Tây Giang phát triển cây dược liệu quý

Hoàng Yên 11/04/2013 08:36

Chủ trương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào trồng thử nghiệm những cây dược liệu quý: ba kích, thảo quả, táo mèo… ở huyện miền núi Tây Giang bước đầu mang lại hiệu quả và đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Tây Giang thuộc vùng có khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng với sự xuất hiện của nhiều loại dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Đối với cây ba kích, có một thực tế đáng nói là suốt thời gian dài, chính thói quen khai thác cây sẵn có trong tự nhiên mà không có ý thức trồng mới của người dân đã khiến ba kích tự nhiên gần như bị tận diệt. Diện tích cây trồng mới quá ít, tỷ lệ cây sống rất thấp. Đáng mừng là, từ khi có kỹ thuật trồng ba kích mới (trồng thâm canh dưới tán rừng tự nhiên) đã đem lại hiệu quả rõ rệt, trên 80% tỷ lệ cây sống. Dự đoán nếu điều kiện thuận lợi, cây phát triển tốt, có thể khoảng 3 năm là cho thu hoạch. Vì thời gian thu hoạch dài nên nông dân chia rễ ba kích ra làm 4 phần, mỗi lần thu hoạch chỉ lấy một phần (thay vì nhổ hết một lần) để cây có thể tiếp tục ra rễ mà không bị chết.

Ông Hưng cho biết cây ba kích đang phát triển tốt.                          Ảnh: H.Y
Ông Hưng cho biết cây ba kích đang phát triển tốt. Ảnh: H.Y

Hiện nay, diện tích trồng thử nghiệm ở hai xã Lăng và A Tiêng là 20ha với khoảng 20.000 cây. Giá mỗi ký ba kích từ 300 - 400 nghìn đồng. Mỗi cây có thể cho từ 3 - 4kg. Trong tương lai cây ba kích sẽ trở thành thương hiệu của Tây Giang, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương cũng như một số vùng lân cận. Ông Bh’riu Hùng (xã Lăng) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha trồng ba kích hồi tháng 12.2012. Cũng nhờ Phòng NN&PTNT huyện chuyển giao kỹ thuật mà tỷ lệ sống của ba kích đạt 90%. Ngoài việc trồng cây ra, tôi còn ươm giống ba kích để bán cho người dân có nhu cầu”.

Ngoài cây ba kích, huyện Tây Giang còn ưu tiên phát triển thảo quả và táo mèo được nhập từ các tỉnh miền núi Tây Bắc. Những loại cây này thích hợp với nơi có độ cao trên 1.000m, khí hậu mát mẻ nên việc trồng ở Tây Giang là rất thích hợp. Thảo quả mới được trồng thử nghiệm vào tháng 2.2012 với diện tích 10ha (29.000 cây) ở 2 xã Lăng và A Tiêng, tỷ lệ sống cũng rất cao. Còn táo mèo được trồng ở 2 xã Ch’ơm và A Xan  với diện tích 10ha (20.000 cây). Theo ông Nguyễn Trọng Hưng, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang: “Với những cây dược liệu quý (ba kích, thảo quả, táo mèo) địa phương xác định đây là những loại cây mũi nhọn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện luôn tích cực chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc mới cho bà con và bước đầu người dân đã triển khai đạt hiệu quả. Nếu phát triển tốt, đây sẽ là các loại cây giúp đồng bào miền núi xóa đói giảm nghèo.

 Hoàng Yên

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tây Giang phát triển cây dược liệu quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO