Văn hóa

Tết Đoan ngọ dưới triều Nguyễn

PHẠM PHƯỚC TỊNH 07/06/2024 08:00

(QNO) - Tết Đoan ngọ hay còn gọi là tết/tiết Đoan dương diễn ra vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, đây là một trong những lễ tết lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, cùng với tiết Nguyên đán, Vạn thọ thì tiết Đoan dương là một trong 3 tiết lớn nhất trong năm.

b10067c7d04f7011295e.jpg
Mâm cúng Tết Đoan ngọ

Vào ngày tiết Đoan dương, các vua nhà Nguyễn đã có những quy định cụ thể về lễ nghi, phẩm vật, ban yến, ngày nghỉ, bắn ống lệnh, treo cờ... trong và ngoài kinh. Những quy định này có sự thay đổi qua các triều vua nhà Nguyễn.

Những ghi chép về tiết Đoan dương được nhiều sử sách ghi chép, đặc biệt là được ghi chép trong hai tác phẩm có giá trị lớn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn là Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục. Qua thông tin từ hai tư liệu này, đã khái quát được bức tranh tổng thể về tiết Đoan dương ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn. Bài viết dưới đây sẽ góp phần thông tin về tiết Đoan dương được trích từ hai nguồn tư liệu trên.

Quy định về ngày nghỉ

Vào năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) có quy định, trước Tết Đoan dương một ngày, sắc cho những công tác thổ mộc ở kinh nghỉ việc 2 ngày (mồng 4 mồng 5) những công sở Nội tạo, Nội vụ, Vũ khố nghỉ việc một ngày (ngày mồng 5).

Đến năm Tự Đức thứ 27 (1874), vào ngày tiết Đoan dương chỉ nghỉ 1 ngày chính, còn tiết Thánh thọ, tiết Vạn thọ đều nghỉ 2 ngày...

Quy định về lễ nghi

Vào năm Gia Long thứ 3 (1804), quy định lệ tế ở các miếu và các từ đường. Ở Thái miếu, các lễ Nguyên đán, Đoan dương, hưởng tế, kỵ lạp, sóc vọng... mỗi năm chi tiền 4.600 quan; miếu Triệu tổ mỗi năm chi hơn 370 quan.

Đến năm Gia Long thứ 4 (1805), định lệ các lễ ở các thành dinh trấn. Miếu cũ Gia Định hai lễ Nguyên đán và Đoan dương mỗi năm chi tiền hơn 48 quan. Gia Định và Bắc Thành, lễ duyệt binh đầu năm đều được chi tiền 100 quan; ở Hành cung ba lễ Nguyên đán, Vạn thọ, Đoan dương, mỗi lễ mỗi thành đều chi tiền hơn 125 quan, các dinh trấn thì chi tiền hơn 71 quan.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), quy định các địa phương ở ngoài Kinh, vào dịp 3 tiết lớn là Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương, các tờ mừng, biểu mừng chỉ ghi chức hàm, bỏ dùng ấn quan phòng và ấn triện.

Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), quy định thêm về các tiết lễ hằng năm. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Nay chuẩn định, các tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương.

Đến năm Tự Đức thứ 13 (1860), vào tiết Đoan dương quy định đổi đặt lại nghi vệ thường triều. Lệ trước, tiết Đông dương đặt đại triều chúc mừng, ngày Đông chí đặt thường triều. Nay, đổi tiết Đoan dương làm thường triều, tiết Đông chí làm đại triều hạ. Đồng thời, quy định vào ngày tiết Đoan dương sáng sớm vua đến cung Gia Thọ làm lễ. Lễ xong, vua ngự điện, đặt lễ thường triều, đình việc các quan trong ngoài dâng biểu mừng và ban yến".

Quy định về việc ban yến và phẩm vật

Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), vào tiết Đoan dương. Trước một ngày cho các quan văn võ từ Tam phẩm trở lên ăn yến ở điện Cần Chánh, các ủy viên địa phương, cùng quan Tứ phẩm trở xuống ăn yến ở Triều đường bên hữu.

Đến năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), vào tiết Đoan dương, nếu có tuyên chỉ cho ăn yến và ban thưởng, thì làm thêm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc “Di bình” mà không bắn súng.

Quy định ban yến có sự thay đổi vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), lệ cũ cho biết: Tiết Đoan dương, lễ cày tịch điền, ban yến, văn từ thự lang trung, võ từ thự phó vệ úy trở lên được dự. Còn như thuộc viên ở Nội các đều được dự một loạt. Nay được đổi lại: các lễ tiết đều chiếu lệ trước, theo phẩm mà dự. Còn như các thuộc viên ở Nội các, viện Cơ mật và thự viên ngoại lang thuộc bộ, khoa đạo, thự hàm thuộc viện Đô sát, đối với lễ tiết nào mà nguyên phẩm chưa đáng dự đều không được dự.

Năm Minh Mệnh thứ 20 (1830), vào ngày tiết Đoan dương, các Khoa đạo, Viên ngoại lang Hàn lâm viện Thị độc đều được dự yến thưởng. Quy định này đặt thành lệ về sau để thực hiện.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vào dịp tiết Đoan dương, sau khi làm lễ xong, vua ngự điện Thái Hòa nhận lễ mừng; ban yến cho hoàng tử, hoàng thân và các quan văn võ ở điện Cần Chánh, thưởng cho quạt, khăn tay và trà quả.

13e3f1be4736e768be27.jpg

Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845),vào tiết Đoan dương, ban yến cho đình hầu. Theo lệ trước đây, hữu ty theo lệ làm danh sách, đình hầu vì phẩm kém không được dự. Nay, vua cho đình hầu là người thân của dòng dõi nước Phiên dự để thể hiện ân đức.

Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), vào tiết Đoan dương, ngoài hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân, văn từ chánh ngũ phẩm, võ từ chánh tứ phẩm trở lên thì con các thân phiên công đã phong đình hầu cùng là văn tòng ngũ phẩm, võ tòng tứ phẩm, cùng các viên được điểm vào chầu và các viên giải nộp vật hạng, hoặc diễn tập ở kinh đều được dự và được ban yến.

Năm Tự Đức thứ 10 (1857), vào tiết Đoan dương, ban yến cho các quan văn, võ (văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên) và thưởng cho quạt, khăn tay, chè, quả, theo thứ bậc khác nhau. Quy định từ nay trở thành lệ để thực hiện.

Quy định về phóng ống lệnh và treo cờ

Năm Gia Long thứ 17 (1818), định lệ bắn ống lệnh trong các lễ tự hưởng và triều hạ. Về 3 tiết lớn Chính đán, Đoan dương, Vạn thọ, khi vua ngự điện và lên ngai thì bắn 9 tiếng. Đến Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), định lệ phóng ống lệnh khi vua ngự giá ra vào. Các tiết lớn Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương, Ban sóc và ngày đại xá đàm ân vua ngự điện để nhận lễ mừng, thì cảnh môn phóng ống lệnh 9 tiếng....

Về lệ treo cờ, năm Minh Mạng thứ 4 (1823) có quy định: đài Điện Hải, pháo đài Định Hải thuộc Quảng Nam là nơi bể biển, cần phải nghiêm túc thực hiện. Cho đem 3 lá cờ vàng cấp phát cho viên ở Điện Hải và Định Hải. Đến các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương… đều theo lệ treo cờ.

Về định lệ treo cờ ở các kỳ đài, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), hằng năm ở kinh, gặp bốn tiết lớn là Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương, cùng ngày mồng một, ngày rằm lúc đại giá ra vào, treo cờ lớn bằng trừu lông sắc vàng; ngày thường thì treo cờ nhỏ bằng vải vàng. Nếu gặp ngày mưa gió to cùng ngày kỵ thì miễn treo. Các thành dinh trấn đạo phủ huyện, các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải, gặp bốn tiết lớn cùng khi xa giá đi tuần đến, treo cờ lớn bằng trừu nam sắc vàng; ngày mồng một, ngày rằm, ngày thường đều treo cờ nhỏ vải vàng. Cờ dài rộng đều có thứ bậc khác nhau. Các hạng cờ ở ngoài Kinh thì cờ lớn 3 năm một lần thay, cờ nhỏ về ngày sóc vọng mỗi năm một lần thay, cờ nhỏ ngày thường mỗi tháng một lần thay.

Đối với lệ treo lồng đèn, trước đây thực hiện theo lệ định, đến năm Minh Mệnh năm thứ 15 (1834), bỏ lệ có treo đèn lồng vào các tiết Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương... ở trước sân cung điện và trước Ngọ môn.

Đặc biệt, vào năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), vào tiết Đoan dương bộ thần dâng tấu đến việc làm lễ chúc mừng nhưng vua vì đang có tang nên chỉ dụ không nên bày vẽ cho thêm rườm rà. Đồng thời chỉ dụ năm nay, vào ngày tiết Đoan dương và một ngày trước chính nhật tiết Vạn thọ, ở trên kỳ đài trong Kinh đều treo cờ vàng, các quan viên lớn nhỏ chầu hầu, ở bên ngoài, từ các quan địa phương đến các thuộc viên văn võ làm việc ở công đường đều mặc cát phục. Còn như việc dâng biểu mừng, bắn súng mừng và việc các quan địa phương ở ngoài đứng chầu thì bãi bỏ.

Quy định về lễ dâng bạc và phẩm vật

Năm Gia Long thứ 7 (1808), hằng năm, trong các lễ Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương... định lệ dâng bạc như sau: trên hàng nhất phẩm, mỗi người 5 lạng, chánh nhất phẩm 4 lạng, tòng nhất phẩm 3 lạng 5 tiền, chánh nhị phẩm 3 lạng, tòng nhị phẩm 2 lạng 5 tiền, chánh tam phẩm 2 lạng, tòng tam phẩm 1 lạng 5 tiền, chánh tứ phẩm 1 lạng, tòng tứ phẩm 9 tiền 5 phân....

20fcc305748dd4d38d9c.jpg
Bánh ú tro, thứ bánh thuòng được người Hội An dân cúng trong Tết Đoan ngọ

Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), lệ dâng bạc có sự thay đổi vào dịp tiết Đoan dương. Ở kinh thì chia theo thứ bậc như lễ mừng hoàng thái hậu 100 lạng, lễ mừng vua 100 lạng, lễ mừng hoàng hậu 100 lạng, lễ mừng hoàng tử 90 lạng. Ở ngoài thì cho dâng theo sản vật địa phương, làm biểu và ủy người đệ tiến, mà miễn lễ bạc... Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) thì lệ này được bãi bỏ.

Đối với việc dâng vật phẩm, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), định lệ dâng các thứ hương về các lễ tiết tế hưởng. Về năm lễ hưởng ở Thái miếu, lễ tiết Chính đán và Đoan dương thì mỗi lễ trầm hương 1 cân, tốc hương 8 lạng, bạch đàn hương 1 cân 8 lạng. Năm lễ hưởng ở Thế miếu, lễ hai tiết Chính đán và Đoan dương thì mỗi lễ trầm hương, tốc hương đều 4 lạng, bạch đàn hương 8 lạng. Năm lễ hưởng ở Triệu miếu và Hưng miếu, lễ hai tiết Chính đán và Đoan dương thì mỗi lễ trầm hương, tốc hương đều 1 lạng, bạch đàn hương 2 lạng. Hai lễ kỵ ở điện Hoàng Nhân, lễ hai tiết Chính đán và Đoan dương thì mỗi lễ trầm hương, tốc hương đều 4 lạng, bạch đàn hương 8 lạng. Đều cắt từng mảnh, trộn lẫn cho đều, bỏ vào lư đồng và thú đồng để đốt.

Đến năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), vào tiết Đoan dương. Lệ trước, hằng năm cứ đến tiết này, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên hái tiến xoài tượng, đi theo đường bộ đem dâng vào Kinh. Nay, do đường xa di chuyển vất vả, khó khăn, nên vua chuẩn cho đến kỳ tiến cúng, tỉnh Quảng Nam gần kinh kỳ vẫn theo lệ cũ, còn Bình Định và Phú Yên thì cho đi đường thủy để đỡ sức người.

Vào năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), có quy định, phàm hàng năm gặp lễ tế hưởng, nếu có quả chanh chín sớm, tỉnh Quảng Nam chọn mua, còn các lễ tiết Đoan dương, tiết Vạn thọ, ngày giỗ điện Hiếu tư, vẫn chiểu lệ tỉnh Phú Yên, mỗi tiết đều 600 quả, đúng kỳ đem về dâng vào Kinh.

Đến năm Thành Thái thứ 1 (1889), vào các tiết lễ Đoan dương, Tam nguyên (Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên), Trùng dương, Thất tịch, Đông chí thì dâng cúng đầy đủ vàng bạc, hương đèn, trầm trà, trầu rượu, quả phẩm.

Quy định về trang phục

Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), quy định những mệnh phụ các quan văn võ từ Tam phẩm trở lên đều chiếu phẩm mà tự chế triều phục, gặp ba tiết lớn Thánh thọ, Nguyên đán, Đoan dương ở cung Từ Thọ thì đều theo ban làm lễ ở nội đình quy định.

bb834679f1f151af08e0.jpg
Lá mồng năm được bán nhiều ở chợ dịp Tết Đoan ngọ

Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), khi vua có đi chơi, gặp ngày giỗ ở các miếu, vào các tiết Chính đán, Đoan dương... Cẩm y và Hộ vệ đi hộ giá cấm mặc sắc đỏ sắc tía.

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vào ngày tiết Đoan dương, vua quan đến cung Từ Thọ làm lễ Khánh hạ. Lễ xong, vua về ngự điện Văn Minh, các hoàng tử, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc đồ mặc đẹp, đến sân điện chiêm bái. Do có quốc tang, trước một ngày và chính ngày tiết, các quan chức ở điện đình đều mặc áo khăn màu lam, màu đen để theo hầu.

Vào năm Tự Đức thứ 28 (1875), quy định về trang phục lễ khánh hạ tiết Đoan dương. Đến ngày này đặt thường triều ở điện Cần Chánh, văn ngũ phẩm, võ tứ phẩm và tôn tước tam phẩm trở lên, đều mặc áo có bố tử, đứng chờ ở trong cửa Thọ Chỉ, vua mặc áo đẹp qua Đại nội đến cung Gia Thọ, tuyên triệu hoàng thân, hoàng tử, văn võ, ấn quan, cùng là tôn tước tam phẩm trở lên và phò mã tiến vào. Văn ngũ phẩm, võ tứ phẩm và tôn tước tứ phẩm đều đứng hầu ở trước cửa Thọ Chỉ, vua đi trước làm lễ lạy mừng xong, trăm quan đều lạy.

Có thể thấy, vào dịp tiết Đoan dương (Đoan ngọ), các vua nhà Nguyễn đã có những quy định cụ thể về các lễ nghi, cách thức tổ chức, các phẩm vật, ban thưởng... Những quy định này đã được ghi chép thành điển lệ và được thực hành trong và ngoài kinh. Những quy định/điển lệ này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Đoan ngọ dưới triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO