Tết Mậu Thân, tôi không được đi phía trước

PHẠM THÔNG 13/02/2014 08:35

Vài ngày nữa đến Tết Mậu Thân (năm 1968), từ cơ quan tiền phương, thủ trưởng Hà phân công tôi về lại cơ quan cũ. Ông dặn: “Cháu xác định với anh em bộ phận sản xuất là phải tìm đất cho mùa rẫy mới. Cứ yên tâm mà trụ trên đó, kháng chiến còn lâu dài, đừng nôn nóng”.

Tôi lên đường với những thắc mắc: Sao thủ trưởng lại nói vậy giữa lúc đang khí thế chuẩn bị tổng tấn công. Khu ủy, Ban Tuyên huấn và cả cái nhà in của chúng tôi cũng từ Trà My đã dời ra vùng rừng núi Quảng Đà để gần Đà Nẵng. Lời ông dặn thật lạ.

Một mình cuốc bộ, từ khu rừng ở đông Giằng - tây Đại Lộc đến Nước Oa, Trà My mất 3 ngày. Đến chân dốc Đá Bàn, từ đầu nguồn Nước Oa băng qua con dốc là đến nóc Ông Dôn, trên bờ Nước Vin. Nói nghe dễ ợt nhưng xa lắm. Tại đây, tôi gặp mấy anh bộ đội người Bắc hỏi: “Tại sao đồng chí lại đi ngược lên? Mình đã đánh chiếm Huế, Tam Kỳ rồi”. Tôi ngớ người, hỏi: “Thật không!”. Người đi lên kẻ đi xuống gấp gáp, chẳng hỏi được gì hơn. Đã 4 giờ chiều, trong niềm vui tràn đầy, tôi cố vượt dốc về cơ quan cũ, ở đó có đài, nghe tin chiến thắng cho sướng cái lỗ tai. Tôi đi thật nhanh. Lên tới đỉnh dốc, trời sắp sập tối. Đã ở rừng hơn 3 năm, nhưng một mình  trên đỉnh núi cao âm u, lạnh buốt, tôi vẫn thấy rợn người. Có gạo, có lương khô, nhưng mùa đông củi rừng ướt hết, không nấu cơm được. Có lon sữa mua ở chợ Phú Thuận - Lộc Thành hôm trước, tôi lấy dao găm đục uống sữa sống, rồi treo võng ngủ.

Ở cái tuổi 17, đi đường mệt rã người, buồn ngủ quá. Giữa đêm mùng một Tết Mậu Thân, tôi đánh một giấc từ tối đến sáng. Trong giấc ngủ say thì có biết chi là cô đơn. Sáng ra, nhảy xuống đất, bu lên cây tháo võng, tháo tăng, tôi lại lên đường.

Về tới cơ quan cũ đóng gần nóc Ông Xa, nóc Ông Ngơn - xã Giáp đã 2 giờ chiều mùng 2 tết, gặp anh An, chị Hải người Sơn Tịnh, chị Hậu người Bình Dương, Thăng Bình và một vài người khác nữa... Các anh chị nghe đài, biết hết tin tức, còn tôi đi giữa rừng như người bị điếc, mù tịt. May đâu, chiều hôm qua gặp mấy anh bộ đội nên cũng nghe được vài tin nóng hổi. Ngẫm nghĩ, phỉnh mấy người này chơi, tôi dựng đứng câu chuyện: “Các anh chị nghe tôi phổ biến tình hình: Thủ trưởng báo các anh chị chuẩn bị sắp xếp ba lô tư trang gọn nhẹ về đồng bằng. Ở dưới đó ta đã chiếm được một số đô thị quan trọng rồi. Ngày toàn thắng sắp đến nơi...”.

Cả bốn năm người nhảy cẫng lên mừng vui: “Đài hôm qua đến nay cũng tưng bừng báo tin như thế! Như thế!...”. Anh An phụ trách sản xuất bảo chị Hải ra cho heo ăn, lựa những con to nhất ra hiệu cho anh em xúm bắt, mổ thịt mang về cơ quan ở ngoài Quảng Đà. Tôi nghe hơi chợn người, vội can ngăn: “Chú Hà dặn, không được phá của trước khi xuống núi, có chi thì cho đồng bào dân tộc các nóc xung quanh. Ai làm không đúng sẽ bị kỷ luật”. Nhưng anh An cũng lựa một con heo to nhất, khoảng “một thước mấy nắm” mổ thịt.

Tối hôm đó, mọi người cấp tốc giã nếp. Lá dong đã chuẩn bị sẵn từ chiều, ống cây dang cũng đã có sẵn. Người chẻ lạt, người vuốt nếp, người chùi lá gói bánh chưng, mở đài cả đêm nghe, thức nấu. Củi rừng sẵn, đun thiệt già lửa. Cơ quan có nhiều người từ miền Bắc vào nên ở đồng bằng lên như bọn tôi cũng biết gói bánh chưng. Nhưng bánh chưng đâu như bánh tét, chụm quá lửa thịt heo làm nhưn chảy mỡ thấm ra ngoài lá, thịt nạc cũng “thau” hết. Sáng ra cắt thử bánh, chẳng thấy thịt đâu cả, lát bánh béo ngậy.

Mọi người hoàn toàn không nghi ngờ gì lời của tôi, vì quá có lý. Đêm đó tôi nghĩ buồn cười và lo lo, không biết sáng mai nói trở lại như thế nào đây. Nhưng đã lỡ trớn phỉnh chơi rồi thì ráng để cho họ mừng thiệt lâu. Và biết đâu sáng mai có tin hỏa tốc đến như thế thì hóa ra mình là người “đi trước một bước”. Nhưng rồi cũng phải “bật mí” thôi. Vừa cười, vừa sợ mọi người phản ứng, tôi phân trần, rồi nghiêm túc truyền nguyên lời thủ trưởng Hà dặn. Nói xong tôi nhẹ như nhổ cây gai ra khỏi người. Anh An tức nghẹn, mấy chị thì rưng rưng giọng Quảng Ngãi: “Thông ơi, mày phỉnh gì mà ác thế, làm bọn tao náo nức cả đêm. Hèn chi, cái mặt thằng quỷ cứ tỉnh bơ mà tụi tao không biết. Khiêng ổng ra suối dìm nước lạnh cho biết tay”.

Anh An rồi cũng bình tĩnh, dí dỏm nói: “Thôi, hắn cho tụi mình ăn bánh vẽ cũng được đi. Kháng chiến mà, ai không mong ngày chiến thắng. Cái phút giây mừng đứng tim đã qua. Bây giờ mình ăn bánh chưng thiệt đi. Mà cái thằng khỉ này, mày có muốn ăn thịt heo thì nói quách đi. Ở đây, tụi tau cũng thèm lắm mà không có lý do mổ thịt. Dù sao tụi tao cũng cho mày là phải. Mầy phỉnh, nhưng tụi tao lại được ăn tết rôm rả hơn một tí. Tất cả nghe tôi dặn, đừng để lộ cái tin thằng Thông phỉnh tụi mình. Ông Hà mà biết, trị nó thì tội nghiệp. Thằng Thông có thấy tụi tao khoan dung không. Vì mày đã đi bốn ngày đường đến đây để truyền đạt ý của thủ trưởng, thế là cũng có công. Coi như không có chuyện gì xảy ra nhé. Cho bánh, thịt muối, nếp vào gùi để nó mang về ngoài đó. Thiệt nhiều cho ổng phải mang nặng năm sáu ngày đường. Đó cũng là hình thức phạt mày đó Thông nghe”.

Tôi mừng, mang gùi, leo dốc lội suối về lại Quảng Đà. Những ngày sau Tết Mậu Thân, đi đường thấy bộ đội thưa thớt hơn trước nhiều. Tết Mậu Thân, tôi không được đi phía trước nên hoàn toàn không biết anh em mình hy sinh rất nhiều dưới Tam Kỳ, Đà Nẵng... trong đêm tổng tiến công. Chiến tranh có rất nhiều điều phải bí mật. Những người lính như tôi không nên biết về tin ta thiệt hại, ảnh hưởng tinh thần. Chúng tôi chỉ cảm nhận được rằng, từ Mậu Thân đến cuối năm 1971, tình hình chiến sự ở Quảng Nam rất ác liệt, khó khăn.

Bây giờ chúng tôi thường tổ chức gặp mặt những người đồng đội cũ một thời công tác tại Ban Tuyên huấn khu 5. Gặp lại anh An, chị Hải, chị Hậu, các anh chị thường đập vai tôi: “Cái thằng cha này nghịch ác từ hồi còn nhỏ. Hèn chi bây giờ còn lắm chuyện... chiến tranh”.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Mậu Thân, tôi không được đi phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO