Nhiều hộ dân ở xã Lăng (huyện Tây Giang) xây dựng mô hình trang trại theo hình thức cùng góp vốn, góp con cây giống để chăn nuôi tập trung và phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hộ. Sau gần 2 năm thực hiện, những mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa.
Trang trại của các cán bộ xã Lăng giúp nhiều người dân địa phương về nguồn con giống để phát triển sản xuất. |
Góp vốn đầu tư
Chúng tôi theo chân các cán bộ xã Lăng, tìm đến khu trang trại chăn nuôi tập trung do chính các anh góp vốn xây dựng. Sau 2 tiếng đồng hồ đi bộ, vượt qua con suối Nal, chúng tôi đến khu trang trại nằm dưới chân ngọn núi A Dương. Anh Bling Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng kể về quá trình hình thành trang trại này: “Sau khi tham quan các mô hình tại một số tỉnh phía Bắc về, chúng tôi thấy hay và học hỏi làm theo. Đầu năm 2013, anh em lãnh đạo xã quyết định triển khai thí điểm trang trại và giao Ban Chỉ huy Quân sự xã làm và quản lý, chăm sóc. Riêng ông Alăng Reng - Chủ tịch UBND xã Lăng không ngần ngại tặng 2ha đất, ruộng của mình để đào thành 2 ao nuôi cá chim, rô phi và trắm cỏ. Rồi UBND xã đứng ra vận động cán bộ đóng góp công để dựng nhà, làm chuồng trại nuôi gà, vịt, đào ao nuôi cá... và góp mỗi người 5 ngày lương mua con giống, thức ăn”.
Sau gần một năm triển khai, trang trại xây dựng được 2 ao nuôi gần 1.000 con cá chim, rô phi, trắm cỏ; 200 con gà, 100 con vịt. Hàng ngày, ngoài việc trực cơ động chiến đấu, các cán bộ, dân quân xã đã chia nhau chăm sóc, dọn dẹp, vệ sinh trang trại, cho gà vịt ăn và trực luôn cả ban đêm. Hầu hết anh dân quân ở đây là những thanh niên trẻ, chưa có gia đình và được cho đi tập huấn các lớp về chăn nuôi, trồng trọt... Dân quân Alăng Mát, Alăng Báo là một trong những thanh niên được xã tin tưởng, đảm nhận nhiệm vụ chăn nuôi ở trang trại. “Nuôi cá thì dễ, cứ đến giờ thì cho ăn thôi. Còn nuôi gà, vịt vất vả hơn. Muốn nuôi cho mau lớn, hằng ngày mình phải đi vào rừng tìm cây chuối non đem về băm nhỏ, trộn với lúa, bột công nghiệp để cho ăn. Những lúc trời mưa không đi được thì phải vác cuốc đi đào trùn về cho ăn. Rồi còn phải tự tiêm phòng dịch hàng tháng cho nó nữa” - anh Alăng Mát cho biết.
Nhờ cần mẫn, chăm chỉ của các dân quân mà đàn vịt, đàn gà ở đây lớn nhanh, không dịch bệnh. Mỗi năm, trang trại thu hoạch 2 lần, mỗi lần thu được hơn 50 triệu đồng từ việc bán gà, vịt, cá. Số tiền này ngoài dùng để mua con giống tái đàn, còn lại hỗ trợ cho các anh em cán bộ nghèo, mới tách hộ; hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và trích một phần làm nguồn quỹ hoạt động của cơ quan như đi đám cưới, đám hỏi, nhà mới, ma chay... Đặc biệt, mô hình còn hướng tới mục tiêu lâu dài là tạo nguồn con giống để cung cấp cho bà con trong xã, nhất là giống cá, gà, vịt. Tuy mới 2 năm triển khai nhưng trang trại đã hỗ trợ nhiều con giống cho những hộ dân trên địa bàn xã, nhất là giống cá rô phi, trắm cỏ. Thấy những cái lợi từ mô hình trang trại này, nhiều hộ dân ở xã Lăng đã đến đây tham quan, học tập, làm theo và bước đầu đã thành công, tiêu biểu như hộ ông Hốih Xắc (thôn Nal), hộ anh Bhling Lê (thôn Tari)...
Khá lên nhờ trang trại
Từ một hộ quanh năm thiếu ăn, nay gia đình ông Hốih Xắc có của ăn của để. Nghe đồn về tài nuôi heo cỏ của vợ chồng ông, nhưng đến tận nơi mới nể phục. Khu trang trại rộng 2ha, được ông cùng vợ là bà Alăng Thị Nhắc tận dụng cải tạo nuôi heo cỏ, nuôi vịt. Trước đây là khu rừng hoang, nhưng lợi thế là có nguồn nước sạch, có hồ, suối nên ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách huyện đầu tư mua lưới B40, khoanh vùng, đắp đập để chăn thả. Sau gần 2 năm triển khai, từ chỗ chỉ có 2 cặp heo giống, 20 chục vịt con đầu tư từ vốn vay và từ sự giúp đỡ của xã, đến nay mô hình của ông Hốih Xắc đã phát triển được 40 con heo cỏ, bình quân mỗi con nặng trên 50 ký hơi, 100 con vịt. Ông cho biết mỗi nằm bán 2 lứa, mỗi lứa khoảng 10 con heo với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài phát triển chăn nuôi, hai ông bà còn trồng được 2ha cao su, 6 sào lúa nước, 1ha sắn, 2 sào gừng và một số loại cây ăn quả khác. “Chăn nuôi trang trại cũng có cái khó của nó. Như làm trang trại phải cho khu đất tách biệt với bản làng để dễ chăn thả, đường sá xa xôi, nhiều lúc mưa bão cũng phải đi trông coi. Trước đây mở trang trại khó khăn nên chủ yếu thức ăn cho heo tận dụng từ củ sắn tươi, rau rừng, gần đây mới cho ăn thêm cám, bột bắp... Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thức ăn chăn nuôi thì hay biết mấy” – ông nói.
Cũng như gia đình ông Hối Xắc, anh Bhling Lê cũng được xã quan tâm hỗ trợ vay vốn, cây con giống để phát triển sản xuất. Anh Lê cho biết : “Trước đây, Tari là thôn khó khăn nhất của xã, nhất là giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... Là thanh niên trẻ, mình nhận thấy chỉ có cách làm kinh tế trang trại mới mau thoát nghèo và mình chọn hướng nuôi heo cỏ, một giống heo địa phương thích nghi tốt với điều kiện khí hậu miền núi”. Ban đầu, anh vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo 30a của Chính phủ để làm chuồng trại, sau đó tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng nữa từ ngân hàng chính sách để mua con giống, thức ăn và mở rộng thêm trang trại. Anh nuôi heo thịt, rồi nuôi thêm heo giống. Mỗi năm, anh xuất chuồng khoảng 30 con heo thịt, thu về gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn mở trang trại nuôi bò với gần 15 con, và trồng được 3,4ha cao su. Rồi anh đào ao nuôi cá, nấu rượu, dựng máy xay xát phục vụ bà con trong thôn... Mỗi năm gia đình anh Bhling Lê thu nhập hàng trăm triệu đồng, làm giàu cho bản thân và giúp nhiều người dân địa phương về con giống để phát triển sản xuất.
Hiện trên toàn xã Lăng có 7 mô hình trang trại được triển khai tại 4 thôn với tổng số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng. Ông Zơ râm Kgió - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang nhận xét, những mô hình trang trại ở xã Lăng thật sự đáng để các xã khác học tập, làm theo. Đây là giải pháp sáng tạo trong việc tìm lối thoát nghèo ở miền núi Tây Giang. Những mô hình này không chỉ giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình mà điều quan trọng là thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của họ...
ĐÌNH HIỆP