(QNO) - Vụ đông xuân được xem là vụ mùa chủ lực ở vùng cao Tây Giang nên đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu nỗ lực khắc phục khó khăn, chuẩn bị một vụ mùa tốt nhất trong năm.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, trận lũ lịch sử giữa cuối năm 2020 và các đợt mưa lớn trong tháng 9 và 10.2021 đã làm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, cuốn trôi. Theo thống kê, ước có hơn 65ha đất sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng. Trong đó, xã AXan, GaRy, Ch’ Ơm, A Nông, Bhalêê mất ruộng đất nhiều.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hỏng 18/18 công trình kênh mương, thủy lợi. Đặc biệt, trong thời điểm này không khí lạnh kèm mưa dầm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ đông - xuân 2020 - 2021 trên địa bàn.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp địa phương cùng 10 xã xây dựng kế hoạch, phổ biến chi tiết lịch thời vụ và tiến hành hướng dẫn người dân chuẩn bị cho vụ sản xuất mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết miền núi.
Cũng theo ông Ta, để đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân, Phòng NN&PTNT phối hợp với các nhà thầu tập trung khắc phục, sửa chữa được 18 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cải tạo 65ha đồng ruộng và kịp thời tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương để đưa nước về các cánh đồng có diện tích lớn.
Vụ đông xuân 2021 - 2022, địa phương tập trung đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, hình thành nền sản xuất hàng hóa theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, khuyến khích các xã tùy theo từng chất đất canh tác bố trí các loại giống cây trồng cho phù hợp, bảo đảm thích hợp với diễn biến thời tiết; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa, tăng giống chất lượng, trung, ngắn ngày có tính chống chịu tốt vào sản xuất thâm canh. Người dân vùng cao Tây Giang cấy lúa theo mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn. Ảnh: ĐH“Dù thời tiết có nơi xuống dưới 15 độ C nhưng chúng tôi vẫn cử cán bộ kỹ thuật xuống tận cơ sở hướng dẫn người dân nắm kỹ lịch thời vụ gieo sạ, quy trình gieo sạ, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng. Phòng NN&PTNT huyện đã mua và cấp hơn 1,56 tấn lúa giống HN6 thuần chủng (XN1) để gieo sạ khoảng 224ha lúa nước” - ông Ta nói.
Theo ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, để kịp thời hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông - xuân, đơn vị đã hỗ trợ nhân dân một số lượng lớn các hạt giống rau để trồng. Cụ thể, hỗ trợ cho 63 thôn 325kg hạt cải bẹ xanh, 136kg hạt cải bẹ trắng, 146kg hạt rau muống, 146kg hạt dền đỏ, đậu cave, 86kg hạt rau tần ô và nhiều loại rau khác.
"Những năm gần đây, vụ đông xuân trở thành vụ chính cho thu nhập cao đối với bà con nông dân vùng cao Tây Giang. Ngay từ đầu vụ, cán bộ trung tâm đã xuống tận thôn vận động, hướng dẫn nông dân trồng rau, gieo cấy lúa; hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP và hữu cơ" - ông Toàn nói.
Trong khi đó, ông Ta Ngôn Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan chia sẻ, hiện bà con đã xuống giống xong đợt 1. Nhờ xuống giống đồng loạt, đúng khung lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nên lúa phát triển đồng đều, không có dấu hiệu sâu bệnh.