Từ Sài Gòn, cậu con trai tôi nhắn: “Con bắt đầu lên máy bay”. Cả nhà chúng tôi theo dõi chuyến bay của con qua app Flightrada từng phút một.
Chồng tôi bảo: “Cảm giác “nhìn” thấy chiếc máy bay con về nhà ăn tết giữa thiên la địa võng máy bay và chờ con ở cửa ra sân bay, lòng nôn nao, hồi hộp y như hồi xưa chờ đón con trước cổng trường mỗi ngày!”.
Tôi hiểu rằng, dù con khôn lớn bao nhiêu, trong lòng cha mẹ, bao giờ những đứa trẻ này vẫn luôn cần được chăm nom, vỗ về. Con tôi về tết, như về với tuổi thơ. Còn tôi, bất giác thấy lại hình ảnh mẹ ngay trong nỗi chờ mong của mình…
Những ngày con đi làm ăn xa, tôi hiểu sâu hơn nỗi lòng của mẹ. Nhất là những ngày giáp tết, khi mẹ trông anh chị về nhà. Tôi là con út, được ở nhà với cha mẹ khi các anh chị đã đi học, đi làm xa. Thế nên quãng thời gian chứng kiến những ngày mẹ tất bật vào ra, ngóng từng người con, luôn thường hằng trong tôi vào những ngày này.
Thường trước tết khoảng một tháng, các anh chị gửi thư hẹn ngày về. Cữ giữa tháng Chạp, dù chưa tới ngày hẹn, nhưng bụng dạ mẹ dường đã bồn chồn lắm rồi. Ngày trước tàu xe thiếu thốn, chật vật, thông tin liên lạc hầu như chỉ bằng thư từ qua lại, nên ở quê, mẹ chỉ biết ngóng trông.
Mỗi khi nghe tiếng xe máy (xe ôm) về tới cổng chào đầu làng, tay mẹ dừng việc, mắt hóng ra đường. Những chiếc xe máy chở người từ bến xe chạy ngang qua cổng nhà và rồi chạy luôn.
Tôi thấy mắt mẹ như có bóng mây. Rồi mẹ nhanh chóng quay vào vườn trong, vừa làm vừa chờ đợi. Tay thì làm đó, nhưng tôi biết, mẹ vẫn dỏng tai để nghe và chờ những chuyến xe tiếp theo…
Tết tới bao nhiêu việc phải lo, phải làm, tính toán bao nhiêu khoản phải chi cho gia đình đông con, nhưng mẹ luôn bấm đốt ngón tay mong tới tết từng ngày. Bởi chỉ có dịp tết, gia đình tôi mới đoàn tụ đầy đủ. Khoảng trống mênh mông trong những ngày xa cách được lấp đầy khi gia đình đoàn viên ngày tết.
Lúc anh chị tôi bước vào nhà, thể nào mẹ cũng ôm chầm và rờ rẫm khắp người, xem con cái mình đã thay đổi thế nào sau một năm học tập, làm việc ở phương xa. Mẹ cứ không ngớt hỏi cặn kẽ từng chuyện một, từ chuyến xe về nhà đến bữa ăn trên đường của con... Cả gian nhà như rộn lên bởi tiếng nói cười, bởi cơ man chuyện kể của người vừa ở xa về.
Tôi hình dung bữa cơm tối lúc con trai lớn của mình vừa tới nhà, cũng sẽ rộn ràng ti tỉ chuyện như chính gia đình lúc tôi còn ở với mẹ. Mong ước sự đoàn viên ngày tết, có lẽ bởi chính không khí tình thân này. Tết, là cái cớ chính đáng nhất... để trở về.
Con trai tôi năm ngoái, trong bữa cơm sum họp đầu tiên với gia đình sau một năm xa nhà, nói: “Lâu ngày, được nói, được nghe toàn giọng Quảng rin, được ăn mấy món ăn đúng chuẩn Quảng, “đã” thiệt!”.