Năm 2014, trong đợt khảo sát tìm hiểu tư liệu, di tích liên quan đến thương cảng Hội An tại làng Trà Nhiêu và làng Bàn Thạch thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên), chúng tôi đã tình cờ bắt gặp một ngôi mộ xây bằng hợp chất vôi ghè nằm ở cánh đồng Hà Lăng. Hóa ra đây là mộ của Tế tửu Quốc Tử giám - Tĩnh Trai Nguyễn Hữu Nhượng.
Cơ duyên từ một chuyến điền dã
Ngôi mộ ở cánh đồng Hà Lăng có 2 tấm bia bằng cẩm thạch với diềm bia trang trí hoa văn rồng dây, chim phụng, mặt nhật, mây cuộn, cá hóa long... Tấm bia ở phía trước được lập vào ngày 29 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) khắc chữ Hán với nội dung: “Sắc tặng Trung Nghị Đại Phu Quang Lộc Tự Khanh thụy Hiến Tĩnh Nguyễn phủ quân chi mộ”. Tấm bia còn lại gắn ở bình phong hậu được lập vào ngày 8 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) cũng khắc chữ Hán với nội dung: “Đại Nam Cáo Thụ Trung Thuận Đại Phu Tán Trị Doãn Quốc Tử Giám Tế Tửu thụy Đoan Cẩn hiệu Tĩnh Trai Nguyễn phủ quân chi mộ”.
Qua 2 văn bia cho biết, đây là ngôi mộ của vị quan họ Nguyễn, thụy là Đoan Cẩn, Hiến Tĩnh, hiệu là Tĩnh Trai, giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám (tức chức quan Hiệu trưởng Quốc Tử giám) ở kinh đô Huế. Khi qua đời được triều Nguyễn sắc tặng là Trung Nghị Đại Phu Quang Lộc Tự Khanh vào năm Thiệu Trị thứ 2.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Nguyễn Hữu Nhượng: Người huyện Duy Xuyên, đỗ Hương tiến năm Gia Long thứ 18, khoảng niên hiệu Minh Mạng bổ Hàn Lâm viện Tu soạn, sung chức Thị giảng bổ Tư nghiệp Quốc Tử giám, lại sung Phó sứ sang nước Thanh, khi trở về thăng Tế tửu, năm thứ 21 sung Chủ khảo trường thi Gia Định. Năm Thiệu Trị thứ 2, truy tặng Quang Lộc Tự Khanh”.
Tuy nhiên, trong “Đại Nam thực lục” cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn lại không thấy tên Nguyễn Hữu Nhượng mà chỉ có tên Nguyễn Văn Nhượng với chức vụ, phẩm trật, hành trạng tương tự như ghi chép của “Đại Nam nhất thống chí”. Lại tìm hiểu về khoa thi Hương năm Kỷ Mão - Gia Long thứ 18 (1819) trong mộc bản triều Nguyễn (Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua mộc bản triều Nguyễn) và Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục cũng không tìm thấy tên Nguyễn Hữu Nhượng hay Nguyễn Văn Nhượng, mà chỉ có tên Nguyễn Văn Thành: “Nguyễn Văn Thành (阮 文 誠) người Giáp Đông bãi Trà Nhiêu thuộc Hoa Châu”.
Sự nghiệp
Qua những bộ sách nêu trên cũng như văn bia tại ngôi mộ, gia phả lưu giữ tại nhà thờ ở Trà Nhiêu và ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ vào năm 1847, thời Thiệu Trị về hành thuật của vị Quốc Tử giám Tế tửu Nguyễn Tĩnh Trai đang lưu giữ tại nhà thờ phái nhì tộc Nguyễn Tường ở Cẩm Phô - Hội An cho biết: thân phụ Nguyễn Văn Thành là ông Nguyễn Văn Hiển, nguyên gốc tộc Nguyễn ở Nga Thạch, Nga Sơn, Thanh Hóa vào sinh cơ lập nghiệp tại xã An Xuân, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn. Đến đời ông Nguyễn Quang Minh thì chuyển cư đến Giáp Đông, châu Trà Nhiêu.
Nguyễn Văn Thành còn có tên gọi khác theo như sử sách ghi chép là Nguyễn Văn Nhượng, Nguyễn Hữu Nhượng (hiện nay chưa xác định được thời gian, lý do đổi tên); là người “thẳng thắn mà ôn hòa, nhanh nhẹn mà hiếu học, văn hạnh đã cao, hoài bão cũng lớn”. Lúc nhỏ ông rất chăm chỉ học hành, biết rộng hiểu sâu. Khoa thi Hương năm Kỷ Mão - Gia Long thứ 18 (1819) tại trường Trực Lệ, ông đỗ Cử nhân ở vị thứ 3 trong số 17 người. Cùng đỗ khoa này, ở Quảng Nam có ông Nguyễn Xuân Hải ở xã Hải Châu Chánh, huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Văn Điển ở xã Thanh Hà, huyện Diên Phước và ông Doãn Văn Xuân ở xã Quảng Phú, huyện Lễ Dương.
Do hoàn cảnh cha mẹ già nên sau khi đỗ đạt, Nguyễn Hữu Nhượng về quê dạy học để phụng dưỡng song thân, bỏ lỡ những khoa thi hội năm Nhâm Ngọ và Bính Tuất. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nghe tiếng về kiến thức uyên thâm của ông, vua Minh Mạng đặc chỉ cho đến Kinh phúc hạch và được bổ làm Biên tu Viện Hàn lâm. Năm thứ 12 (1831), thăng bổ Tu soạn Viện Hàn lâm. Năm thứ 15 (1834), thăng thự Tri phủ Tư Nghĩa rồi sau đó được thăng Thị giảng Viện Hàn lâm (từ thời gian này trở đi, trong “Đại Nam thực lục” ghi là Nguyễn Văn Nhượng).
Cũng năm này, vào tháng 10, do Tư nghiệp Quốc Tử giám Đoàn Bá Trinh “không giữ gìn về việc phòng riêng” bị cách chức nên Nguyễn Hữu Nhượng được thự Tư nghiệp Quốc Tử giám, sau đó được thăng làm Tư nghiệp vào tháng 5.1836. Đến tháng 11.1836 ông được đổi bổ Thiếu Khanh Quang Lộc Tự và sung Ất Phó sứ đi sứ sang Trung Quốc cùng với Chánh sứ là Tả Thị lang Bộ Lễ Phạm Thế Trung và Giáp Phó sứ là Hàn Lâm viện Thị giảng Nguyễn Đức Hoạt. Sau khi đi sứ Trung Quốc về ông vẫn giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám như cũ, đến tháng 8.1839 thì thăng thự Tế tửu.
Năm Canh Tý - Minh Mạng thứ 21 (1840), triều đình mở khoa thi Hương ở Thừa Thiên, Nghệ An và Gia Định. Ông Nguyễn Hữu Nhượng được sung làm Phó Chủ khảo trường thi Gia Định (Lang trung Bộ Binh Phạm Sỹ Ái là Chủ khảo). Khi đến trường thi Gia Định thì được bổ thực chức Tế tửu Quốc Tử giám. Không may, tại trường thi Gia Định, Nguyễn Hữu Nhượng bị ốm nặng mà qua đời. Thương tiếc người tài đức, vua Minh Mạng đã thưởng “80 quan tiền, 3 tấm lụa. Sai quan tỉnh bắt thuyền đưa quan tài về quê an táng” tại xứ Hà Lăng, châu Trà Nhiêu. Mộ phần lập xong và dựng bia vào ngày 8 tháng 6 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Sang năm Thiệu Trị thứ 2, Nguyễn Văn Nhượng được sắc truy tặng Trung Nghị Đại Phu Quang Lộc Tự Khanh, thụy Hiến Tĩnh.
Nhận xét về Tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Tĩnh Trai, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ viết: “Trước sau tiên sinh lo việc học khoảng 6 năm, lấy việc dạy dỗ làm trách nhiệm của mình, bên trong thì khoan hòa nhưng bên ngoài thì lấy nghiêm để dạy dỗ, giữ kỹ quy trình, không làm việc cẩu thả tạm bợ. Cho nên các học sinh tại trường chẳng ai dám không cố gắng tu sửa tiến bộ, đều biết mài giũa nên nhiều người thành tựu tốt đẹp, đỗ được cao khoa; bước lên hoạn đồ, xếp vào hàng quan trọng và trong sạch, gánh vác nơi quan yếu nhiều việc”.
Sinh thời Nguyễn Hữu Nhượng là người hiếu học, biết rộng hiểu sâu, khoa bảng quan lộ chính trực, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục dưới triều vua Minh Mạng. Do vậy, Nguyễn Hữu Nhượng là 1 trong 26 nhân vật của tỉnh Quảng Nam được Quốc Sử quán triều Nguyễn chọn để giới thiệu trong “Đại Nam nhất thống chí”. Nhân kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), với đôi dòng về vị quan Tế tửu Quốc Tử giám Tĩnh Trai Nguyễn Hữu Nhượng nhằm góp phần khẳng định thêm truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Quảng Nam và đóng góp của người Quảng trong sự nghiệp giáo dục vào thời vua Minh Mạng.