Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy Khu 5 về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Huyện ủy Quế Sơn chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện và xã phối hợp với bộ đội tỉnh và Sư đoàn 2 Quân khu 5 đồng loạt nổ súng tấn công diệt địch ở quận lỵ Quế Sơn và các chốt điểm khác ngay trong đêm 29 rạng ngày 30/1/1968, hỗ trợ cho lực lượng đấu tranh chính trị nổi dậy cướp chính quyền.
1. Để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân, ở huyện Quế Sơn lúc bây giờ hình thành 4 mũi tiến công.
Mũi thứ nhất gồm các xã Phú Phong, Phú Hương, Phú Hiệp với 400 người, do chị Nguyễn Thị Giáp - Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Phú Phong làm mũi trưởng.
Mũi thứ hai gồm các xã Sơn Phúc, Sơn Thọ, Sơn Ninh, Sơn Lợi, Trung Phước có 500 người, do chị Lê Thị Kim - Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện làm mũi trưởng.
Mũi thứ ba gồm các xã Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Tân, Sơn An, Sơn Hòa, Sơn Thắng có 700 người, do chị Trần Thị Tân - Huyện ủy viên dự khuyết, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Sơn Bình làm mũi trưởng.
Mũi thứ tư gồm các xã Sơn Long, Sơn Khánh, Sơn Thạch, Sơn Lãnh, Sơn Thành, Sơn Châu, Sơn Trung, Sơn Thượng, Phú Thọ, Phú Diên, Phú Thạnh có 12 nghìn người tham gia, do chị Nguyễn Thị Lũy - Huyện ủy viên, Phó ban Đấu tranh chính trị huyện làm mũi trưởng.
Cơ cấu ban chỉ huy các mũi còn có các bí thư chi bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng xã, lãnh đạo mặt trận, đoàn thể huyện. Lực lượng quần chúng tham gia gồm các tầng lớp nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và lực lượng du kích trên từng địa bàn xã.
Trước khí thế hừng hực, từng đoàn người nối theo nhau, vượt ngày xuyên đêm. Đúng rạng sáng 30/1/1968, tức mùng Hai Tết Mậu Thân, mũi thứ nhất có mặt tại quận lỵ Thăng Bình, mũi thứ hai có mặt tại cứ điểm Nông Sơn để hỗ trợ nhân dân nơi đây nổi dậy cướp chính quyền. Mũi thứ ba và thứ tư hướng thẳng về quận lỵ Quế Sơn.
Khoảng 6 giờ sáng, mũi thứ tư đã có mặt trước cổng quận lỵ Quế Sơn, dương cao cờ và biểu ngữ, hô to khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước Nguyễn Văn Thiệu”...
Nhìn thấy đoàn người như thác lũ tràn vào, từ trong trung tâm quận lỵ, bọn địch hốt hoảng, dùng các loại súng bắn xối xả, làm cho nhiều người chết và bị thương. Trong tình huống bất ngờ và bị động, mọi người được lệnh nằm xuống để giảm bớt thương vong.
Khi những tiếng súng ngưng nổ, bọn địch từ trong quận lỵ tràn ra nhận diện, rồi bắt đi một số người mà chúng nghi là những cán bộ nòng cốt của phong trào, đưa vào trong sân quận tra tấn, khai thác thông tin.
2. Chị Trần Thị Thanh Hải - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy và anh Trần Hồng Lợi - nguyên Huyện ủy viên Hiệp Đức, lúc bấy giờ là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh cùng đi đầu trong mũi tiến công thứ ba kể lại, cũng vào khoảng 6 giờ sáng hôm đó, đoàn người của mũi thứ ba vừa đến đầu cầu sông Con, hô to khẩu hiệu, thì từ trong chốt điểm đồi Cây Cốc bọn địch dùng các loại súng bắn xối xả vào đoàn người. Chị Trần Thị Thanh Hải bị một đầu đạn xé toạc bàn chân trái, anh Trần Hồng Lợi bị một mũi đạn xuyên qua vành tai sát mép thái dương bên trái.
Khi những loạt đạn đầu ngưng nổ, tay chỉ huy quân ngụy hô lớn: “Tất cả người còn sống hãy đứng lên!”. Nhiều người vừa lom khom đứng dậy, rồi có người hô to “yêu cầu các anh không được bắn vào dân nữa”, lập tức bọn chúng lại nổ súng lần thứ hai, gây thiệt hại hết sức nặng nề cho ta.
Một đầu đạn M79 nổ ngay bên cạnh, làm cho anh Trần Hồng Lợi bị thêm 2 vết thương nữa ở sau sọ và toác đầu gối chân trái; một đầu đạn M79 khác nổ ngay cạnh chị Trần Thị Thanh Hải, làm cho chị bị thêm nhiều vết thương nữa, máu loang lổ khắp người.
Khi những tiếng súng của trận thứ hai ngưng nổ, bọn chúng tràn sang, kéo lên từng người một, những người chúng nghi là cán bộ, du kích, hoặc những người nòng cốt của phong trào thì bị chúng đưa vào trong chốt điểm tra tấn, tiếp tục khai thác thông tin.
Chị Nguyễn Thị Lũy - nguyên Huyện ủy viên, nguyên Phó ban Đấu tranh chính trị huyện Quế Sơn cho biết, do không tiếp nhận được thông tin chung về sự thay đổi thời gian của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, dẫn đến sai lệch trong hợp đồng tác chiến giữa lực lượng chính trị và quân sự, bộ máy của ngụy quân, ngụy quyền tại quận lỵ Quế Sơn chưa bị tiêu diệt, nên khi lực lượng quần chúng tiến vào, bọn chúng đã phản ứng quết liệt, gây cho ta tổn thất nặng nề, để lại một bài học đau buồn.
Tuy nhiên, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại quận lỵ Quế Sơn đã góp phần cùng quân dân cả nước làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị lung lay tận gốc, chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu hoang mang tột độ, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Được biết, huyện Quế Sơn đã có chủ trương kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ kinh phí để xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại cầu Sông Con, ghi danh, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công này.