Sau khi tàu cá QNa - 90191 của mình bị tàu sắt đâm chìm ở Đà Nẵng (Báo Quảng Nam đã có thông tin phản ánh), ông Nguyễn Hữu Mười (quê Núi Thành) phải tốn số tiền khá lớn để thuê trục vớt và kéo tàu lên bờ. Tàu cá hư hỏng nặng, ngư dân lâm vào cảnh khốn khó, khi phương tiện này chưa được mua bảo hiểm, mà kinh phí sửa chữa quá lớn. Ông Nguyễn Hữu Mười đang rất cần sự hỗ trợ để có thể tiếp tục vươn khơi bám biển.
|
Ngư dân Nguyễn Hữu Mười bên con tàu đã bị đâm hư hỏng nặng. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Kiệt quệ và hết vốn
Đứng bên con tàu hư hỏng nặng sau cú tông va mạnh vào đêm 8.4.2017, ông Mười nói: “May mắn giữ được mạng sống, nhưng bọn tôi kiệt quệ, hết vốn liếng rồi. Giờ muốn sửa tàu cũng không biết lấy gì”. Con tàu là tài sản quý giá mà ông Mười và người em họ Đỗ Minh Sơn cùng hùn vốn tậu nên, chưa được bao lâu thì bị đâm chìm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Tam Tiến, Núi Thành, mới 14 tuổi ông Mười đã biết đi biển. Lớn lên, lập gia đình ông cùng vợ con vào tận Phú Quốc (Kiên Giang) để theo nghề biển. Cuộc sống bấp bênh, 7 năm trước gia đình ông quyết định trở về quê lập nghiệp. Vợ thường ốm đau, ông theo tàu đi bạn, tích góp vốn liếng làm ăn. Năm 2016, ông Mười quyết định góp vốn sắm tàu vươn khơi. Vì vốn liếng eo hẹp nên ông kêu gọi người em họ Đỗ Minh Sơn cùng đầu tư, mua con tàu cũ rồi sửa chữa nâng cấp máy với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Tàu ra biển đánh bắt, cả hai gia đình trông chờ hết vào những chuyến biển. Nhưng chỉ được mấy tháng thì tai họa đã ập xuống.
“Giấc mơ đóng tàu lớn chưa bao giờ nguôi. Tôi tính trước mắt sắm tàu nhỏ, tàu cũ, chăm chỉ vài năm khi có vốn sẽ đóng tàu lớn vươn khơi bám biển. Nhưng chưa kịp mừng thì bị tàu sắt đâm chìm” - ông Mười nói. Còn ông Đỗ Minh Sơn chia sẻ, gia đình ông làm nghề nuôi tôm. Nhưng mấy năm nay bấp bênh thua lỗ nặng nên quyết định đổi nghề bám biển. Xoay xở vay mượn, ông dồn hết vốn liếng vào con tàu, với giấc mơ cuộc sống gia đình sẽ khấm khá hơn. “Bốn ngày khai thác, tàu đánh bắt được hơn 1 tấn hải sản, anh em ai cũng vui mừng. Đã vào đến gần bờ tàu lại bị đâm chìm. Mất tất cả! Thiệt là oan ức!” - ông Sơn buồn bã.
Rất cần sự hỗ trợ
Tàu bị đâm chìm, xót của, nên ông Mười và ông Sơn xoay xở, tự bỏ tiền ra để trục vớt con tàu và kéo vào bờ. Bốn tàu cá của ngư dân với 16 người và đội thợ lặn được hai ông thuê trục vớt tàu, kéo lên đà xong xuôi tốn hơn 40 triệu đồng. “Phải tự làm thôi, chứ ngồi chờ cơ quan chức năng thì đến bao giờ. Để tàu ngâm nước xót của lắm” - ông Mười nói. Ông Mười kể, tàu QNa - 90191 được anh em ông mua lại, tu sửa hết hơn 600 triệu đồng từ tháng 8.2016. Đi biển chuyến đầu tiên vào tháng 10.2016, đến trước khi bị đâm chìm, tàu chỉ mới đi được 5 chuyến, vốn chưa kịp thu hồi. “Từ hôm bị nạn đến nay, chỉ mới có bên huyện Núi Thành gọi điện động viên tôi. Ngoài ra, chưa có bất cứ cơ quan đoàn thể nào thăm hỏi động viên tinh thần hay vật chất gì. Bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào con tàu, bây giờ dự kiến sửa chữa phải hết 300 triệu đồng, lấy đâu ra? Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng để có thể tiếp tục bám biển” - ông Mười tâm tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, đã nắm thông tin vụ việc qua phản ánh của báo chí, tuy nhiên chưa thấy địa phương và chủ tàu đề cập gì. Riêng về hành vi tàu vỏ sắt đâm chìm tàu cá rồi bỏ chạy, bỏ mặc ngư dân giữa biển trong đêm tối, ông Kiến cho rằng đây là hành vi vô nhân đạo, xem thường tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển. Hội nghề cá cực lực phản đối. Thủ phạm phải được trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho hay, đã giao cho Sở NN&PTNT xem xét để có đề xuất hỗ trợ ngư dân.
NGUYỄN THÀNH