Với những hoàn cảnh nghèo khó lại chẳng may gặp biến cố, sửa soạn một cái tết đủ đầy dường như luôn là “hy vọng”, nên một phần quà dù ít nhưng đến vừa kịp lúc cũng mang một ý nghĩa rất lớn…
Nghĩ vậy, chúng tôi ghé thăm một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã từng được đăng tải trong mục Địa chỉ từ thiện hằng tuần của Báo Quảng Nam trong những ngày cận tết. Nhận tiền hỗ trợ của Công ty CP Ô tô Trường Hải thông qua Báo Quảng Nam, nhiều người ứa nước mắt: “Thiệt tôi không biết nói gì, vừa bất ngờ, vừa cứ tưởng gần tết lo toan nhiều thứ quá nên cả nhà nằm mơ có tiền sắm tết” - anh Phan Văn Mười, ở thôn La Trung, Điện Thọ, Điện Bàn nói như vậy.
Tặng gạo và tiền hỗ trợ cho gia đình anh Võ Công Dương (xã Duy Trinh, Duy Xuyên). Ảnh: Alăng Ngước |
Yên tâm với tết
Ngồi bên bộ bàn nhỏ trước hiên nhà, bà Đoàn Thị Thanh Bình (thôn 4, xã Bình Triều, Thăng Bình) khá bất ngờ khi chúng tôi ghé thăm. Phía bên trong khung cửa sổ ẩm thấp, người con gái nuôi cũng dỏng lên nhìn khách rồi bắt đầu la khóc. Bà Bình dỗ dành: “Con gái yêu của mẹ, có sao đâu con, mấy cô mấy chú tới thăm tết nhà mình đó mà”. Nhưng cô gái đã 36 tuổi đầu vẫn cứ khóc dỗi hờn trách mẹ. Đúng 36 năm nay, bà Bình thui thủi nuôi đứa con gái nuôi tật nguyền dang dở. Ấy mà khi chúng tôi đến, bà nói trong niềm vui: “Cận tết nên gia đình cũng nhiều cái vui. Mẹ của tôi đợt vừa rồi được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi một mình thờ cúng hai người anh liệt sĩ nên chính quyền ở đây cũng đã có ghé qua hỗ trợ tết cho gia đình chính sách”. Bây giờ, mẹ con bà Bình đã có thể an tâm với tết. Dù rằng, bà nói, tết cũng như mọi năm, con gái bà muốn mặc áo mới cũng không được, nó cứ nằm ngây ở đó, chỉ biết la khóc hờn dỗi mẹ khi có người đến thăm nhà. Nhận 4 triệu đồng cùng với những phần hỗ trợ của bạn đọc báo Quảng Nam, bà Bình nói: “Chừng này với cuộc sống ở đây là nhiều, rất nhiều. Tôi cũng không từng nghĩ hoàn cảnh của mình được người ta biết đến theo cái cách này, tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn”.
Tặng gạo và tiền hỗ trợ cho cụ Nguyễn Thị Vang ở xã Bình Dương, Thăng Bình. |
Ghé ra Điện Bàn, hoàn cảnh “Một gia đình đáng thương” (báo Quảng Nam thứ Sáu ngày 3.10.2014) của anh Phan Văn Mười (thôn La Trung, xã Điện Thọ) cũng xót xa không kém. Mẹ anh, bà Thái Thị Mãi (75 tuổi) ngồi đằng trước tước sợi phụ người trong xóm gói bánh tết. Anh Mười vốn mù bẩm sinh, từ ngày bị tai nạn trên đường bán tăm tre ở Đà Nẵng, anh cũng chẳng làm được việc gì. May ra mùa này anh nhận đót về đan chổi. “Nhưng mà cả ngày có khi đan có đâu 1 cái, mù có thấy gì đâu. Thôi kệ, cứ nhận việc về làm, có tiền không nhiều thì ít, cũng vừa lo cho tết” - anh Mười nói vậy. Đứa con trai đầu lòng mới 2 tuổi của anh cũng đã qua 3 lần phẫu thuật mắt. Mà anh Mười nói: “Hy vọng nó thấy được ánh sáng, cho khác với đời ông và cha”.
Trĩu nặng đồng tiền thương khó
Đồng tiền thương khó mà chúng tôi làm nhịp cầu mang đến tặng những người được thụ hưởng lần này như nặng trĩu. Không chỉ là nghĩa tình của bạn đọc, của đơn vị tài trợ mà câu chuyện của những hoàn cảnh không may cho chúng tôi thật nhiều ưu tư, suy nghĩ. Nó đòi hỏi những thấu hiểu, sự chia sẻ kịp thời, đúng lúc để những “đồng tiền thương khó” này có thể xoa dịu một phần nào những mất mát của những người không may. Bởi khi báo đăng về biến cố bất ngờ của Võ Công Dương (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) (“Nỗi đau từ tai nạn bỏng điện cao thế”), bạn đọc thương cho hoàn cảnh của Dương - một thanh niên cao lớn, vạm vỡ giờ thành một phế nhân với tứ chi gần như mất hết. Ghé thăm nhà Dương mới biết, người cha 60 tuổi, gà trống nuôi con suốt 25 năm nay, ông cũng bị tai nạn - mất hết một chân. Giờ, cha tập tễnh với nạng gỗ, lấy sức già bế thốc đứa con tật nguyền trên chiếc xe lăn. Ông Võ Năm nói: “Nhìn tay chân nó mà tôi ứa nước mắt, ngày nào tôi cũng khóc. Nhưng trước mặt nó thì không dám nói gì, chỉ mong cho nó sống, để rồi mình còn chăm sóc cho nó”.
Từ nguồn hỗ trợ của Công ty CP Ô tô Trường Hải, báo Quảng Nam đã trao tặng hơn 30 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được đăng tải trên mục Địa chỉ từ thiện số thứ Sáu hằng tuần. Mỗi hoàn cảnh hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng được trao tận tay, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. |
Ghé thăm Dương mới thấy, những thanh niên trong làng Chiêm Sơn, giáo viên ở gần đó, những hàng xóm láng giềng… hầu như ngày nào cũng ghé qua nhà cha con ông Võ Năm. “Để nhà có người, để thằng Dương có muốn đi đâu thì có người phụ chở đi cho nguôi ngoai, không nghĩ quẩn” - cô Thu, một người hàng xóm ở cạnh nhà Dương nói vậy. Tinh thần của Dương sau biến cố đó đã ổn hơn rất nhiều, nhưng nụ cười rạng rỡ như trong bức hình cưới được phóng to treo giữa nhà chúng tôi nhìn thấy thì đã tắt. Ông Võ Năm - cha của Dương cứ nhắc đi nhắc lại: “Kiên trì động viên cho nó sống, rồi mình sửa soạn”.
Cũng như cụ bà Nguyễn Thị Vang (thôn 3, xã Bình Dương, Thăng Bình), nhìn thấy cụ vui vẻ, phấn chấn khi được ghé thăm, mà chúng tôi chùng lòng. Cụ Vang nay 85 tuổi, sống với con gái nuôi bị tật. Nhưng cụ còn có đứa con trai bị khùng 60 tuổi đang ở nhà chính, thờ ông thờ bà dưới rừng dương. Cụ Vang bảo: “Chứ mà có gì nó cũng để phần cho tôi, một trái chuối cũng bẻ đôi “để dành cho mẹ”, tôi đem cơm cho nó ăn nó dẽ cá phần xương phần mình, phần thịt để cho mẹ ăn cơm trắng. Nó vậy đó, thương lắm”. Tay run run ký nhận tiền hỗ trợ 3 triệu đồng và 500 nghìn đồng của một bạn đọc tại Hà Nội thông qua Báo Quảng Nam, cụ Vang nói: “Tiền này tôi không có tiêu tết đâu, để dành sửa nhà lại cho thằng khùng chứ tội nó. Nhà thờ ông, thờ bà, nó ở giữ nhà. Mưa bão là bị đổ liền, có lần gió to sắp ngã, nó đỡ cho tôi chứ không là tôi bị thương rồi”. Thế nên cụ cứ thương con mòn từng khúc ruột, dù khi bị con đánh, cụ nói: “Tại tui già nên không né kịp”. Thông qua Phòng Công tác xã hội báo Quảng Nam, những đồng tiền thương khó của bạn đọc và nhà tài trợ được gửi tới vì thế mà nặng trĩu hơn, trân quý hơn…
BÌNH ANH