Tết Mùa vùng núi lở

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG - THANH VIỆT 20/01/2018 10:48

Đi qua những tang thương, mất mát, rồi người cũng tạm quên những chiêng ché đã bị vùi sâu dưới bùn đất. Chỉ cần có bếp lửa cùng men rượu nồng đượm, là đồng bào Ca Dong, Co ở vùng núi lở lại chung vui một cái Tết Mùa...

Chỉ cần có bếp lửa, rượu cần là đủ để ăn Tết Mùa trong lúc gian khó.Ảnh: DƯƠNG VIỆT
Chỉ cần có bếp lửa, rượu cần là đủ để ăn Tết Mùa trong lúc gian khó.Ảnh: DƯƠNG VIỆT

Xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My những ngày lở núi, dân phải chạy tứ tán. Bốn bề núi đổ ầm ào. Ngôi làng từ đời ông cha gầy dựng bỗng chốc trở thành bình địa. Dưới chân họ, đất cựa mình phát ra những tiếng nổ lớn. Rung lắc. Rồi mọi người chỉ biết chạy. Rồi dựng lều ở tạm. Nhiều nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã hướng về họ, có những món quà hỗ trợ họ qua cơn bĩ cực. Tỉnh, huyện cũng đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để họ nhanh chóng có cuộc sống mới. Và vượt qua nỗi buồn, Tết Mùa năm nay đã đến với dân làng.

1.Trong cái rét căm căm của những ngày cuối năm, chúng tôi men theo con đường đầy bùn đất vừa mới được gạt tạm để tìm vào xã Trà Bui. Gió tứ bề khiến cho đôi tay lạnh buốt, tê cứng. Ghé nhà già Hồ Văn Giàng (80 tuổi, thôn 5 xã Trà Bui) vào giữa trưa, cũng là lúc những thành viên trong gia đình vừa xong bữa cơm. Thấy khách, già kéo vai ngồi xuống chiếc chiếu ở góc nhà rồi ra hiệu cho những đứa con gái đi lấy món mời khách: “Hôm nay là tết nhỏ, vừa ăn xong. Uống với già chén rượu”. Hai cái đùi gà cùng với ca rượu cần vừa ủ trịnh trọng bày ra, cũng là lúc giọng già Giàng trải đều như hoa lau nở đầy bên bờ suối. “Mấy năm, vào thời điểm này Tết Mùa của người đồng bào mình rộn ràng khắp núi. Tết Mùa gồm tết lớn và tết nhỏ. Tết lớn là lúc mới bắt đầu, kéo dài bao nhiêu lâu là tùy điều kiện của mỗi gia đình. Tết nhỏ thì giống như bữa cơm tạ thần linh cho mùa màng bội thu, rồi bắt đầu vào vụ mới. Như cách cúng tạ ông bà sau 3 ngày tết của người xuôi vậy” - già Giàng giải thích.

Nhiều người dân vẫn phải đón tết ở trong những ngôi nhà tạm. Ảnh: DƯƠNG VIỆT
Nhiều người dân vẫn phải đón tết ở trong những ngôi nhà tạm. Ảnh: DƯƠNG VIỆT

Cách đây chừng hơn tháng, nơi đây trở thành nỗi ám ảnh khi hàng tấn đất đá bất ngờ đổ ập xuống vùi lấp gần 10 ngôi nhà. Dân ở quanh vùng chạy tứ tán, không còn dám về nhà cũ để ở, bởi ngọn núi sau lưng có thể đổ ập bất cứ khi nào. Ngôi nhà của già Giàng được dựng tạm để làm nơi trú tạm của cả 3 gia đình, trong đó có hai người con gái của già cũng vừa bị mất nhà do bị núi vùi. Như để giải thích thêm, anh Hồ Văn Biên - Trưởng Công an xã Trà Bui cho biết, vì là già làng của thôn nên bắt buộc phải tổ chức Tết Mùa. “Chỉ khi nào già làng tổ chức Tết Mùa thì những người còn lại mới làm tiếp. Nên dù là nhà tạm, chỉ cần bếp lửa, con gà và ít rượu cũng thành một cái Tết Mùa ấm cúng. Cũng như Tết Nguyên đán của người dưới xuôi vậy, mỗi năm đồng bào Ca Dong, Co có một cái Tết Mùa, dù khó khăn thế nào đi nữa”.

Men rượu cần vừa đủ nồng ở mũi, ngọt sâu ở cổ họng và đủ để kéo câu chuyện về những năm trước - khi chưa có hiện tượng sạt núi diễn ra. Hơn 80 năm sống từ bên kia sông rồi chuyển về đây lập làng, già Giàng chưa lần nào chứng kiến sự nổi giận của thiên nhiên khủng khiếp đến vậy. Núi đổ xuống, vùi lấp hết con trâu, con heo dành cho Tết Mùa. Chỉ cứu được chút ít lúa trong kho. May mắn hơn những ngôi nhà khác bị vùi lấp hoàn toàn, già còn giữ được những chiêng, cồng để Tết Mùa đám thanh niên nhảy bên đống lửa, để còn thấy được hơi ấm của văn hóa truyền thống giúp mọi người thêm nguồn động lực mà vượt qua khó khăn. “Thời điểm này những năm trước, khắp thôn xóm đều rộn tiếng cồng chiêng. Tiếng í ới gọi nhau. Men rượu say nồng. Giờ thì vắng. Nhưng phải cố làm cho đúng nghi thức. Khách mời cũng chỉ vài người trong xóm chứ chẳng dám mời nhiều” - giọng bà Hồ Thị Rang (68 tuổi, vợ già Giàng) trượt dài.

2.Chúng tôi tìm về nơi những người có nhà bị vùi lấp hoàn toàn trong đợt mưa lũ vừa rồi. Tàn tích của trận lở núi vẫn còn đó. Hoang tàn. Những tấm gỗ còn sót lại từ ngôi nhà cũ được dựng lên, che chắn bởi những miếng tôn được hỗ trợ thành nơi ở tạm. Bếp nguội ngắt. Tiếp chúng tôi là chị Hồ Thị Thúy, người phải chạy từ thôn 2 sang thôn 5 để tránh lở núi. Ngôi nhà tạm được dựng trên nền đất của người dân ở đó, chờ đến ngày được bố trí đất mới để dựng nhà. “May là núi chưa đè nhà, nên còn đem theo được ít đồ đạc, lúa rẫy. Ít ngày nữa cũng phải ăn Tết Mùa, có cái để ủ rượu cần” - Thúy nói. “Thế có định cúng chi không? Mất nhà, tiền mô làm?” - tôi hỏi. “Có chứ, rồi cũng phải làm con gà để mời khách. Cũng là cúng tạ thần linh mong phù hộ cho gia đình, cho làng, để mùa tới được an cư. Lúa rẫy còn, tiền thì đã được hỗ trợ một ít. Chỉ là không mời rộng rãi như những mùa trước thôi” - Thúy giải thích.

Từ trung tâm xã Trà Bui xuôi xuống chừng 10km thì đến nơi có hơn 70 hộ dân phải di dời từ thôn 9 qua thôn 7, thôn 8 để tạm lánh. Đến nay họ vẫn không về được nhà vì sợ núi đè. Số thì dựng lều ở tạm, số thì đã tản mát vào những nhà người quen để ở tạm. Ở thôn này, người ta đang chuẩn bị các lễ nghi cho Tết Mùa. Thấy khách, họ mừng như thể là người quen. Kéo vội vào nhà rồi uống chung chén rượu. Anh Hồ Văn Cường (29 tuổi, thôn 8 xã Trà Bui) ngậm ngùi: “Mùa này thì ai tới nhà đều là khách quý. Lệ thế rồi. Uống với nhau chén rượu đã là bạn. Biết sao được, biến cố này không ai ngờ tới, cũng chia sẻ với đồng bào mình bằng cách chia sẻ đất ở, mời họ cùng vui với gia đình trong ngày tết. Rồi cũng mong, gia đình mình được yên ổn, không gặp chuyện tương tự như vậy”.

Ở quanh đó là những hộ dân từ thôn 9 phải chạy qua đây để lánh tạm, rồi ở chờ đến ngày có nơi ở mới. Già Hồ Văn Dinh (80 tuổi) là già làng nóc Ông Dinh chạy qua đây tạm lánh. Giờ, thời điểm Tết Mùa đã đến nhưng già chẳng biết khi nào thì mới tổ chức được. Giọng già buồn rười rượi: “Đồng bào mình, Tết Mùa là phải tổ chức ở nhà mình, dù là nhà tạm. Nhưng giờ ở tạm nhà con cháu, không làm được”. Ở phía xa, tiếng cồng chiêng dập dồn như thôi thúc lửa lòng của già Dinh vậy. Ông lấy ống điếu, vê viên thuốc tròn, to rồi nhả khói. Đôi mắt nhìn về phía bên kia sông, nơi nhà cũ.

3. Không phải là xã, huyện hay tỉnh không quan tâm hỗ trợ cho người dân sớm có nhà cửa, ổn định đời sống, mà bởi vì chưa thể tìm ra được địa bàn thích hợp. “Đó là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu với mong muốn giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra những địa điểm cụ thể nhưng vẫn chưa thống nhất được. Lần trước, mọi người đã đồng ý rồi, nhưng phút cuối lại thay đổi ý định nên rất khó. Mình dời làng, còn phải theo nguyện vọng của người dân chứ không phải muốn làm, áp đặt là được. Nên hiện nay, anh em vẫn đang cố tìm và vận động bà con về ở những nơi thích hợp nhất” - ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui trần tình.

Chuyện tái định cư một lúc cho hàng trăm hộ dân không đơn giản, đặc biệt là đối với xã Trà Bui có địa hình phức tạp: trước mặt là sông, sau lưng là núi. Lần di dân quy mô lớn này được xem như nhiệm vụ tối quan trọng, làm quyết liệt một lần để ổn định về lâu dài sau này. “Chính vì thế nên phải xem xét thật kỹ, được sự đồng thuận của người dân. Không thể vội vàng, hôm nay dựng nhà đó, mai không hợp lại phải dời đi chỗ khác. Kinh phí một phần, còn thêm cả chuyện sắp xếp khu dân cư sao cho an toàn, hợp lý. Đất sản xuất ra sao, có thuận lợi cho bà con hay không, cũng là cả vấn đề. Nhưng nói gì thì nói, chúng tôi phải cố gắng để người dân sớm dựng được nhà, ổn định đời sống. Những người nào đồng ý với cách sắp xếp của chính quyền thì lập tức huy động lực lượng phụ giúp họ làm ngay. Đó là ưu tiên hàng đầu” - ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.

Chúng tôi rời Trà Bui khi trời bắt đầu mưa nặng hạt. Trong những ngôi nhà tạm, bếp lửa vẫn ấm.

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG - THANH VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Mùa vùng núi lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO