Ngày 2.8.1966, tại Khe Hương, Tân Thuận, Sơn Tân, Quế Sơn... (nay là xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) một trận bom của địch bất ngờ đánh trúng vào vị trí đóng quân của Bệnh xá 33, Sư đoàn 2 (tiền thân của Đại đội 33 là Đội điều trị 6 từ Hà Nội vào Quân khu 5 tăng cường cho Sư đoàn 2). Tất cả 52 y bác sĩ, hộ lý, nhân viên phục vụ và thương binh đang có mặt trong lán hy sinh.
Thảm kịch
Sau khi phục vụ các trận đánh ở Quảng Ngãi, C33 được bổ sung lực lượng và đứng chân ở thôn Tân Thuận, nhận thương binh ở các chiến trường về điều trị. Ban chỉ huy và y bác sĩ, thương binh phần lớn người Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh phía nam.
Bệnh xá đứng chân trên một ngọn đồi hẻo lánh, cây cối um tùm, lán trại lợp bằng tranh. Tuy dã chiến nhưng C33 khá quy cũ, có sức chứa cả trăm người, bác sĩ Nguyễn Công Vị làm Trạm trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Được làm chính trị viên.
Vài tháng sau, tại Bệnh xá 33 có một biến cố kinh hoàng xảy ra. Hôm đó, bước vào ngày làm việc mới, bác sĩ Mai Văn Châu nhắc nhở các y tá, hộ lý phát thuốc, chăm sóc vết thương cho thương binh nặng, anh chị em phục vụ người nào việc ấy.
Khoảng 8 giờ sáng, tất cả cán bộ, y bác sĩ, nhân viên phục vụ và thương binh đang điều trị đã khỏe có mặt tại lán trung tâm bệnh xá để nghe Đại úy Huỳnh Văn Được hướng dẫn học chính trị. Đúng lúc đó, mấy chiếc máy bay của Mỹ vút qua, thủ trưởng Huỳnh Văn Được hô to: “Các đồng chí chú ý, phản lực lên!”.
Đại úy Huỳnh Văn Được vừa dứt lời, loạt bom B57 ầm ầm đổ xuống. Một quả nổ phía dốc Dinh cách chỗ họp hơn 200m, một quả nổ gần sát lán tập trung của bệnh xá.
Dứt tiếng bom, trong khói lửa mịt mù, mọi người còn sống sót chạy nhanh tới lán tập trung thì thấy cảnh tượng tan hoang, thảm khốc. Một hố bom sâu hoắm, cây rừng phát quang còn bén lửa.
Mọi người sửng sốt, nghẹn ngào chia nhau đi tìm kiếm đồng đội. Tất cả 52 y bác sĩ, hộ lý, nhân viên phục vụ và thương binh đang có mặt trong lán đã hy sinh và điều đau đớn là hầu hết không còn nguyên vẹn thân thể.
Thành viên Ban liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2, các cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Ngọc Dậu - nguyên nhân viên dược của Bệnh xá Đại đội 33 hiện sống ở Đà Nẵng, Phan Tấn Măng ở Hiệp Thuận, Khiếu Tiến quê Thái Bình kể lại: “Ngày đó mất mát quá lớn và đau thương! Những người còn sống sót tìm kiếm, thu lượm và mai táng các liệt sĩ trên đồi, dựng tấm bia bằng gỗ, một số ghi tên bỏ vào trong lọ penixilin, chọn những viên đá to, bằng phẳng, đục, khắc tên các liệt sĩ trên những viên đá đặt bên mộ để làm dấu”.
Sự việc theo năm tháng qua đi cho đến ngày toàn thắng. Các liệt sĩ được địa phương dời về nghĩa trang xã Quế Tân (hồi đó thuộc huyện Quế Sơn), rồi tiếp tục dời về Nghĩa trang xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức).
Di dời nhiều lần, các thông tin liên quan đến liệt sĩ khi chôn cất cũng như khi di dời do nhiều nguyên nhân không may bị thất lạc, các viên đá khắc tên đánh dấu đã để lại trong núi khi di dời lần thứ nhất. Vì vậy, nhiều liệt sĩ hiện nay tuy có mộ nhưng vô danh, may mắn chỉ có liệt sĩ Huỳnh Văn Được sau này gia đình đã đưa về quê hương.
Những tấm lòng
Ngày ấy đã trở thành ngày giỗ tập thể của 52 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Những đồng đội hôm nay đã làm tất cả những gì có thể để lưu thông tin từng người, mong sau này có cơ hội tìm lại. Nhưng khắc nghiệt của chiến tranh và thời gian... gần như đã xóa nhòa tất cả.
Theo các CCB, hơn 10 năm qua, cứ hai năm một lần, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt ngoài Bắc hoặc trong Nam. Mỗi lần như vậy họ lại tìm và bổ sung thông tin đồng đội đã ngã xuống ở Tân Thuận, nhờ đó 31 liệt sĩ đã được xác định có tên và quê quán.
Trăn trở trước những mất mát hy sinh của đồng đội, các CCB, cựu quân nhân (CQN), chính quyền, người dân địa phương đều mong có một bia tưởng niệm và ghi danh liệt sĩ ở Khe Hương - Hiệp Thuận.
CCB Trần Thanh Hạ - Trưởng ban liên lạc Cựu Quân y Sư đoàn 2 (Quân khu 5), là người đau đáu với đồng đội đã hy sinh ngày 2.8.1966, dù thời điểm ấy, ông không có mặt. Vợ ông cũng là CCB luôn động viên chồng, cùng với các đồng đội đã vận động từ nhiều nơi với sự trợ giúp đắc lực của vợ.
Ông cùng Ban liên lạc viết thư ngỏ gửi hơn 80 đơn vị và cá nhân ở khắp các miền Tổ quốc. Các CCB, CQN sẵn sàng đóng góp, cùng với hỗ trợ tích cực của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức, Ban Liên lạc … tổng số tiền các địa phương, đơn vị và CQN Sư đoàn 2 ủng hộ xây dựng bia lên đến 400 triệu đồng.
Hội CCB xã Hiệp Thuận coi việc xây dựng Bia tưởng niệm của Sư đoàn 2 như việc của mình. Ông Đặng Đông, một người dân của xã tự nguyện hiến đất, chặt hết vườn keo gia đình rộng 300m2, ngay dưới chân đồi Khe Hương xây bia tưởng niệm.
CCB Nguyễn Ngọc Nam được Ban liên lạc tín nhiệm giao trọng trách thiết kế và trực tiếp thi công xây dựng công trình. Ông xác định, đây là công trình có ý nghĩa nhân văn đặc biệt, thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa, kinh phí xây dựng do tự nguyện đóng góp là chính, không đơn thuần là công trình để làm kinh tế. Vì vậy, CCB Nguyễn Ngọc Nam dành hết sức lực, tâm huyết thiết kế và thi công sao cho phù hợp với nguồn lực đầu tư, đảm bảo các yêu cầu bền vững về kết cấu, đẹp về mỹ thuật.
Sau hơn 2 tháng thi công liên tục, với sự đồng hành của chính quyền địa phương và các CCB, ngày 26.7.2020 công trình mang tên “Bia tưởng niệm 52 liệt sĩ là các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ, thương binh... đang điều trị tại Bệnh xá Đại đội 33, Sư đoàn 2, Quân khu 5 hy sinh ngày 2.8.1966” khánh thành.
Công trình gồm một nhà bia uy nghi và bia tưởng niệm ghi danh 52 liệt sĩ và 2 phần mộ tập thể mang tính biểu trưng ngay sau bia di tích. Tên tuổi các liệt sĩ ở phần mộ được khắc vào những phiến đá núi nhỏ được tìm kiếm và thu nhặt tại nơi các anh, chị hy sinh. Các CCB tha thiết kêu gọi và tiếp nhận thông tin liên quan các liệt sĩ ở bệnh xá dã chiến Đại đội 33, Sư đoàn 2 đóng tại Khe Hương, Tân Thuận (Hiệp Thuận), để hành trình tìm lại tên cho 29 liệt sĩ còn lại thôi gập ghềnh...