Tên làng và những nếp quê...

NGUYỄN HẢI TRIỀU 01/12/2013 12:06

Tên gọi của làng thường hàm chứa những ý nghĩa nhân văn; gói ghém ước vọng của cha ông một thuở, thăng trầm qua nhiều thế hệ đến hôm nay. Vậy mà, có một thời gian rất dài, tên làng được thay thế bằng những con số: thôn 1, thôn 2… Những năm gần đây, trong tiến trình chấn hưng văn hóa dân tộc, đồng hành với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, những tên làng mới được khôi phục…

“Làng tôi sau lũy tre mờ xa
Tình quê yêu thương những nếp nhà…”

                                                     (Làng tôi - Hồ Bắc)

Ghi khắc đầu tiên trong ký ức tôi là tên làng, tên sông, tên núi nơi bóng dáng quê nhà. Cả xã, cả huyện tôi ngày xưa, tên làng nào cũng thật đẹp, mà mỗi khi nhắc đến ai cũng tự hào quê xứ của mình. Làng tôi là Đại An. Cha tôi kể rằng, ngày xưa khi tổ tiên vào đây lập nghiệp, vùng đất này từng là nơi hoang vu, ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, thường xuyên đe dọa tính mạng, tài sản... Đặt tên cho một vùng đất, cho một làng, cha ông thường gói ghém những ước vọng, niềm tin của con người, mong cho được sự bình yên, thịnh vượng, trù phú. Có lẽ vậy nên tên làng thường là mỹ từ. Đại An là mong ước cho sự an bình mãi mãi. Rồi những tên gọi khác như Hà Tân, Trúc Hà, Hoằng Phước, Hà Dục, Tịnh Đông… tên đất, tên làng luôn dào dạt nguồn yêu thương vô bờ, là niềm tự hào của bao thế hệ sinh ra lớn lên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mỗi đời người.

Ngẫm lại, mỗi làng, xã đều có nét độc đáo riêng từ tính cách, nết ăn ở, đến những thói quen ứng xử giao tiếp, hoạt động mưu sinh, nghề nghiệp… thể hiện trong cộng đồng, gia đình, và từng con người. Với những tính cách, truyền thống khác nhau của mỗi làng riêng biệt đã hình thành nên sự “cục bộ, vô tư” rất đáng yêu, đáng quý ở con người không kể lớn hay nhỏ, già hay trẻ, mỗi khi đi ra đều mang “dáng dấp”… làng, như câu thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xưa tôi sống trong làng, giờ làng sống trong tôi...”. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, lớp học của lũ trẻ chúng tôi trong ngôi nhà người thầy giáo quê rất mực nghiêm nghị. Địa điểm cuối làng, cũng là nơi giáp ranh giữa làng tôi với Hà Dục Tây. Học trò thầy dạy không chỉ trẻ con trong làng mà cả Hà Dục Tây, Tịnh Đông, Lục Nam… cũng đến xin thọ giáo. Cứ chiều chiều, sau giờ tan học là đám học trò chúng tôi tụm năm tụm bảy bày ra biết bao nhiêu trò chơi thú vị: U mọi, đá bò, cút kiếm, nhảy dây, hoặc lang thang trên gò hái bông dủ dẻ...

Tên gọi của làng thiêng liêng trong tình cảm con người, có thể dù nghèo đói cơ cực, gian khó, con người vẫn luôn thủy chung gìn giữ nghĩa cử cao đẹp, hết mực bảo vệ thanh danh của làng; một khi ai đó vô tình hay cố ý buông lời xúc xiểm, miệt thị, thì dù có thân quen, gần gũi cho mấy cũng coi như người bỏ đi, sẵn sàng đoạn giao, không quan hệ! Có lần về Đại Chánh điền dã văn nghệ dân gian, tôi nghe câu chuyện kể về hát hò khoan đối đáp rằng, có một cặp trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng trong một đêm hát, cô gái lỡ buông đùa rằng: “Ai về An Chánh - Đá Mài? Một con mắm cái cõng mười hai lát cà/ Anh ơi bỏ xứ đi ra/ Không thì anh chết cùng cà với dưa!”. Chỉ một câu hát vậy, mà làm tiền đề cho sự đổ vỡ một tình yêu nồng thắm, không hàn gắn lại được. Chuyện khác: Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, có ông Bốn Mục, người Đại Thắng thường lên vùng Đại Chánh, Đại Thạnh (Đại Lộc) làm nghề bốc thuốc. Trong một lần uống rượu, chỉ ngẫu hứng đọc mấy câu thơ tự sáng tác sau đây: “Đại Thạnh là đây có phải à?/ Một phần than củi một phần ta/ Trai thời trau chuốt tay rìu búa/ Gái nọ nào đâu biết lụa là!...”. Thế là ông bị dân địa phương cho là khinh miệt xứ sở, quê làng của họ. Người ta phẫn nộ, tẩy chay nghề bốc thuốc, buộc ông phải về quê quán của mình.

Quê kiểng bao đời nay vẫn thế, luôn mang đậm một chất quê bàng bạc, bình dị vốn dĩ của nó, vượt trên cả khái niệm “cũ và mới”. Có điều, làm sao đó để người dân quê không còn cơ cực “hai sương một nắng” như xưa nữa; đời sống kinh tế được ổn định, văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; nông dân ra đồng bằng xe máy, đường sá thênh thang bê tông không lấm lem bùn đất để cuộc sống vươn lên no ấm đẹp giàu là viên mãn lắm rồi. Nhưng nói đi rồi phải nói lại. Tôi có người bạn làm thơ tâm sự một câu “bao đồng” rằng: “Anh ạ! Em sợ mai mốt rồi lớp trẻ con cái của mình chẳng còn biết làm thơ nữa! Chúng nó đâu còn thấy hình ảnh những cột khói trên đồng chiều, con đò trên sông quê; đâu còn biết thế nào là biền bắp, bãi lúa, nương dâu, bờ tre, bến nước…, mà cảm xúc thơ ca thì phần lớn ở đó anh ạ!”. Có thể câu nói của bạn tôi hơi cực đoan, nhưng nghiệm ra điều có lý của nó. Thời đại công nghiệp hóa, khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sinh hoạt truyền thống của quê. Cải tạo vườn tạp, những hàng tre làng, hàng cau đầu ngõ, bờ giậu chè tàu không còn nữa, hình ảnh quê mất dần trong tâm khảm con người, chỉ còn trong ký ức những ai thích hoài cổ!

Ai đó từng nói rằng “văn hóa là cái còn lại khi tất cả đã mất đi”. Những tên làng đã trở về với cuộc sống chúng ta bằng tiếng gọi thân thuộc như bao đời nay khi ta bỏ dần những con số thứ tự có tính liệt kê; đã đồng hành với ta trên bước đường xây dựng quê hương giàu đẹp. Ta sẽ bỏ đi hoặc cải tạo điều đáng cải tạo; và hãy suy xét kỹ lưỡng để gìn giữ những giá trị bất di bất dịch của quê xứ, để mỗi tên làng là nguồn cảm xúc vô biên làm nên thơ ca nhạc họa; để làng quê luôn mãi là niềm yêu thương bất tận của đời người! Và điều đáng mừng là, trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) làng quê, nếp quê ở các địa phương trong tỉnh đã từng bước phục hồi khi mọi người chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới...

NGUYỄN HẢI TRIỀU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tên làng và những nếp quê...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO