Trước tình trạng cháy rừng do thời tiết nắng nóng kéo dài xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Tây Giang đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm chủ động giữ rừng, phòng cháy chữa cháy trong mùa khô.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Là một trong số địa phương miền núi có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, bên cạnh chủ động xây dựng các phương án giữ rừng đầu nguồn, những năm qua, huyện Tây Giang còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn nhiệm vụ giữ rừng với văn hóa làng của đồng bào vùng cao. Từ việc nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng đã giúp Tây Giang kiểm soát được các cánh rừng già tại địa phương.
Theo ông Ríah Trao - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang, xác định vai trò quan trọng của cộng đồng, những năm qua, bên cạnh chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích, trữ lượng rừng hiện có, Tây Giang còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức giữ rừng cho đồng bào địa phương. Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng làng, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng cũng như thiệt hại từ việc cháy rừng. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng tại các cuộc họp thôn và triển khai ký cam kết với từng hộ trong việc không xâm hại đến rừng già, không phát nương làm rẫy ảnh hưởng đến rừng và tích cực bảo vệ, chủ động phòng chống cháy rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn. Nhờ vậy, hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh tại Tây Giang luôn được cộng đồng gìn giữ và bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tình trạng cháy rừng vào mùa khô.
Khi ý thức của cộng đồng được nâng cao, những vụ cháy rừng do đốt nương, làm rẫy hay do đốt ong lấy mật, đốt cành nhánh cây sau khi khai thác rừng trồng… ở Tây Giang đã không còn xảy ra như trước đây. Phía dưới những cánh rừng già, lúc nào cũng có sự hiện diện của cộng đồng vùng cao thực hiện các chuyến tuần tra, kiểm soát theo nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, cùng nhau giữ cánh rừng nguyên sinh.
Chủ động ứng phó với “giặc lửa”
Với tổng diện tích rừng tự nhiên gần 61.000ha, Tây Giang được xem là vùng đất đa dạng tài nguyên rừng với quần thể cây di sản pơmu, đỗ quyên, cây đa và lim xanh, cùng các loại động vật hoang dã quý hiếm như sao la, chồn bay, sơn dương... Nhằm bảo vệ động vật hoang dã, phát triển và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng gắn với hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo quá trình sinh trưởng của hệ động - thực vật, những năm qua, bên cạnh làm tốt công tác ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh lâm sản trái phép, huyện Tây Giang còn đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo PCCCR.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ việc nhận định rõ nét những điểm yếu về địa hình và khí hậu tại địa phương như: đồi núi cao, độ dốc lớn và luôn chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, khiến dễ xảy ra cháy rừng nên các phương án ứng phó cũng được xây dựng linh hoạt, biến điểm yếu trở thành thế mạnh. Trong đó, việc quản lý từng cánh rừng được giao khoán cho cộng đồng làng, trên cơ sở quản lý, giám sát chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn. Vì thế, rừng không chỉ được kiểm soát mà còn đảm bảo các điều kiện phát triển theo hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Ngoài ra, tại một số điểm nóng về khai thác lâm, khoáng sản trái phép ở khu vực giáp ranh cũng được lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra, truy quét, đảm bảo kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn, săn bẫy động vật quý hiếm, cũng như chồng lấn, tranh chấp đất rừng.
Riêng trong mùa khô, cùng với khoanh vùng trọng yếu có nguy cơ cháy rừng cao, địa phương cũng xây dựng sẵn kịch bản chữa cháy rừng theo phương án “4 tại chỗ” nhằm dập tắt kịp thời các đám cháy rừng nếu có xảy ra. “Huyện cũng thường xuyên chỉ đạo kiểm tra việc tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng làng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời tổ chức nghiệm thu trên diện tích bảo vệ rừng được giao và thực hiện việc chi trả tiền cho bà con đúng quy định của Nhà nước về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với các cá nhân, cộng đồng làng nhận khoán để xảy ra mất rừng, cháy rừng hoặc lâm phận được giao quản lý bị khai thác lâm sản trái phép, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm, đồng thời không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng” - ông Linh nói.