Tết Đoan ngọ trong tôi

PHI KHANH 21/05/2014 10:37

(QNO) - Ở TP.Hồ Chí Minh, lễ cúng trong ngày Tết Đoan ngọ thường mâm cao cỗ đầy, nào heo quay, vịt quay, hoa quả đắt tiền, tôi lại nhớ về những cái Tết Đoan ngọ ở quê...

Mâm cúng trong ngày Tết Đoan ngọ của gia đình tôi ngày trước thường là “cây nhà lá vườn”. Trước đó một hôm, mẹ ra vườn “vỗ” mít. Trái nào nghe “bịch bịch”, tỏa mùi thơm là được hái vào. Mùa này mận cũng sum suê trái. Sáng mùng 5, ba hái rổ mận to, chọn trái lớn, còn cuống lá để trang trí đĩa trái cây thật đẹp. Nhà láng giềng có cây thanh trà, mùng 5 tháng 5 năm nào, mẹ tôi cũng được biếu một trái to, tròn để chưng bàn thờ. Mẹ còn nấu xôi, chè. Đặc biệt mâm cúng không bao giờ thiếu bánh ú tro.

Nhiều người chọn mua bánh ít trong dịp tết Mùng 5.
Nhiều người chọn mua bánh ít trong dịp tết Mùng 5.

Tôi từng sinh sống ở làng Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Làng tôi nổi tiếng với nghề làm bánh tro. Trước Tết Đoan ngọ, nhà nào cũng huy động thành viên trong gia đình lên núi hái lá đót về gói bánh. Dây gói bánh được lấy từ thân chuối. Tro làm bánh thường được lấy từ thân cây mè. Mẹ tôi cũng gói một ít để cúng trong ngày mùng 5. Nhà trồng đậu, trồng mè, nên có tro. Nếp tháng 3 vừa gặt, trong vườn lại sẵn lá vung, chị em tôi xúm vào phụ mẹ gói bánh. Đúng giờ ngọ, ba tôi chỉnh tề trong bộ đồ cúng, mẹ thư thả cùng các con hàn huyên đủ chuyện dưới nhà. Sau đó cả nhà quây quần bên mâm bánh trái, xôi chè. Trong không gian ấm cúng, mùi bánh tro thơm ngai ngái, có vị nồng của vôi ăn trầu, mùi của mít, của mận, của xôi chè quyện với khói hương phảng phất, ngọt ngào.

Bánh ít là món không thể thiếu trên mâm cúng Tết Đoan ngọ.
Bánh ít là món không thể thiếu trên mâm cúng Tết Đoan ngọ.

Năm 1994, sau Tết Đoan ngọ 2 ngày, ba vào TP.Hồ Chí Minh thăm các con. Biết chúng tôi thích bánh tro, ba mang vào cả trăm cái bánh mẹ tự làm. Ba cứ nghĩ “ở trỏng” chắc không có bánh tro, tôi cũng không biết cách đây 20 năm, chợ bà Hoa đã có bán bánh tro như bây giờ hay không. “Của một đồng, công một lượng”, rồi nghĩ về tình cảm ba mẹ dành cho các con bao giờ cũng nguyên vẹn, để mỗi Tết Đoan ngọ lại nhớ về ba mẹ, nhớ một thời gian khó nhưng ấm áp và tràn đầy tình yêu thương.

Bánh xéo, thịt vịt là món ăn truyền thống trong dịp này. Ảnh:internet
Bánh xèo, thịt vịt là món ăn truyền thống trong dịp này. Ảnh:internet

Vùng ngoại thành nơi tôi đang sống, người ta gói bánh tro để bán dịp Tết Đoan ngọ rất phổ biến. Cách một cây số là có nồi bánh tro rực lửa. Không khí gói bánh, nấu bánh, bán mua nhộn nhịp chẳng khác ở quê nhà. Qua tìm hiểu, tôi được biết người ta không dùng tro của các loại đậu, mè như ở quê để ngâm, mà dùng tro đã chế biến sẵn của Trung Quốc. Những ai “khuất con mắt” thì cứ vô tư dùng để đỡ nhớ quê, để thỏa cơn thèm. Chợt nhớ về bánh tro của mẹ, của bà con làng Hoán Mỹ không chỉ nguyên chất, “hiền lành” mà còn gói ghém biết bao nghĩa tình. Trước Tết Đoan ngọ một tháng, làng đã rộn ràng đặt cọc người lên núi hái lá, gói bánh, chuẩn bị củi lửa, xoong nồi, dây gói. Ai có việc gì cũng tạm gác lại, tập trung cho gói bánh mùng 5. Nhà nào gói nhiều thì kêu hơn 10 thợ gói. Mọi người quây quần bên cái nong to để giữa nhà, vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả.

Cái không khí ấy vẫn đong đầy trong ký ức mỗi khi nhớ về. Mâm cỗ ngày tết luôn là các món truyền thống với bánh xèo nhưn thịt vịt hoặc mì Quảng nhưn thịt gà của mẹ, để các con sau khi “no xôi chán chè”, lại xuống bếp mở vung...

PHI KHANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Đoan ngọ trong tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO