Tàu cá Quảng Nam liên tục bị quấy phá

VIỆT NGUYỄN 11/06/2019 14:56

Gần đây, tàu Trung Quốc ngang ngược quấy phá hành trình khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân cho biết vẫn kiên trung bám biển để khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu vỏ thép của anh Trần Văn Nhân bị tàu Trung Quốc cướp 2 tấn mực khô. Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu vỏ thép của anh Trần Văn Nhân bị tàu Trung Quốc cướp 2 tấn mực khô. Ảnh: QUANG VIỆT

Sản xuất gặp khó

Cuối tuần qua, sau khi đưa tàu vỏ thép QNa-91441 hành nghề lưới chụp cập bờ, anh Trần Văn Nhân (chủ tàu kiêm thuyền trường, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đến Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà trình báo về việc bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp 2 tấn mực khô khi đang sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa.

Anh Trần Văn Nhân kể, khi tàu đang thả trôi để tạm nghỉ ngơi ở vị trí cách đảo Tri Tôn chừng 22 hải lý thì tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 ập đến, 6 người lên tàu khống chế các ngư dân. Trong đó, có người nói được tiếng Việt, buộc các ngư dân khai tên tuổi, quê quán và cho rằng “đây là vùng biển của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam không được khai thác hải sản”. Sau đó, 6 người này bắt ngư dân mở hầm bảo quản hải sản, cướp hết 2 tấn mực, đưa về tàu Trung Quốc. “Chúng bảo lần này thì chỉ lấy hải sản, lần sau nếu phát hiện sẽ thu toàn bộ ngư lưới cụ, bắt ngư dân và đưa tàu về Trung Quốc giam giữ” - anh Nhân nói.

Tương ứng với giá mực xà ở thời điểm hiện tại, thiệt hại của anh Nhân và gần 15 bạn biển trong vụ tấn công vừa qua là xấp xỉ 300 triệu đồng. “Chuyến biển tốn hơn 200 triệu đồng phí tổn, chúng tôi dự tính sẽ có dư với nguồn thu ít ỏi. Không ngờ tàu Trung Quốc đã cướp hải sản. Chúng tôi sẽ khẩn trương vươn khơi trở lại và mong các lực lượng chấp pháp của nước ta đồng hành, tiếp sức ngư dân bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Nhân nói. Cũng theo anh Nhân, mọi năm, ngư dân vẫn đánh bắt hải sản ở khu vực phía ngoài đảo Tri Tôn thuộc vùng biển Hoàng Sa. Không hiểu sao, thời gian gần đây, các tàu Trung Quốc liên tục cản phá, xua đuổi, tấn công.

Gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công khi đang sản xuất ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91045 hành nghề chụp mực cho biết, sau khi cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc vô lý ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản ở Biển Đông, trong đó có vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta, áp dụng đến ngày 16.8 thì tàu Trung Quốc liên tục có mặt với mật độ dày, trang bị vòi rồng, xua đuổi, tấn công tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản.

“Ngay cả khu vực xung quanh đảo Bạch Quy là nơi tạm trú an toàn của tàu cá khi thời tiết trên biển biến động cũng bị tàu Trung Quốc thao túng. Tàu của họ tràn ngập trên biển, ngang ngược tấn công chúng tôi” - ông Cả nói. Các chủ tàu Lê Văn Hên, Nguyễn Văn Nghị, Lê Văn Năm, Trần Công Kỳ (xã Tam Quang, Núi Thành) cũng đã bị các tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công. “Tàu Trung Quốc lấy đông hiếp yếu. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác, chủ động rời xa khu vực có tàu Trung Quốc để sản xuất an toàn” - ngư dân Lê Văn Hên nói.

Kiên tâm bám biển

Mới đây, tàu cá QNa-90343 của ngư dân Đỗ Hữu Hương (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập bờ bán hải sản. Ông Hương cho biết, trước đây hành nghề lưới vây trên biển, nay đã chuyển sang thực hiện hậu cần nghề cá. Tàu cá QNa-90343 liên tục ra vào vùng biển Hoàng Sa để thu mua hải sản về bờ bán lại.

Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, đến thời điểm này, các tàu hành nghề lưới chụp, câu mực khơi của ngư dân trên địa bàn vẫn sản xuất an toàn ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. “Các chủ tàu cá ở địa phương cho biết luôn điều khiển tàu tránh xa các tàu Trung Quốc hoặc sản xuất theo tổ, đội đoàn kết nên tránh được sự tấn công. Họ vẫn kiên tâm bám biển, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Phạm Văn Châu nói.

“Mỗi chuyến biển của chúng tôi chừng 7 ngày. Có mặt liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi thấy tàu Trung Quốc có mặt dày đặc. Bọn chúng ngang ngược lắm, tấn công mọi tàu cá của ngư dân Quảng Nam nếu phát hiện. Bởi vậy, chúng tôi phải linh hoạt thu mua hải sản chứ nếu chúng bắt giữ, cướp hải sản thì thua lỗ, thâm nợ” - ông Hương nói.

Khi được hỏi về quyết tâm bám biển, ông Hương khẳng định: “Hoàng Sa là vùng biển của nước ta thì chúng tôi bám biển là phải lẽ. Tàu Trung Quốc đã manh động, bất chấp lẽ phải, tấn công tàu cá Quảng Nam là coi thường pháp luật quốc tế. Cộng đồng các nước cần lên án Trung Quốc, buộc phải tuân thủ các luật lệ trên biển” - ông Hương nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mới đây đã gửi thông báo đến các chủ tàu cá, ngư dân khai thác hải sản về việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta là vô lý, không có giá trị. “Bà con ngư dân yên tâm sản xuất trên các vùng biển của nước ta, không sang vùng biển các nước khác. Ngư dân đi khai thác hải sản theo tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Các ngư dân nên cảnh giác đối với các tàu lạ. Nếu phát hiện tàu lạ thì nên liên lạc ngay để các ngành chức năng có biện pháp xử lý” - ông Ngô Tấn nói.

Sở NN&PTNT cũng đã gửi công văn đề nghị các đồn, trạm  biên phòng tuyến biển quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập bến của tàu cá; thực hiện xác nhận hành chính tại sổ danh bạ thuyền viên để tiện quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ tàu cá hoàn chỉnh các loại hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàu cá Quảng Nam liên tục bị quấy phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO