(QNO) - Những năm gần đây, khi nhu cầu tham quan của du khách tăng cao, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư các hạng mục du lịch, chính quyền huyện Tây Giang còn khuyến khích người dân địa phương phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo nên các điểm tham quan lý tưởng.
Với không gian độc đáo, điểm dừng chân Đỉnh Quế (xã Tr'Hy) luôn thu hút du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đ.N |
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đón nhận cơ hội thực tế từ nhu cầu tham quan dã ngoại của du khách, từ nhiều năm trước, địa phương đã chủ động kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện và từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo đó, ngoài chú trọng đến loại hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa làng Cơ Tu, huyện Tây Giang còn xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với công tác giữ môi trường rừng tự nhiên. Từ ngân sách của huyện, đã đầu tư kinh phí cho phát triển triển du lịch hơn 5 tỷ đồng.
Để các sản phẩm du lịch sớm được hình thành, phục vụ nhu cầu của du khách, những năm qua, các nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện cũng dành phần lớn các nội dung đến lĩnh vực phát triển du lịch, thông qua chiến lược phát triển đồng bộ, hiệu quả.
"Đến nay, bên cạnh thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi còn huy động các nguồn lực mở 7km đường đi vào khu rừng pơmu và đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nghỉ chân, lưu trú tại làng sinh thái pơmu. Song song với đó, các điểm dừng chân Aliêng và Azứt (xã Bha Lêê) cũng được hình thành, đón du khách" - ông Blúi cho biết thêm.
Với hệ thống thác nước đẹp, hoang sơ, Tây Giang kỳ vọng sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách trong tương lai. Ảnh: Đ.H |
Theo thống kê của địa phương, những năm qua, số lượng du khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện tăng mạnh, trung bình mỗi năm khoảng gần 7.000 du khách ghé thăm. Cụ thể, năm 2015 Tây Giang đón 600 lượt/1.700 khách; năm 2016, khoảng 650 lượt/8.000 khách và năm 2017 đón khoảng 1.000 lượt, với gần 10.000 khách.
Riêng 10 tháng đầu năm 2018, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện khoảng hơn 7.600 khách. Đây thực sự là những con số ấn tượng, mở ra cơ hội giúp Tây Giang đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch trong tương lai, tạo nguồn thu cho đồng bào miền núi.
Ông Bh'riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, lợi thế của địa phương, ngoài cảnh sắc thiên nhiên ban tặng với hệ thống sông suối, thác nước đẹp hoang sơ, còn là không gian văn hóa làng Cơ Tu đậm nét truyền thống, từ kiến trúc nhà làng, đời sống ẩm thực, cho đến các vũ điệu trống chiêng. Tất cả sẽ tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm.
"Từ nguồn hỗ trợ của nhiếp ảnh gia Réhahn, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện công trình Bảo tàng văn hóa Cơ Tu ngay tại trung tâm huyện. Với không gian thiết kế, trưng bày độc lạ các giá trị văn hóa lịch sử đồng bào Cơ Tu, hy vọng trong tương lai gần sẽ thu hút được du khách tìm đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu" - ông Liếc chia sẻ.
Để phát triển mạnh du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, bên cạnh chú trọng đầu tư các điểm mới, huyện Tây Giang cũng đã khôi phục và khuyến khích đồng bào vực dậy các làng nghề truyền thống. Ảnh: Đ.N |
Từ cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương trong phát triển du lịch, những năm gần đây, nhiều đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã mạnh dạn đầu tư, ở rộng các điểm tham quan cho du khách. Trong đó, điểm du lịch Đỉnh Quế (xã Tr'Hy) được xem là hình mẫu trong hành trình phát triển du lịch ở miền núi Tây Giang, với lượt du khách tìm đến mỗi năm lên đến hàng nghìn người.
"Song song với đẩy mạnh phát triển du lịch, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư các điểm dừng chân, lưu trú, nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng" - ông Blúi nói.
ĐĂNG NGUYÊN