Tên làng hóa... thạch

NGUYỄN DỊ CỔ 08/05/2016 12:16

Con đất không những “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên) mà còn hoài dấu kỷ niệm của bao lớp người sinh thành trên mảnh đất ấy. Người ta càng ở lâu, đất càng nặng ân tình. Để rồi người ta phải đặt nên những cái tên xưng gọi quê hương, bản quán. Người ta ra đi, đến một miền đất mới, vẫn đôi lúc lấy tên cũ của làng để đặt tên cho nơi mới hay cho con cháu, bảng hiệu. Tên làng cũng là “bút danh”. Mỗi tên làng như vậy không chỉ là cái vỏ âm thanh đơn thuần mà chất chứa trong đó bao tâm tư của chủ nhân khi gắn bó với nó.

Chiều trên quê. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Chiều trên quê. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Quảng Nam là vùng đất mới, sáp nhập vào quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XIV, tên gọi “Quảng Nam” hình thành từ thế kỷ XV, cho nên những thư tịch liên quan đến vấn đề địa dư, địa danh Quảng Nam cực kỳ có ý nghĩa và giá trị. Chính văn bia là những trang sử đá tồn tại lâu dài với thời gian đã làm minh chứng cho sự hình thành vùng đất Quảng Nam và lưu lại dấu vết tên đất tên làng. Những địa danh thuộc vùng đất Quảng Nam như: Hội An, Bồ Mưng, Phú Triêm, Diệm Sơn, Bất Nhị, An Phước trong bia Phổ Đà sơn linh trung Phật (1640); Ái Nghĩa trong bia Phổ Khánh tự bi (1678); Dưỡng Mông, Vân Lãnh, Vân Quật trong Thái Bình tự thạch bi (1711)… là những tên làng đã “hóa thạch” từ 400 năm nay. Như vậy những địa danh này và quan trọng hơn là đơn vị hành chính cấp xã của Quảng Nam xưa đã được xác lập muộn nhất cũng từ giữa đầu thế kỷ XVII. Tư liệu địa danh hành chính này khẳng định hoặc bổ sung cho các sử tịch có niên đại sớm về vùng đất Quảng Nam như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục… Những tư liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho các nhà nghiên cứu địa danh - ngôn ngữ hay lịch sử. Như trường hợp khi nghiên cứu hoặc trình bày về danh xưng Hội An, người ta thường luôn dẫn văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật để chứng minh sự xuất hiện sớm nhất của danh xưng này.

Ngoài ra dựa vào các tư liệu văn bia, chúng ta cũng có thể biết được sự dịch cải địa giới hành chính làng xã hay phủ huyện ở Quảng Nam. Ví dụ thời kỳ đầu, địa giới của huyện Điện Bàn hay phủ Điện Bàn rộng lớn hơn so với địa giới hiện tại hoặc xét trên cùng một tấm bia Khai sơn hòa thượng thuật (ở chùa Chúc Thánh Hội An hiện nay), Thư mục văn bia của E.F.E.O (thập niên 40 thế kỷ XX) xếp văn bia này vào xã Thanh Hà huyện Điện Bàn; Văn khắc Hán Nôm Việt Nam của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1990) lại xếp văn bia này vào thị xã Hội An (tức TP. Hội An hiện nay - TG chú); và, nay Thanh Hà là địa danh cấp phường thuộc thành phố Hội An. Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật, dựng năm 1640, khắc 3 lần địa danh cấp xã Hội An và 4 lần địa danh cấp xã Cẩm Phô. Như vậy vào giữa thế kỉ XVII, địa danh hành chính Hội An và Cẩm Phô đồng cấp và tách biệt. Hai địa danh này vẫn tiếp tục tách biệt và thay đổi địa giới hành chính qua các thời kỳ tiếp theo (chỉ dụ thành lập thị xã Hội An của vua Thành Thái vào ngày 12.7.1899, nghị định ngày 30.8.1899 của Toàn quyền Đông Dương về việc quyết định thị xã Hội An là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, nghị định quy định về cơ cấu hành chính thị xã Hội An của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vào năm 1945…). Nhưng hiện nay, địa danh Cẩm Phô lại là phường trực thuộc thành phố Hội An.

Tên làng “hóa thạch” trên văn bia còn cho ta biết được quá trình hình thành làng xã ở địa phương. Văn bia đình ở xã Bất Nhị (1832) cho biết: “Tích bổn xã nguyên hữu cửu tộc đồng kiến lập địa phận vi Bất Nhị xã. Điền tịch, đinh số phân vi Bất Nhị xã Thai Lai thôn, Đan Điền thôn, Bình Trị thôn = Xưa xã ta vốn có 9 tộc họ cùng xây dựng địa phận làm thành xã Bất Nhị. Đất đai mở rộng, dân đinh thêm đông, làm nên 3 thôn Thai La, Đan Điền, Bình Trị trong xã Bất Nhị”. Hay tấm bia tộc Trần ở Cẩm Phô (Hội An) có đoạn: “Ông thủy tổ, thụy là Cần Thận công, trước đây giữ chức Phó đề lãnh Thiêm Lộc hầu, phát tích từ vùng Thanh Hóa vào Nam tìm chọn đất này. Người con trai là Trần Trung Lễ tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Vào khoảng thời gian niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tông Hoàng đế triều Lê, các tiên hiền Cẩm Phô là tộc họ Hoàng, Lê, Nguyễn đồng thời khai khẩn đất đai, khống ngự sông Trường Giang mà lập nên địa giới, treo rèm châu để đề tên xã. Đến nay cơ hồ đã 200 năm, truyền được 14 đời”. Thậm chí văn bia mộ họ Trương Đức (1916) còn nói rõ quá trình cải danh tên đất tên làng: “Ngài Trương quý công [vốn] trước [là] người miền Bắc di cư vào Nam [vào] thời Trần, khai thác đất này lập [nên] xã hiệu, tụ họp dân đến ở đây, tên là thôn Nam Cương. Tụ cư sinh sống, giáo huấn được vài năm đổi tên là thôn Lang Châu”. Những tên đất “hóa thạch” Đại Chiêm, Tỉnh thành, Vĩnh Điện trên một văn bia đời Minh Mạng còn nhắc nhớ quá trình khai mở tuyến đường quan trọng: Vĩnh Điện - Cửa Đại.

Dấu vết “hóa thạch” của tên đất tên làng trên văn bia cũng cho chúng ta biết được ý nghĩa của danh xưng làng xã. Văn bia do Nguyễn Tử Quang, giữ chức Hàn lâm viện Biên tu, soạn vào năm Thành Thái thứ 16 (1904) cho biết về giai thoại những tên làng Tiên Đỏa: “Tương truyền có tiên nhân bay xuống tảng đá (Bàn Thạch) ở giữa hồ, nhân đó đặt tên làng là Tiên Đỏa, Tiên Tỉnh, Tiên Trì. Ban đầu lập 12 giáp, sau phân thành 12 xã thôn, đều lấy chữ Tiên chữ Đỏa để đặt tên nhằm ghi nhớ đất cũ”. Một tấm bia khác về sau của làng này lập vào năm Đinh Mùi đời vua Duy Tân (1907) cũng miêu tả lại với một ý tương tự: “Thấy tiên nhân bay xuống chỗ giếng tiên (Tiên Tỉnh), nơi phong cảnh đáng yêu, nhân đó đặt tên làng là Tiên Đỏa. Về sau làng chia tách, lấy 2 chữ này đặt thành chữ đầu của tên làng mới”. Phải chăng một số nhà nghiên cứu trước đây cũng dựa vào giai thoại này để giải thích địa danh Tiên Sa ở bán đảo Sơn Trà và ghi vào Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (2010)?

Hiện nay, nhiều tỉnh thành khác đã có từ điển địa danh hay những công trình nghiên cứu về địa danh của địa phương. Song Quảng Nam chưa có những công trình nào như vậy. Thậm chí nhiều địa danh tên đất tên làng của Quảng Nam xưa nay vẫn chưa rõ ý nghĩa từ nguyên, hoặc địa danh nào đó đã được giải mã thì chưa hẳn nhận được sự đồng tình của mọi người. Ấy nên những lớp “hóa thạch” tên đất tên làng còn lưu giữ trong bia đá Quảng Nam sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý báu để tìm về cội nguồn tên gọi quê hương.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tên làng hóa... thạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO