Tên các phường ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 15/10/2023 08:04

Tháng 9/2023, UBND TP.Tam Kỳ tiến hành lấy ý kiến từ nhiều phía về việc đặt tên phường mới khi hai phường An Xuân và Phước Hòa chuẩn bị sáp nhập. Bài viết này xin cung cấp một số tư liệu liên quan đến xuất xứ địa danh của các phường ở Tam Kỳ.

Bản đồ vùng Tam Kỳ năm 1938. Ảnh: P.B
Bản đồ vùng Tam Kỳ năm 1938. Ảnh: P.B

Khi tìm hiểu địa danh các làng xã xưa trước tháng 8/1945, chưa thấy xuất hiện các tên Hòa Hương, Phước Hòa, An Xuân, An Sơn và An Mỹ (và cả các tên Hòa Thuận, Tân Thạnh, An Phú được định danh sau này). Vậy các tên ấy được đặt ra từ đâu?

Dựa vào sách Phủ biên tạp lục (1776), Địa bạ lập thời Gia Long và Minh Mệnh (từ 1805 đến khoảng 1836), Đồng Khánh địa dư chí (1887, 1888) bản đồ người Pháp lập năm 1938 (mảnh 137 - khu vực phủ Tam Kỳ) và một số văn khế ruộng đất chữ Nho còn lưu, có thể tìm xuất xứ của các địa danh nói trên.

Hòa Hương, Phước Hòa, An Mỹ

Cả ba phường này đều nằm trên địa bàn xã Tam Kỳ và thôn Tứ chánh Bàn Thạch (gọi gộp là Tứ Bàn) thời phong kiến. Xã Tam Kỳ có trước (từ đầu thời các chúa Nguyễn); thôn/vạn Tứ Bàn thành lập sau và thuộc về quản lý hành chính của xã Tam Kỳ.

Đến khoảng đầu thế kỷ 20 (từ khi nâng huyện Hà Đông lên thành phủ Tam Kỳ), thôn/vạn Tứ Bàn mới tách ra thành một đơn vị hành chính riêng; tuy gọi là thôn nhưng cơ cấu hành chính được bố trí như một xã (xã Tứ chánh Bàn Thạch).

Xã Tam Kỳ xưa có các ấp Hương Trà, Hương Sơn Hạ, nằm ven phía đông và đông bắc quốc lộ 1 (ven các nhánh sông Bàn Thạch và Tam Kỳ). Bản đồ năm 1938 của người Pháp có ghi tên ấp Hòa Phước bao gồm cả vùng Tứ Bàn.

Chưa rõ có phải đến thời điểm ấy, Hòa Phước chính là tên mới của Tứ Bàn? Nhưng đến khoảng đầu năm 1940, ở vùng này xuất hiện địa danh Bàn Phước (ghép từ Tứ Bàn và Hòa Phước).

Có thể đoán, đến năm 1951, khi đặt tên mới Hòa Hương và Phước Hòa, các vị có trách nhiệm đặt tên đã dùng chữ “Hòa” của ấp Hòa Phước và chữ “Hương” của 2 ấp Hương Trà và Hương Sơn Hạ để kết thành tên Hòa Hương.

Còn địa hiệu Phước Hòa có thể đã lấy chữ “Phước” của Hòa Phước ghép với chữ “Hòa” trong tên của ấp Hòa An thuộc xã Tam Kỳ xưa (một phần đất của ấp này là địa bàn phía tây và tây bắc của phường Phước Hòa hiện nay).

Xã Tam Kỳ xưa có ấp Hòa An Khuôn, ấp Hòa An. Phần đất nằm ven phía tây và tây nam quốc lộ 1 cũ (nay là phía tây đường Phan Châu Trinh) của hai ấp này đều giáp với đường xe lửa.

Đến năm 1951 hai ấp nhập lại và nhận thêm một phần đất của xã Mỹ Thạch để hợp thành địa hiệu An Mỹ (An: lấy chữ An của Hòa An Khuôn và Hòa An, Mỹ: lấy chữ Mỹ của Mỹ Thạch).

An Sơn và An Xuân

Chữ An (trong An Sơn và An Xuân) lấy từ tên xã Dưỡng An từng được ghi trong “Đồng Khánh địa dư chí”. Trước đó, sách “Phủ biên tạp lục” và Địa bạ Gia Long, Minh Mệnh ghi tên xã này là Bình An Bạch Câu.

Ở Tam Kỳ xưa, có cách giải thích địa danh này như sau: Bình An là tên chính còn “bạch câu” (bạch: trắng, trong, câu: khe, rãnh) có thể chỉ dòng chảy băng ngang qua địa phận của xã này; dấu tích hiện nay là khe nước chảy qua đường xe lửa đến sau Bệnh viện Đa khoa thành phố, chảy qua cống Ngân hàng ở đường Phan Châu Trinh và đổ ra sông Bàn Thạch).

Phần đất của An Sơn gồm đất thôn An Thổ và thôn Hương Sơn Thượng của xã Dưỡng An; chữ “An” và chữ “Sơn” lấy từ tên hai thôn ấy. Phần đất An Xuân xưa có một rẻo đất vốn thuộc làng Trường Xuân giao qua (chữ An lấy từ tên Dưỡng An, chữ Xuân lấy từ tên Trường Xuân).

Tân Thạnh, Hòa Thuận

Phường Tân Thạnh hiện bao gồm địa giới của xã Mỹ Thạch và xã/thôn Đoan Trai có từ thời phong kiến. Xã Mỹ Thạch có tên gốc là xã Đá Bạc (được ghi trong địa bạ thời Gia Long, đến thời Minh Mệnh mới đổi sang tên chữ Nho là Mỹ Thạch) còn Đoan Trai vốn là một thôn thuộc xã An Thái, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương (về sau là huyện Thăng Bình) cho đến đầu thế kỷ 20 mới tách ra thành một đơn vị hành chính riêng trực thuộc tổng Chiên Đàn Trung, huyện Hà Đông.

Đến khi huyện Tam Kỳ tách ra thành hai đơn vị hành chính là Tam Kỳ và Núi Thành, cả hai vùng đất thôn Đoan Trai và thôn Mỹ Thạch (thuộc xã Tam Thạnh lập từ sau năm 1975) nhập chung thành phường Tân Thạnh. Trước năm 1975, vùng này có tên là xã Kỳ Hương tồn tại từ 1957 đến tháng 5/1975.

Phường Hòa Thuận được lập cùng lúc lập huyện Phú Nình. Hai từ “Hòa” và “Thuận” có gốc gác từ xưa. Địa bàn phường Hòa Thuận bao gồm địa giới của các xã Phương Hòa, thôn Đông Yên, thôn Tây Yên, thôn Thuận Yên, thôn Trà Cai và thôn An Hòa xưa (đều thuộc tổng Chiên Đàn Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình). Theo đó có thể biết: “Hòa” lấy từ chữ đầu của làng/xã Phương Hòa xưa và “Thuận” lấy từ chữ đầu của thôn Thuận Yên xưa.

Trường Xuân, An Phú

Địa bàn phường Trường Xuân bao gồm phần lớn đất của xã Trường Xuân thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (sau là phủ Tam Kỳ) xưa. Địa hiệu Trường Xuân xuất hiện khá xưa (từ sau năm 1470) theo ghi chép trong tư liệu của gia tộc Lê làng Trường Xuân.

Tuy nhiên, trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn không thấy địa danh này, chưa rõ vì sao? Hiện tìm thấy địa danh Trường Xuân được ghi sớm nhất trong một văn khế ruộng đất ký vào năm Thái Đức thứ 8 thời Tây Sơn (1785) được lưu ở nhà thờ chính của tộc Bùi (xóm Đồng Rạ, thôn Trường Đồng, phường Tân Thạnh).

Địa bàn phường An Phú bao gồm toàn bộ đất của xã Tứ chánh An Hà (gọi tắt là An Hà) và một phần đất của xã Quảng Phú xưa. Sách “Đồng Khánh địa dư chí” cho biết hai xã này đều thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình.

Đến khi lập phủ Tam Kỳ (1906), cũng như nhiều xã khác thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ, hai xã An Hà và Quảng Phú được bố trí vào các tổng Chiên Đàn Trung và Phú Quý Hạ của huyện Hà Đông. Chữ “An” (của làng/xã An Hà) và chữ “Phú” (của làng xã Quảng Phú) được lấy và ghép lại thành tên của phường An Phú hiện nay.

Như vậy, ngoài 4 xã Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Phú và Tam Thanh, TP.Tam Kỳ có 9 phường bao gồm 5 phường Hòa Hương, Phước Hòa, An Sơn, An Xuân và An Mỹ dùng lại các địa danh được đặt từ năm 1951 và 3 phường Tân Thạnh, Hòa Thuận và An Phú dùng các địa danh được đặt sau này. Chỉ riêng phường Trường Xuân dùng lại tên kép có từ lâu đời, các phường còn lại - trừ phường Tân Thạnh đều dùng một từ gốc của địa danh xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 trở về trước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tên các phường ở Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO