Tây Giang - Như Xuân hợp tác cùng phát triển

ALĂNG NGƯỚC 02/06/2023 08:58

Một chương trình kết nghĩa vừa được tổ chức, cùng các nội dung ký kết, chính quyền hai địa phương Tây Giang và Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) thống nhất trao đổi, tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển, tiếp tục khẳng định giá trị bền vững của nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam.

Lãnh đạo Tây Giang và Như Xuân ký chương trình hợp tác. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lãnh đạo Tây Giang và Như Xuân ký chương trình hợp tác. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Học nhau cách làm ăn

Ông Bh’ling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, Tây Giang và Như Xuân có nhiều điểm tương đồng, ngoài huyện miền núi với đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hai địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế mang dấu ấn đặc trưng vùng miền thông qua “nguồn lực nội sinh”.

Phát huy tinh thần gắn kết, thời gian qua, chính quyền hai địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19…

Các nội dung ký kết giữa Tây Giang và Như Xuân thể hiện rõ quyết tâm cao trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, như: Hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cách làm mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý điều hành của chính quyền; duy trì tổ chức học tập kinh nghiệm về các lĩnh vực thuộc thế mạnh của mỗi địa phương; tạo cơ hội giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, thực hiện một số chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội…

Sau thời gian “tìm hiểu”, chính quyền hai huyện Tây Giang và Như Xuân quyết định tổ chức lễ kết nghĩa, bàn bạc nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Để mở ra cơ hội hợp tác, trước ngày ký kết, Tây Giang cắt cử đoàn cán bộ đến Như Xuân để tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, cùng học tập kinh nghiệm và chia sẻ lẫn nhau trong cách làm ăn theo phương thức mới.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, 2 mô hình tiêu biểu để học tập, gồm mô hình nuôi dúi (cúi lúi) giống nhập khẩu Thái Lan và vườn trồng cây mắc ca, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng, Tây Giang có thể áp dụng để triển khai thí điểm.

Như mô hình nuôi dúi, địa phương sẽ hỗ trợ nguồn lực, chọn gia đình khó khăn nhưng có đủ khả năng triển khai mô hình, xem đó là cách để thúc đẩy cơ hội làm ăn, nâng cao ý thức giảm nghèo cho người dân miền núi. Bởi dúi là loài dễ nuôi, khả năng sinh trưởng và tái đàn nhanh, có giá trị kinh tế cao trên thị trường.

Ông Nguyễn Hùng Việt (khu phố Mỹ Ré, thị trấn Yên Cát, Như Xuân) - chủ nhân mô hình nuôi dúi giống nhập khẩu Thái Lan cho biết, khó khăn nhất với người nuôi là giá con giống khá đắt. Trung bình mỗi cặp dúi giống lên đến vài triệu, thậm chí là gần cả chục triệu đồng. Nhưng bù lại, dúi rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là măng tre, mía, cỏ voi, cơm nguội…

Mô hình trồng cây mắc ca đang đem lại hiệu quả tại Như Xuân, mở ra cơ hội áp dụng tại Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mô hình trồng cây mắc ca đang đem lại hiệu quả tại Như Xuân, mở ra cơ hội áp dụng tại Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đặc biệt, giống dúi Thái Lan có trọng lượng khá lớn, khi trưởng thành nặng 6 - 8kg, giá bán ra thị trường đến 700 nghìn/kg. Ngoài giống dúi Thái Lan, vài năm trở lại đây, ông Việt thí nghiệm nuôi mở rộng loài dúi cỏ đặc trưng của địa phương miền núi. Kết quả ban đầu cho thấy, quá trình sinh trưởng rất khả quan, cho trọng lượng vượt trội so với thời điểm mới bắt về từ rừng - một tín hiệu mới cho người nuôi loài sản vật này.

Mốc son gắn kết

Ông Bh’ling Mia nói, chương trình ký kết hợp tác giữa Tây Giang và Như Xuân được xem như mốc son gắn kết, tạo cơ hội để hai địa phương “tìm về với nhau” nhằm phát huy nền tảng văn hóa, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước.

Thông qua hoạt động kết nghĩa này, ông Mia mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh.

Mô hình trồng cây mắc ca đang đem lại hiệu quả tại Như Xuân, mở ra cơ hội áp dụng tại Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC Đoàn công tác huyện Tây Gang tham quan mô hình nuôi dúi giống nhập khẩu Thái Lan tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mô hình trồng cây mắc ca đang đem lại hiệu quả tại Như Xuân, mở ra cơ hội áp dụng tại Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC Đoàn công tác huyện Tây Gang tham quan mô hình nuôi dúi giống nhập khẩu Thái Lan tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Cùng với chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển, cần thực hiện những công trình ghi dấu ấn về tình sâu, nghĩa nặng giữa hai địa phương; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của hai huyện tìm hiểu cơ hội đầu tư” - ông Mia nói.

Bà Lương Thị Hoa - Bí thư Huyện ủy Như Xuân chia sẻ, những hoạt động tích cực, thiết thực và ý nghĩa giữa hai huyện Như Xuân và Tây Giang gần đây là yếu tố quan trọng, như sợi dây kết nối tình cảm thân thiết giữa hai địa phương. Đây được xem là động lực giúp hai huyện vượt qua khó khăn thách thức, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa - Phạm Thị Thanh Thủy nhấn mạnh, hoạt động kết nghĩa giữa hai huyện Tây Giang và Như Xuân mang ý nghĩa quan trọng, tạo sự kết nối hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, xây dựng tình cảm, khẳng định giá trị bền vững của nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam nói chung và Tây Giang - Như Xuân nói riêng.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống, mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị, bên cạnh tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hằng năm cần lựa chọn những phần việc cụ thể để triển khai thực hiện; chú trọng đẩy mạnh giao lưu, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của hai huyện; thường xuyên trao đổi thông tin, đa dạng các hình thức nắm tình hình của đơn vị kết nghĩa để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn, cũng như học tập những cách làm hay, sáng tạo trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tây Giang - Như Xuân hợp tác cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO