(QNO) - Tây Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho người dân triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng; nhiều diện tích đất lâm nghiệp cần được đo đạc, chỉnh lý. Đó là thông tin do UBND huyện Tây Giang báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác HĐND tỉnh ngày 4.9.
Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên là 91.368,31ha. Trong đó diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp 70.373,13ha. Rừng Tây Giang có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại động thực vật quý hiếm, có giá trị về mặt kinh tế, khoa học, cần được bảo tồn và phát triển. Điển hình như: quần thể cây di sản pơ mu (diện tích 4.500ha), quần thể cây lim xanh (3.500ha), quần thể cây đỗ quyên cổ trên đỉnh K’lang (430ha), rừng giổi.
Tây Giang còn có nhiều loại động thực vật quý hiếm như sao la, voọc chà vá chân nâu và cây dược liệu quý như ba kích, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, lan kim tuyến, giảo cổ lam... Ngoài ra, còn sở hữu nhiều khu du lịch sinh thái, lịch sử, thắng cảnh như làng truyền thống Cơ Tu, làng sinh thái di sản pơ mu, điểm dừng chân Azứt, điểm du lịch sinh thái Đỉnh Quế...
Theo ông Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Giang luôn quyết tâm giữ rừng, với phương châm "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong". Huyện đã đưa ra nhiều chủ trương đầu tư, tăng cường bảo vệ, tận dụng tiềm năng dưới tán rừng trồng bổ sung cây dược liệu, bảo tồn các nguồn gen, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo huớng nông - lâm kết hợp, sản phẩm từ rừng ngày càng phong phú, cải thiện đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, Tây Giang gặp khó trong công tác giao đất giao rừng cho người dân triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng do công tác cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trước đây có nhiều sai sót nhưng chưa được đo đạc chỉnh lý nên gây khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Ngoài diện tích đất lâm nghiệp cần được đo đạc chỉnh lý với khoảng gần 7.000ha, Tây Giang còn khoảng 15.000ha đất lâm nghiệp chưa được đo đạc, cấp GCNQSDĐ, do khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Nguyên nhân, theo UBND huyện Tây Giang, huyện đã hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp với tỷ lệ 1/10.000 trên địa bàn huyện, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009. Cụ thể, tổng diện tích 6.929,83ha, số giấy chứng nhận là 3.512 giấy, cấp cho 1.629 hộ, 3.618 thửa đất tại 10/10 xã. Sản phẩm bản đồ giao đất lâm nghiệp, tỷ lệ 1/10.000 bàn giao cho UBND các xã quản lý, sử dụng từ năm 2009 theo quy định. Tuy nhiên, do phương pháp đo vẽ, công nghệ đo đạc lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế, sai số lớn nhưng đến nay chưa được chỉnh lý biến động kịp thời, dẫn đến hồ sơ địa không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng.
Nhu cầu kinh phí để thực hiện đo đạc bổ sung, đo vẽ lại, chỉnh lý, cấp GCNQSDĐ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện được Sở Tài nguyên & môi trường thẩm định tại báo cáo số 49/BC-STNMT ngày 21.6.2019, với tổng số tiền hơn 16,8 tỷ đồng.