Tuần qua, rất nhiều sự kiện gợi nhắc đến những nhân vật lịch sử mà tên tuổi và cuộc đời đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng dân tộc, đất nước.
Như Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc… Trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người, bao câu chuyện kể lại hành trình bốn bể năm châu, mà mỗi nơi Bác đi qua đều ghi khắc những cái tên. Các nhà nghiên cứu đã thống kê có khoảng gần 200 cái tên được Bác Hồ sử dụng trong đời hoạt động của mình. Tính riêng về hoạt động báo chí, kể từ bài báo đầu tiên (Yêu sách của nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Pháp – tờ L’Humanite’ ngày 18.6.1919), đến bài báo cuối cùng (Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, với bút danh T.L, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1.6.1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 3.000 bài báo với 160 bút danh trên hàng trăm tờ báo, tạp chí, đài phát thanh...ở trong và ngoài nước.
Một nhân vật khác là Giáo sư Trần Đại Nghĩa (1913–1997), mà quê hương Vĩnh Long vừa hoàn thành xây dựng khu lưu niệm để trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trần Đại Nghĩa là cái tên được Bác Hồ đặt khi ông trở về nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tên người như cuộc đời, từ một kỹ sư quân sự trở thành nhà khoa học lớn, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, ông luôn tâm niệm cống hiến hết sức mình cho “đại nghĩa” dân tộc.
“Tên người như cuộc đời” cũng là cái tựa cho nhiều cuốn sách, bài báo viết về những nhân vật lịch sử khác, như Phạm Xuân Ẩn, Võ Văn Kiệt...
Việc đặt tên nếu đi sâu vào tập tục có nhiều chuyện thú vị. Người bình dân xứ Quảng khi đầy tháng đặt tên con có khi chỉ cần một lễ mọn với đĩa xôi, cục đường, cái bánh tráng. Nhưng họ luôn coi trọng lễ ấy, ôm ấp nhiều kỳ vọng cho con mình có cuộc đời về sau tươi sáng. Tuy vậy, ước mơ được chôn giấu thầm kín, và người ta thường sợ bị các đấng siêu nhiên “quở” khó nuôi nên trong sinh hoạt ít khi gọi tên chính thức mà lại gọi bằng cái tên rất dở. Những cu Đực, con Lu, thằng Cò, bé Hĩm... chính là cách gọi tránh trớ cho xấu đi, trong khi tên thật có thể là Hùng, Dũng, Thu, Lan, Hồng, Tuyết...
Chuyện đặt tên gần như là quyền được mặc định tự nhiên của con người; hay dở, dài ngắn, ý nghĩa ra làm sao đều do quyền tự quyết của ba mẹ (ban đầu) hoặc người ta sửa lại khi trưởng thành. Vậy mà tự dưng có chuyện ai đó nghĩ ra việc hạn chế độ dài họ tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái (dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đưa ra đề xuất). Chung quanh việc so sánh lợi hại khi đặt tên dài ngắn chưa rốt ráo, và ai cũng biết trong các loại giấy tờ hay giao tiếp mà tên dài quá sẽ có bất tiện. Nhưng có người thích (đã, đang và sẽ) đặt tên dài thì sao? Quyền nhân thân không có gì trái cả. Vậy nên khi luật quy định sẽ tạo ra rắc rối trong thực tế.
Ngẫm, cái tên người do cha mẹ đặt hay được cố ý đặt lại cũng thường thể hiện những mong ước, khát vọng, kỷ niệm, niềm tin hay một quan niệm sống. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được danh tiếng sự nghiệp cuộc đời như cái tên thể hiện, thậm chí đôi khi trái ngược với ý nghĩa (khi tên hay mà hành trạng xấu, không làm rạng rỡ gì cho cha mẹ, họ hàng, làng xóm, quê hương, dân tộc). Vì vậy, ý nghĩa hay dở của cái tên không quan trọng bằng những gì thuộc về nhân cách.
NGUYỄN ĐIỆN NAM