Không ít người thắc mắc, tại sao cùng lấy linh vật Địa chi theo quan niệm triết học Đông phương, nhưng ở Trung Quốc và một số nước có ảnh hưởng, năm Mão là con thỏ, còn ở Việt Nam lại là con mèo? Phải chăng đây là nét riêng của văn hóa Việt, cho dù bị ảnh hưởng nông lịch chung, vẫn chọn lựa tính đặc thù phù hợp với đời sống dân gian?
Trong chữ Hán, Mão là can chi thứ tư, ứng thời gian phân chia theo lịch Đông phương là từ 5 - 7 giờ sáng. Người xưa quan niệm đây là thời điểm khởi đầu một ngày mới, nên những việc khai trương, mở hàng trọng đại, hay khởi động công việc trong ngày mới, đều chọn giờ này. Đây là lý do để linh vật con giáp được chọn đại diện cho giờ này có sự khác biệt.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giờ Mão ứng với lịch trở lại hoạt động của các con vật sau một đêm ngủ say. Loài thỏ là nhanh nhạy nhất trong khoảng thời gian này, để tranh thủ ăn được những ngọn cỏ non nhất, và cũng tránh được sự phục bắt của các loài thú ăn đêm. Cho nên, người Trung Quốc lấy hình ảnh con thỏ để đại diện cho giờ Mão và can chi thứ tư theo đó, là hình ảnh con thỏ.
Với người Việt, dĩ nhiên thỏ không phải loài vật quen thuộc. Thay vào đó, con mèo, sau một đêm phục bắt chuột, sẽ quay trở lại dáng vẻ lười biếng yểu điệu của mình, hòa nhập vào cuộc sống xung quanh.
Quan niệm mê tín dân gian còn cho rằng, loài mèo có “hai hướng linh hồn”, ban đêm thuộc về cõi âm và ban ngày sẽ quay lại cõi dương. Cho nên, khi bình minh lên, con mèo sẽ thoát khỏi cốt cách âm để biến hóa thành dương trở lại. Giờ Mão khởi động một ngày mới, được chọn là giờ của con mèo và can chi thứ tư với người Việt, vì thế lấy hình ảnh con mèo làm đại diện.
Xét trong 12 can địa chi văn hóa Đông phương, có thể nói, các con giáp đại diện đều ăn khớp với nhau, từ con chuột (giờ tý) cho đến con heo (giờ hợi). Chỉ duy có can mão là người Việt lấy con vật khác biệt.
Phải chăng đây là cách lựa chọn riêng biệt của cha ông ta từ xưa, để minh chứng cho hoạt động văn hóa riêng khác, tinh thần độc lập của dân tộc Việt, không hoàn toàn đồng nhất, rập theo quan niệm ảnh hưởng văn hóa người Hán?
Điều ấy khẳng định tinh thần trường tồn của dân tộc Việt, bị tác động, ảnh hưởng từ văn hóa Hán, nhưng tuyệt nhiên con người Việt không chấp nhận Hán hóa, có biểu trưng riêng của mình, thậm chí đối lập với hình ảnh đại diện với người Hán.
Bởi lẽ ai cũng dễ nhận ra, mèo là loài vật tinh khôn, nhanh nhạy, có đủ sức mạnh của loài thú ăn thịt, khác với hình ảnh con thỏ nhút nhát. Chọn lấy hình ảnh này, người Việt xác lập một hình ảnh khác so với quan niệm của người Hán, một biến tấu văn hóa khá độc đáo và bản lĩnh.
Trong đời sống hàng ngày, người Việt cũng quen thuộc và thân thiện với loài mèo hơn. Hình ảnh con mèo trong văn hóa Việt, trong tư duy người Việt, cũng rất là đa dạng và độc đáo, với những cách thể hiện riêng biệt về khả năng ứng phó, linh hoạt với cuộc sống và nhất là tính kiên trì nhẫn nại, điều riêng có ở loài mèo mà không phải con vật nào cũng làm được. Con mèo, trong tư duy truyền thống hay hiện đại, đều luôn mới mẻ, tinh khôi, nhanh nhẹn, hợp với tư duy sáng tạo của mọi thời đại để phát triển không ngừng.
Tết Quý Mão, vì thế hứa hẹn sẽ là một cái tết khác biệt hơn.