sai phạm để xử lý nghiêm vụ việc.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá trên địa bàn đã “vô tình” vượt ra ngoài ranh giới cho phép trên biển.

Sau khi được cảnh báo từ Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Chi cục Thủy sản và lực lượng biên phòng đã yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam theo đúng quy định.

Nhiều chủ tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn lợi hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng cạn kiệt.

Do áp lực thiếu lao động, do phải ứng trước cho bạn biển 10 - 15 triệu đồng/chuyến biển nên phải tìm vùng biển có hải sản để đánh bắt. Nhiều ngư dân cho rằng, nước ta và các nước có vùng biển giáp ranh như Indonesia, Malaysia chưa có hiệp định phân định vùng biển nên “mập mờ” ranh giới khiến nguy cơ cao tàu cá “vô tình” sai phạm.

Đã có nhiều trường hợp chủ tàu cá bị xử phạt 2 - 3 lần do vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng vẫn tái diễn. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt chưa nghiêm minh nên chưa đủ sức răn đe ngư dân. Đã đến lúc báo động đỏ về ngư dân vì lợi ích trước mắt, lấn sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản mà “quên” những quy định của Luật Thủy sản và cảnh báo IUU.

Cũng cần nhắc lại thời gian qua, tàu cá QNa-91039 của ngư dân Nguyễn Văn Hùng (xã Tam Quang, Núi Thành) bị Thái Lan bắt giữ, xử phạt, tịch thu tàu do đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc vịnh Thái Lan.

Hay tàu cá QNa-95005 của ngư dân Trần Văn Mạnh (xã Bình Minh, Thăng Bình) bị Malaysia bắt giữ và xử phạt do đánh bắt hải sản ở vùng biển nước bạn. Tàu cá và ngư dân Quảng Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài đã gây phản ứng khá mạnh từ các nước trong khu vực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam và gây tiêu cực về xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cần xử phạt mạnh

Hiện nay, lực lượng biên phòng cùng với ngành thủy sản thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng và truy xuất nguồn gốc hải sản. Trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết, đơn vị quản lý chặt tàu cá qua xác nhận thủ tục ra khơi và khi cập bến, thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về IUU, buộc các chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồng thời yêu cầu tàu cá phải ghi chép nhật ký khai thác hải sản, gắn thiết bị giám sát hành trình, mở máy định vị 24/24. Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh cần đưa ra khỏi danh sách tàu cá sản xuất ở các vùng biển xa và không cho tiếp cận chính sách hỗ trợ nhiên liệu đi và về chuyến biển với mức tối đa 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm.

Theo khuyến cáo của EC, khống chế, không để xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nhiệm vụ đầu tiên để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Ông Võ Văn Long cho biết, sẽ thường xuyên thông báo danh sách tàu cá đã vi phạm hoặc có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài đến các địa phương nơi chủ tàu cư trú để cùng vận động không vi phạm và giám sát, xử lý khi sai phạm.

Ngành thủy sản phối hợp chặt với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an tỉnh để xử phạt mạnh, đủ sức răn đe các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, chủ tàu cá đánh bắt hải sản không có giấy phép ở vùng biển nước ngoài bị phạt ở mức 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàu cá khai thác ở vùng biển nước ngoài: Xử lý triệt để nhằm gỡ "thẻ vàng" thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO