Từ các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện, Tây Giang đang mở hướng đầu tư mạnh phát triển kinh tế vườn theo hướng ưu tiên phát triển cây đặc sản bản địa, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ.
Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 2.296 vườn với tổng diện tích 229,6ha, các vườn cơ bản đã có các hoạt động/mô hình sản xuất; trong đó 150 vườn đã thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tập trung tại xã Bha Lêê, A Nông, A Tiêng, Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm... cho thu nhập dưới 50 triệu đồng/năm.
Nhìn chung, kinh tế vườn Tây Giang vẫn còn manh mún, thiếu hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, có vài mô hình liên kết thì lại nhỏ lẻ. Ngay cả người được xem là điển hình về phát triển kinh tế vườn, gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện như anh A Lăng Lơ (ở xã Ch’Ơm) cũng chỉ thu về khoảng 60 triệu đồng mỗi năm, với mô hình trồng đảng sâm xen với cây bắp nếp, cây sắn, cây sả chanh để lấy ngắn nuôi dài trên 1,5ha nương rẫy, kết hợp với trồng táo mèo và cây ăn quả như ổi, xoài, mít.
Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, tại địa phương chỉ mới có một số mô hình liên kết sản xuất về cây dược liệu như ba kích, đảng sâm, chè dây, gừng, sả chanh nhưng ở quy mô nhỏ, thiếu bền vững. Diện tích trồng cam bản địa đạt 85ha (Ga Ri, A Tiêng, Bhalêê), bưởi 25ha, chuối hơn 70ha, mít 15ha, lòn bon 8,5ha.
Huyện chú trọng chủ lực là cây dược liệu (đảng sâm, ba kích, chè dây, quế..) và cây ăn quả các loại, phát triển loại hình nông - lâm kết hợp, nông nghiệp sinh thái... 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện trồng mới khoảng 300ha cây dược liệu bản địa; trồng mới gần 39ha cây ăn quả, chủ yếu là cây trồng có múi.
Hiện, Tây Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và Quyết định 3361 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách liên quan và tỉnh đã phân bổ nguồn lực theo đúng kế hoạch.
Cùng với chính sách của tỉnh, huyện cũng xây dựng Nghị quyết 22 của HĐND huyện với những cơ chế đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng, phát triển kinh tế vườn theo hướng ưu tiên phát triển cây ăn quả bản địa, cây dược liệu.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Theo Nghị quyết 35, vườn được hỗ trợ phải có diện tích 1.000m2 nhưng với đặc thù huyện Tây Giang, người dân có tầm 500m2 là được hỗ trợ. Huyện cũng lồng ghép nhiều nguồn lực để vực dậy những vườn có quy mô nhỏ”.
Ông Linh cho biết, Tây Giang phấn đấu năm 2022 phải xây dựng ít nhất 10 vườn mẫu, cải tạo 300 vườn khác. “Nghị quyết 35 mới mẻ và thiết thực. Cơ chế, nguồn vốn, hình thức quyết toán hoàn toàn mới, xuất phát từ thực tế.
Nếu trước kia, người dân đăng ký cấp giống cây con được xã, huyện phê duyệt, cấp giống, rót vốn trước thì bây giờ các mô hình triển khai đạt yêu cầu, được nghiệm thu mới thanh quyết toán.
Huyện khuyến khích bà con phát triển cây bản địa như cam Tây Giang, lòn bon, ba kích, mở rộng đối tượng trồng, phát triển thêm một số cây như măng cụt, mở rộng vùng trồng với xoài, ổi, măng cụt” - ông Linh nói.
So với nhiều nơi, khó khăn và rào cản trong phát triển kinh tế vườn ở Tây Giang rất lớn. Đó chính là nguồn nước tưới phục vụ sản xuất không đảm bảo, người dân còn hạn chế trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dẫn tới năng suất và hiệu quả thấp, thường xuyên mất mùa do nắng hạn, thiên tai...
Kinh tế vườn ở Tây Giang còn gặp trở ngại trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra và xây dựng chuỗi giá trị. Ví như, với cây cam Tây Giang, huyện đã xây dựng mô hình vườn đầu dòng, sản xuất giống sạch bệnh, trồng cam bản địa với diện tích 5ha vườn trồng, song vẫn chưa xây dựng được phương án đầu ra, chưa tạo được chuỗi liên kết bền vững.
Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế vườn, huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch đảm bảo yếu tố thị trường đầu ra, tạo liên kết chuỗi giá trị để thúc đẩy kinh tế vườn phát triển