Tết của nhà nông

NGUYỄN VĂN SỰ 02/02/2017 09:43

Những ngày cận Tết Đinh Dậu đến nay, về nhiều vùng quê xứ Quảng vẫn thấy nhà nông hối hả ra đồng chăm sóc lúa, đậu, bắp và các loại hoa màu. Với nông dân, ăn tết thì ăn, chơi tết thì chơi nhưng không thể lơ là chuyện đồng áng.

Không bỏ bê ruộng lúa

Sáng Mùng 2 tết, từ thị trấn Nam Phước, theo tuyến ĐT610 chạy ngược lên vùng tây huyện Duy Xuyên, trên những cánh đồng lúa xanh rì, đâu cũng thấy bóng nông dân. Ông Phạm Ba (thôn Mỹ Lược, xã Duy Hòa) nói: “Đông xuân năm nay, gia đình tôi chỉ sử dụng duy nhất loại giống lúa thuần ĐV108. Bây giờ, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, mặc dù tết bận bịu bao việc nhưng cũng tranh thủ ra đồng nhổ cỏ, bón thúc phân kịp thời cho ruộng lúa. Đặc biệt, mấy ngày gần đây chuột bùng phát mạnh nên phải liên tục đào phá hang, đặt bẫy, đánh bả bằng thuốc sinh học”.

Sáng Mùng 4 tết, nông dân thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên) thu hoạch khổ qua bán đầu năm.  Ảnh: VĂN SỰ
Sáng Mùng 4 tết, nông dân thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên) thu hoạch khổ qua bán đầu năm. Ảnh: VĂN SỰ

Chiều Mùng 3 tết, có mặt trên cánh đồng rộng mênh mông của thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn), chúng tôi thấy nhà nông nơi đây cũng hối hả ra đồng chăm sóc những ruộng lúa non. Ông Ngô Quang Ngọc - một người dân địa phương cho biết, vụ đông xuân 2016 - 2017 này gia đình ông canh tác 12 sào lúa thuần OM8017, tất cả đồng loạt xuống giống vào ngày 28.12.2016. Hơn một tháng qua, hầu hết chân ruộng đều đẻ nhánh khỏe, phát triển mạnh nhưng gần đây ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều trên ruộng và cắn phá lúa với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ông Ngọc nói: “Qua kiểm tra cho thấy, bình quân một mét vuông ruộng lúa có khoảng 40 - 50 con ốc bươu vàng. Loài ốc này cực kỳ nguy hiểm, nó cắn trụi thân và lá lúa. Vì vậy, suốt một tuần nay dù phải lo chuyện tết nhứt nhưng ngày nào vợ chồng tôi cũng dành 1 - 2 tiếng đồng hồ lội khắp ruộng bắt ốc. Thậm chí, có nhiều diện tích phải dùng thuốc đặc hiệu phun trừ, vì mật độ ốc quá nhiều và tốc độ gây hại rất nhanh. Nhà nông mà, ăn tết thì ăn, chơi tết thì chơi nhưng không thể lơ là việc đồng áng. Nếu chủ quan với các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa, chắc chắn mùa màng sẽ bị thất bát”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất tổng cộng 42.500ha lúa, tăng 500ha so với kế hoạch đặt ra lúc ban đầu. Hiện phần lớn số diện tích lúa vừa nêu đang trong thời kỳ đẻ nhánh tập trung. Thế nhưng, từ hôm 20 tháng Chạp đến nay chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, bọ trĩ… xuất hiện và gây hại rải rác trên rất nhiều cánh đồng. Trong đó, ốc bươu vàng là đối tượng có chiều hướng phát triển mạnh hơn so với những vụ mùa trước, cả vùng đồng bằng lẫn khu vực miền núi. Ông Nguyễn Định nói: “Những ngày cận Tết Nguyên đán, ngành bảo vệ thực vật cấp tỉnh và cấp huyện liên tục phát đi các văn bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa gửi về những hợp tác xã, các ban nông nghiệp xã, nhất là lực lượng khuyến nông viên cơ sở để chủ động triển khai các phương án đối phó. Đồng thời thường xuyên cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật về đứng cánh tại nhiều địa phương để hỗ trợ nhà nông thực hiện đồng bộ những biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất. Nhờ vậy, thời điểm trước và trong tết, 42.500ha lúa đông xuân chính vụ của tỉnh cơ bản an toàn trước chuột, ốc bươu vàng cũng như nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm khác”.

Kỳ vọng từ cây trồng cạn

Sáng Mùng 4 tết, khu bãi biền chuyên sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực nằm ven con sông Thu Bồn ở thôn Tây An (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) đã đông nghịt nông dân. Kẻ nhổ cỏ, bón phân, người tưới nước, bắt sâu…, nhịp điệu lao động diễn ra hết sức khẩn trương. Đứng giữa ruộng rau cải trải dài màu xanh, ông Huỳnh Tài – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Dân chính thôn Tây An nói: “Ở vùng đất này, cuộc sống của người dân phần lớn dựa vào nguồn thu nhập chính từ những loại rau đậu, hoa màu nên dù tết có bận bao việc họ cũng không bao giờ lơ là chuyện ruộng đồng. Sau 3 ngày tạm gác cái cuốc lên chái bếp, hôm nay gia đình tôi lại ra đây chăm sóc mấy loại cây trồng này. Mặc dù hồi đầu vụ đông xuân năm nay gặp rất nhiều trở ngại do thời tiết diễn biến bất lợi nhưng bây giờ thì đồng đất nơi đây đã ngút ngàn mầm xanh, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được thành công”.

Trò chuyện với chúng tôi trong ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, vụ đông xuân 2016 - 2017 này nông dân trên địa bàn thị xã sản xuất tổng cộng 5.000ha rau màu các loại, trong đó có 1.500ha bắp lai và bắp nếp, 600ha đậu phụng, 300ha ớt… Ông Chơi chia sẻ: “Bên cạnh việc chú trọng khâu thủy lợi thì thời gian qua Điện Bàn cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nhằm hình thành nên những mô hình sản xuất rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa tập trung. Năm 2016 bình quân 1ha đất màu của thị xã mang lại cho nhà nông mức thu nhập 115 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với cách đây 5 năm”.

Ngoài việc gieo sạ 42.500ha lúa thì vụ đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh còn tổ chức sản xuất 9.500ha đậu phụng, 6.500ha bắp, 14.000ha sắn, 4.000ha khoai lang, 10.030ha dưa hấu, ớt và rau đậu các loại. Từ hôm 26 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết Đinh Dậu, về nhiều vùng quê của xứ Quảng này, chúng tôi nhận thấy nông dân vẫn bám ruộng, bám vườn dù tất bật với tết. Một mùa xuân mới lại về, đồng đất xứ Quảng giờ đây đã tươi xanh những lộc biếc chồi non sau những ngày mưa lũ…

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết của nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO