Huyện miền núi Tây Giang đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do rét gây ra, khi mà nhiệt độ ở đây có nơi xuống dưới 12 độ C.
Xã Dang là địa phương có số lượng đàn trâu, bò nhiều nhất của huyện với hơn 1.120 con. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, những ngày qua, cán bộ đã bố trí xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách chăm sóc để bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Phạm Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, đợt mưa bão vừa qua đã làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đàn gia súc tại địa phương. Trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng trâu bò chết do lũ cuốn trôi và đói rét. Qua kiểm tra thực tế, một số hộ dân vẫn có thói quen chăn trâu bò theo kiểu thả rông. Khi nhiệt độ xuống thấp, những hộ này chưa chủ động sớm làm chuồng trại, chưa biết cách ủ ấm và dự trữ thức ăn cho trâu bò.
“Để đảm bảo đàn gia súc phát triển tốt, chúng tôi phải tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể các bước phòng tránh rét cho đàn gia súc nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân” - ông Sáu nói.
Còn tại xã Ch’Ơm, một trong những nơi có nhiệt độ thấp nhất huyện, mùa đông mức nhiệt dao động từ 12 - 15 độ C. Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 652 con gia súc, đa số được chăn thả ở 8 khu chăn nuôi tập trung. Do đó, khi có ý kiến chỉ đạo của huyện về phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, xã đã cử ngay cán bộ xuống tận thôn tuyên truyền vận động người dân làm chuồng trại để có chỗ cho trâu bò trú ở, tuyệt đối không được thả rông ngoài rừng nhiều ngày. Ngoài ra, xã đã cử dân quân, thanh niên xuống tận thôn giúp dân làm chuồng trại, trồng cỏ để có nguồn thức ăn dự trữ.
Theo số liệu thống kê từ Phòng NN&PTNT Tây Giang, toàn huyện có 2.472 con gia súc; trong đó có 128 con trâu, 1.683 con bò, 564 con heo và 97 con dê. Đa số đàn gia súc này được chăn thả tập trung ở 120 khu trang trại.
Ông Ngô Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, gia súc ở đây phần lớn được nuôi dưới hình thức khoanh vùng thả rông nên việc triển khai tiêm phòng rất khó khăn. Cơn bão số 5 vừa qua gây mưa lớn đã làm chết và cuốn trôi 150 con trâu, bò, 245 con heo và 3.910 con gia cầm các loại... Đây là thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi huyện. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra đối với đàn vật nuôi, UBND huyện Tây Giang đã ban hành công điện chỉ đạo 10 xã tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với đàn trâu bò.
Rút kinh nghiệm những năm trước, khi thời tiết bất lợi (mưa, lũ, rét đậm), huyện chủ động cử cán bộ thú y về từng thôn hướng dẫn, vận động người dân tích cực vệ sinh, gia cố lại chuồng trại, dự trữ thức ăn, bảo đảm sức khỏe cho đàn gia súc. Đồng thời phát tờ rơi khuyến cáo người dân không được thả rông trâu bò trong rừng vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C. Những ngày rét đậm, rét hại, mưa kéo dài nên nhốt trâu bò tại chuồng để chăm sóc, bổ sung thức ăn, nước uống và giữ ấm.
“Thời gian này, định kỳ 2 tuần chúng tôi đều xuống phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại và các khu vực xung quanh nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh, nhất là dịch lở mồm long móng. Đến nay đã tổ chức tiêm được 34.306 liều vắc xin (2 đợt) phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả lợn cho đàn gia súc trên toàn huyện” - ông Ngô Văn Luận cho biết thêm.