Mùa này, điểm săn mây ở Tây Giang - mật danh những người ưa du lịch đặt cho Đỉnh Quế rộn ràng người đến. Giữa mây trời, trập trùng núi non dần hiện ra. Như thể mỗi bước chân tìm đến, là thêm một lần nữa thức dậy sự trân quý về lòng yêu thiên nhiên của người bản địa...
Buổi sáng ở làng Pơr’ning, những bàn tay bé xíu của các em bé Cơ Tu được mẹ dẫn đến đầu làng để đón khách tới chơi, ngay dịp làng mừng gươl mới. Có lẽ, một chuyến đi ngắn ngày không đủ trải nghiệm trọn vẹn những vốn liếng quý báu mà đồng bào nơi đây còn lưu giữ.
Nhưng nụ cười của trẻ con, cái nắm tay siết chặt của người già trong đêm hội truyền thống, nhấp rượu tà vạt giữa rừng pơmu... sẽ còn dư âm mãi trong tâm trí của những người từng lưu dấu chân trên đất này...
Vươn tay chạm mây
Những người bạn quốc tế như reo lên khi dừng chân ngay tại Đỉnh Quế, nơi giới “phượt” kháo nhau là địa điểm lý tưởng để săn mây vào sáng sớm.
Ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, không cần phải bày vẽ, dựng xây những điểm “check-in”, tự thân cung đường từ trung tâm huyện đến Đỉnh Quế (xã Tr’Hy) đã tạo cho riêng trong lòng mỗi người những kỳ quan.
Một không gian mênh mông bao la với bầu trời ở trước mắt và người vươn tay là chạm thấy mây. Chính vì những cảm giác quá ư phiêu lãng này mà Tây Giang bao giờ cũng là điểm đến của những người yêu quý và say đắm thiên nhiên.
Chúng tôi bắt gặp những người quen dưới phố ngay trên đồi núi thật cao này. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông nói, các anh nhiếp ảnh cứ vài tháng mùa khô lại cùng hẹn nhau săn mây trên Đỉnh Quế.
Nói là đi săn mây, nhưng thực ra là đi tìm những khoảnh khắc ảnh của mây trời và con người của xứ đất kỳ thú này. Họ nói, phiêu nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, núi rừng chìm trong làn sương vấn vít vô cùng mờ ảo, khung cảnh tựa như chốn bồng lai tiên cảnh.
Ở lại trên những homestay được chính quyền hỗ trợ người dân thực hiện, sáng sớm vừa thức dậy, mở toang khung cửa, sương sớm ùa vào phòng. Cả vùng đất chìm trong màn sương vừa nên thơ lại vừa hư ảo...
Xoay ly cà phê bốc khói giữa lúc mờ hơi sương này, trong cái se sắt vừa đủ của một xứ núi non miền Trung, có lẽ bạn đường nào cũng sẽ như nhau, gần như hít căng lồng ngực không khí thanh sạch nhất và thư thái nhất.
Thiên nhiên của vùng đất được ví như vùng cực Tây Bắc của xứ Quảng, ngoài địa điểm săn mây Đỉnh Quế, chịu khó đi xa hơn một chút, khu rừng Di sản Pơmu mở ra cho người đi nhiều bất ngờ.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói rằng Tây Giang gần như là vùng đất bảo lưu nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng, văn hóa giữ rừng, giữ tài nguyên thiên nhiên.
Tây Giang cho đến nay có 1.159 cây có tuổi đời từ 200 năm tuổi trở lên được công nhận là cây di sản Việt Nam, bao gồm pơmu, đỗ quyên cổ, cây đa, cây giổi... Những cây pơmu mọc tập trung và san sát nhau trên bình nguyên rộng lớn của đỉnh Ziliêng có độ cao so với mực nước biển là 1.500m, được lớp lớp cha ông cộng đồng người Cơ Tu qua cả nghìn năm gìn giữ, bảo vệ.
Chính vì địa hình cao như vậy, nơi đây quanh năm khí hậu gần như mát mẻ. Người Cơ Tu xem khu rừng pơmu là rừng thiêng; rừng là nhà, cây là con, xem hệ thống sông, suối như dòng máu tạo môi sinh, tạo sự sống cho con người.
Tôn trọng thiên nhiên
Chúng tôi may mắn trở thành bạn đồng hành của các nhà báo quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan ở chuyến “trải nghiệm Quảng Nam”; trong đó hơn nửa hành trình dành cho những điểm đến của Tây Giang. Phóng viên Chen Chia Lun, hãng Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) nói, chị từng đặt chân đến rất nhiều nơi ở châu Á, có nhiều bài phân tích về du lịch trải nghiệm thiên nhiên.
Cheng Chi Lun cho rằng, miền núi Quảng Nam với thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào miền núi là điều kiện lý tưởng để khai thác tiềm năng du lịch.
“Người dân tại đây chia sẻ với chúng tôi đã có nhiều khách quốc tế đến Tây Giang nhưng chủ yếu là khách đi bằng xe máy, có thể hiểu rằng những khách quốc tế này đã sống tại đây rồi chứ không phải là những đoàn khách đông người từ nước ngoài đến.
Chúng tôi nghĩ rằng khi chính quyền địa phương có nhiều chính sách phát triển du lịch hiệu quả sẽ có rất nhiều khách đến và người dân có điều kiện nâng cao thu nhập hơn nữa” - chị nói.
Với người dân Tây Giang, hình như rất lâu rồi họ mới lại sống trong không khí lễ hội. Cùng tiếng trống chiêng rộn rã, điệu múa tâng tung da dá của nam nữ Cơ Tu trong sắc phục truyền thống trở thành tâm điểm thu hút du khách và các phóng viên quốc tế. Già làng Bríu Pố không giấu hết được vẻ hân hoan trên gương mặt.
Vừa tự hào khi văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu được giới thiệu đến những người bạn quốc tế, vừa không khỏi khấp khởi hy vọng về những ngày tới đây, khi người Cơ Tu có lẽ sẽ được tạo điều kiện thường xuyên hơn với những cuộc hội làng của đồng bào mình.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, địa phương đang nỗ lực để trở thành điểm đến du lịch xanh, thu hút du khách trong và ngoài nước về với vùng Tây Quảng Nam.
“Chúng tôi muốn gửi đến thông điệp là Tây Giang như người con gái đang ngủ, muốn du khách đến để đánh thức tiềm năng. Chúng tôi chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để các bạn đến đây trải nghiệm, giới thiệu hình ảnh con người và truyền thống của vùng đất này” - ông Nguyễn Văn Lượm chia sẻ.