Chiều ngày 23.12, UBND huyện Núi Thành tổ chức buổi gặp mặt 19 ngư dân trên địa bàn vừa được UBND tỉnh công nhận đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 đợt 1. Nhiều ngư dân cho biết, sẽ ưu tiên lắp đặt các trang thiết bị hiện đại trên phương tiện đóng mới nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sản suất.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Đông An, xã Tam Giang) hồ hởi cho biết: “Máy dò ngang Sonar 360 độ mới nhất do Canada sản xuất sẽ là thiết bị ưu tiên đầu tiên tôi lắp đặt cho tàu cá của mình. Với các tính năng vượt trội như có thể phát hiện đàn cá từ rất xa, không bỏ sót phạm vi hoạt động của cá, công nghệ mới này sẽ nâng cao năng lực đánh bắt hải sản cho gia đình chúng tôi. Nhiều dự tính lớn nhưng chưa có điều kiện để thực hiện trong thời gian qua cũng sẽ được chúng tôi triển khai khi đóng mới tàu vỏ thép có công suất 800CV kiêm nghề mành chụp lẫn lưới vây”. Giống như ông Huệ, nhiều ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành hy vọng khi đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 sẽ phù hợp với điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trong thời gian tới.
Ngư dân sẽ tăng hiệu quả khai thác hải sản khi đầu tư hầm đông lạnh công nghệ cao thay hầm bảo quản “truyền thống”. Ảnh: V.Q |
Tại buổi gặp mặt này, nhiều ngư dân chia sẻ nguyên nhân dẫn đến giá trị kinh tế thu được chưa tương xứng với sản lượng hải sản mà họ đánh bắt được. Đó là hải sản chưa được bảo quản đúng cách, nguyên nhân là ngư dân không đủ năng lực tài chính để trang bị các hầm bảo quản hải sản công nghệ cao. Ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang), người đang sở hữu tàu cá QNa 90216 có công suất 400CV theo nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chia sẻ: “Chạy đôn chạy đáo để vay vốn đóng được con tàu có công suất khả dĩ để sản xuất tại các vùng biển xa đã khiến chúng tôi... hụt hơi rồi. Thế chấp quá lớn nên chúng tôi không thể còn vốn để đầu tư được hầm bảo quản hải sản tối ưu”. Trong vụ sản xuất chính vừa qua, mặc dù được mùa nhưng giá bán hải sản đạt thấp khiến hiệu quả kinh tế mỗi chuyến biển của ngư dân không cao. Nhiều chuyến biển thu chỉ đủ bù chi vì điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại.
Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, nghề cá cũng giống như nhiều nghề khác, điều quan trọng nhất là chất chứ không phải là lượng. Vậy nên, điều cần kíp khi triển khai Nghị định 67 tại địa phương là ngư dân trên địa bàn được vay nguồn vốn lớn, có điều kiện để đầu tư các hầm bảo quản sản phẩm công nghệ cao. Khi sản phẩm được bảo quản tốt và lâu ngày thì ngư dân lại càng có điều kiện tăng thời gian bám biển. Và sự tương hỗ này đem lại giá trị kép: không bị đầu nậu ép giá đồng thời tăng sản lượng khai thác cho mỗi chuyến biển. Để ngư dân sử dụng thành thục các hầm bảo quản công nghệ cao, trong thời gian đến, huyện sẽ gắn kết việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng với ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hải sản, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận.
VIỆT QUANG