Không khí đón xuân Nhâm Dần 2022 của người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn rộn ràng và ấm áp trong bối cảnh nhiều nước dần trở lại cuộc sống mới sau đại dịch Covid-19.
Tết Nguyên đán 2022 cũng là năm thứ hai Nguyễn Bảo Châu, sinh viên năm thứ 4 của Trường Cao đẳng cộng đồng Whatcom ở Bellingham, bang Washington (Mỹ) đón tết xa nhà. Vì đại dịch Covid-19, nhiều tiết học được giảng dạy trực tuyến nhưng tết năm nay Châu cũng không về Việt Nam vì lo ngại đi lại khó khăn.
Châu cho biết, cô làm thêm công việc bán thời gian cho một chủ tiệm bánh của người Việt Nam nên được nghỉ một tuần trong thời gian diễn ra những ngày tết cổ truyền Việt Nam.
Châu nói: “Ngày đầu năm mới 2022, do không có tiết học trực tiếp nên em bay sang California để thăm ông nội và cùng một số bạn sinh viên Việt ở đó háo hức đi chùa đầu năm, như đến chùa Huệ Quang, rồi chùa Bát Nhã để cầu may mắn, sức khỏe cho cả gia đình, học hành suôn sẻ. Sau đó, bạn bè lại tập trung nấu ăn tại phòng trọ, đàn hát để vơi chút nỗi nhớ gia đình những ngày xuân về”.
Chị Thanh Mai (48 tuổi) cùng gia đình định cư hơn 10 năm tại quận Cam (Mỹ), nơi có nhiều người Việt sinh sống. Nhiều năm qua, chị Mai vẫn duy trì thói quen cùng gia đình đi hội chợ xuân của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán, như nhắc nhở những đứa con của mình về nét đẹp văn hóa, ngày hội dân tộc, phong tục tập quán của quê cha đất tổ.
Tết Nguyên đán, dù chỉ là những ngày làm việc bình thường tại Mỹ, chị Mai vẫn tranh thủ trang trí nhà cửa lộng lẫy với những cành đào, cành mai, cây quất - những loài hoa và cây cảnh đặc trưng tết Việt, gia đình sum vầy chụp hình lưu niệm ngày xuân. Năm nay, gia đình chị Mai đến chợ người Việt trong thành phố sớm hơn để mua những món tết như chả giò, củ kiệu, mứt dừa, gừng, nguyên liệu để gói bánh chưng.
Tại Australia, người dân bắt đầu với hành trình “sống chung với vi rút SARS-CoV-2” khi tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 giảm mạnh. Australia chính thức đạt cột mốc quan trọng với việc nước này tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho 80% dân số từ 16 tuổi trở lên vào tháng 11 năm ngoái. Cộng đồng người Việt ở Australia cũng rất đông đảo với khoảng hơn 200 nghìn người, chiếm thứ sáu trong các cộng đồng người ngoại quốc tại đây.
Ông Trường (70 tuổi) sinh sống ở thành phố Melbourne thường phụ vợ và cùng một số gia đình thân thiết khác tập trung gói bánh chưng ở nhà ông trong khi những người con và cháu gái lại xúng xính trong tà áo dài Việt rực rỡ đến hội hoa để ghi lại những khoảnh khắc ngày tết Việt nơi phương xa.
Đúng giờ giao thừa, nhiều gia đình Việt như ông Trường đặt mâm ngũ quả cũng như các món ăn ngày tết lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên, cầu chúc năm mới gia đình và người thân nhiều sức khỏe, phát tài, phát lộc, nhất là dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn.
Udon Thani là tỉnh có đông người gốc Việt nhất ở Thái Lan nên không khí đón tết của người Việt tại đây rất rộn ràng. Tuy vậy, lần đầu tiên đón tết xa quê, chị Hường (người Nghệ An) - chủ một quán phở người Việt tại Udon Thani không khỏi hụt hẫng: “Khi bố mẹ gọi điện sang ngay trong thời khắc giao thừa để hỏi thăm tình hình, tôi đã bật khóc, rất nhớ không khí gia đình ngày xuân.
Nhưng cộng đồng người Việt ở Thái Lan rất đoàn kết, nơi tôi có thể đến tham gia các hoạt động chung như làm củ kiệu, gói bánh chưng, bánh dày, văn nghệ, chia sẻ tâm tư để bớt chút nỗi nhớ không khí tết quê nhà”.