Tàu cá vỏ thép gặp khó

NGUYỄN QUANG VIỆT 23/06/2017 09:19

Không ít tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả trong vụ cá chính khiến ngư dân và ngân hàng thương mại lo lắng về khả năng trả nợ nguồn vốn vay ưu đãi.

  • Ngư dân ngao ngán với tàu vỏ thép
  • Tăng cường giám sát đóng tàu vỏ thép
  • Bất an neo đậu tàu vỏ thép
  • Sự cố hỏng máy tàu vỏ thép: Các bên đùn đẩy trách nhiệm
  • "Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn
  • "Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài 1: Thiết kế chưa phù hợp
  • "Đau đầu" với tàu vỏ thép - Bài 2: Ách tắc nguồn vốn
Tàu vỏ thép của ngư dân Dương Văn Hải xã Tam Giang, Núi Thành cập bờ bán hải sản. Ảnh: N.Q.V
Tàu vỏ thép của ngư dân Dương Văn Hải xã Tam Giang, Núi Thành cập bờ bán hải sản. Ảnh: N.Q.V

Sản lượng thấp

Đang vụ sản xuất chính nhưng một số ngư dân là chủ các tàu vỏ thép không mặn mà ra khơi. Ngư dân Trần Đậu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, chủ tàu vỏ thép QNa-93717) cho biết, các chuyến biển vừa qua đều thất bại. “Nghề lưới rê hỗn hợp ngày càng khó khai thác. Chuyến biển vừa rồi tôi chỉ thu được 15 triệu đồng sau 15 ngày sản xuất với vỏn vẹn 1 tấn cá. Vì lỗ khiến tôi chưa thể ra khơi” - ông Đậu nói. Theo ngư dân Trần Đậu, cả 3 chuyến biển vừa qua tàu của ông đều thua lỗ, điều đáng nói là ông chỉ được nhận hỗ trợ dầu cho 1 chuyến biển. “Tôi nhắn tin về trạm bờ bố trí ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhưng ngành chức năng bảo là không nhận được” - ông Đậu chia sẻ.

Mới đây, ngư dân Dương Văn Hải (thôn Thuận An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá vỏ thép QNa-90848 theo nghề chụp mực cập bờ bán hải sản. Chuyến biển trong vòng 15 ngày của thuyền trưởng Hải và 14 lao động thu được gần 5 tấn cá ngừ, cá nục. “Tàu cá của tôi có công suất 822CV, hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trước đây tôi nghe giới thiệu nghề chụp mực cực kỳ triển vọng. Vậy mà thực tế sản xuất không được như vậy. Đóng tàu lớn mà chỉ quanh quẩn đánh bắt mực ở tuyến lộng là không hợp lý. Nghề chụp mực ngày càng gặp khó vì trữ lượng hải sản giảm dần qua từng năm, không biết chọn ngư trường nào để sản xuất hiệu quả” - ông Hải nói. Các thuyền viên cùng sản xuất với ngư dân Dương Văn Hải trong các chuyến biển vừa qua buồn thiu vì thu chỉ đủ bù chi.

Cần tổ chức lại sản xuất

Theo ngư dân Trần Đậu, cứ mỗi quý thì chủ tàu phải trả nợ vay vốn đóng tàu cho ngân hàng thương mại. Ở quý vừa qua, sản xuất thua lỗ nên ông không đủ tiền trả nợ. “Tôi mong ngành thủy sản kiểm tra kỹ lưỡng lại các tin nhắn khi chúng tôi gửi về từ ngư trường xa bờ để được hỗ trợ dầu theo quy định của Chính phủ. Công tác dự báo ngư trường cũng cần được triển khai thích hợp, giúp chúng tôi chủ động sản xuất. Nhiều khi phải liên tục di chuyển, điều tàu cá từ nơi này đến nơi khác quá tốn nhiên liệu. Tôi cũng đề nghị ngành thủy sản cân nhắc giảm độ rộng mắt lưới để ngư dân sản xuất thuận tiện hơn” - ông Đậu nói. Về khoản nợ vay vốn của ngân hàng thương mại, ông Đậu cho biết: “Tôi mong sản xuất hiệu quả để có đủ tiền trả nợ ngân hàng theo mỗi quý trong năm. Khó nhất là lao động không gắn bó, trước đây tôi trả cho bạn biển 7 triệu đồng/chuyến biển mà mấy chuyến biển vừa qua thua lỗ nên họ bỏ tôi đi “đầu quân” cho tàu ở nơi khác rồi. Mấy ngày nữa các chủ tàu trong cùng tổ đoàn kết khai thác hải sản trở về, tôi trao đổi, nghiên cứu kỹ lại ngư trường rồi tìm kiếm lao động, lại ra khơi sản xuất, tiết kiệm tiền trả nợ”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang lo lắng với nguồn vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67. “Ngư dân trả nợ 4 lần trong 4 quý của mỗi năm. Nếu có một quý ngư dân không trả được nợ thì các quý tiếp theo họ càng khó xoay xở hơn. Nếu để nợ quá hạn, ngư dân sẽ không còn được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Nếu họ không được Nhà nước hỗ trợ trả 6% lãi suất vốn vay thì chắc chắn ngư dân sẽ chồng chất khó khăn, không đủ vốn trả nợ” - bà Nga nói. Theo bà Nga, ngư dân khó trả nợ định kỳ là do sản xuất gặp quá nhiều khó khăn trong thời gian qua. “Chúng tôi lo lắng nhất là khoản bảo hiểm thân tàu. Hiện tại, Nhà nước chưa tiếp tục hỗ trợ chi phí, giúp ngư dân mua bảo hiểm. Nếu có rủi ro trên vùng biển khiến tàu cá gặp nạn thì không biết khoản nợ vay vốn đóng tàu sẽ được xử lý thế nào. Ngành thủy sản từ trung ương đến tỉnh, các địa phương ven biển cần có cách tổ chức lại sản xuất trên biển như thế nào đó, giúp ngư dân chủ động ngư trường đánh bắt hải sản, thu được giá trị kinh tế ổn định. Quảng Nam cũng cần đề xuất với trung ương có cơ chế cơ cấu lại khoản nợ vay vốn đóng tàu, khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ ngư dân trong những điều kiện sản xuất nguy khó” - bà Nga nói.

Quảng Nam đã có 31 tàu vỏ thép vươn khơi

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, triển khai Nghị định 67 đến thời điểm này, từ hỗ trợ lãi suất vốn vay của Chính phủ, sự vào cuộc nhiệt tình của một số ngân hàng thương mại đóng chân trên địa bàn tỉnh như Agribank chi nhánh Quảng Nam và BIDV chi nhánh Quảng Nam, ngư dân toàn tỉnh đã đóng được 35 tàu cỏ thép, trong đó có 31 phương tiện đã được cấp phép, đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Về chính sách bảo hiểm, Quảng Nam đã thực hiện 20 lớp tập huấn tại các huyện, thị xã, thành phố, có gần 1 nghìn ngư dân tham gia. Nội dung tập huấn là phổ biến các quy định, điều kiện và hướng dẫn ngư dân thực hiện hồ sơ, thủ tục mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Công ty Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam đã thực hiện bán bảo hiểm cho ngư dân, tàu vỏ thép. UBND tỉnh đã giải ngân hàng chục tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm từ sự phối hợp thẩm định, tham mưu của liên Sở NN&PTNT - Tài chính.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Đến nay, đã có 70 thuyền viên ngư dân tham gia thuộc 2 lớp ở huyện Thăng Bình và Núi Thành. Các lớp tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới, khi vụ cá chính khép lại, ngư dân có thời gian rảnh để tham gia. “Theo thông tin tôi được biết thì nhiều khả năng cuối tháng 6 này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67; nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề “nóng” hiện nay là bảo hiểm tàu cá, dự báo ngư trường, nguồn lợi cũng như tổ chức lại sản xuất trên biển” - ông Ngô Tấn nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàu cá vỏ thép gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO