Tình cờ làm sao, mùng Một Tết năm nay sẽ đúng kỷ niệm mười năm ngày cưới của chúng tôi. Nếu chồng không nhắc, chắc là tôi cũng không để ý. Lời đề nghị: “Mấy mẹ con có muốn đi đâu đó…” của chồng làm tôi rưng rưng.
Tưởng đã lâu lắm rồi, cuộc sống ken đầy những bổn phận trách nhiệm, những ngày đi làm, tối phải thức cặm cụi làm thêm bên bàn máy tính đã làm cho cuộc hôn nhân mười năm trở nên già cỗi, buồn tẻ và đơn điệu. Ngỡ như ai đó quên mất những dịp đáng nhớ từng diễn ra trong đời, hóa ra không phải. Chồng ngỏ ý mua lại cho tôi chiếc nhẫn khác, thay cho nhẫn cưới đã bị thất lạc vào dịp tôi sinh con. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi hình như mất cả thói quen tặng quà cho nhau, mọi cái đều dành cho con, để cho con…
Mười năm! Tôi tạm biệt những đêm giao thừa trên căn gác gỗ nhà mình, cố thức chỉ để biết rằng, một năm nữa vừa sang, chợt thêm một tuổi. Những buổi sáng đầu năm dậy sớm, nằm lặng yên chờ ngày đến, lắng nghe tiếng bồ câu gù gù bên đầu hồi hông nhà. Dưới bếp, mẹ chắc hẳn đang nấu món miến gà kèm trứng non ăn sáng cho cả gia đình, năm nào cũng vậy. Hình dung ra nhà mình sạch như li như lau, mẹ đã thức khuya âm thầm lau dọn…
Mười năm! Những cái tết đầu tiên ở nhà chồng, bận rộn, vất vả bận rộn vừa đủ làm chùn bước bất kỳ một cô gái trẻ nào đang nhăm nhe “chui đầu vào rọ”. Rồi thì tay nghề nâng cao, tôi từ “thợ phụ” dần trở thành bếp chính, rồi độc lập làm chủ căn bếp nhỏ của riêng mình. Cuộc sống vốn chẳng phải dễ dàng gì với những người đi làm công nhân viên chức, đợi giáp kỳ lãnh lương, chạy… hóa đơn từng tháng. Tôi trở thành “gái hai con trông mờ con mắt”, phía trước xe gắn một con gấu kê đầu, trong cốp xe luôn thủ sẵn một sợi dây đai em bé. Đã biết con mình hảo món trái cây nào, muốn được ăn gì vào những cái tết ngây thơ đầu tiên trong đời của chúng…
Mười năm! Tôi không còn quá ngong ngóng mong mỏi trở về nhà mẹ ruột của mình mỗi mùa tết nữa. Cái tổ ấm con con của gia đình tôi cũng bắt đầu đỏ lửa, ươm những giấc mơ dịu dàng và khó quên cho bọn trẻ của mình. Nhưng vào ngày cuối năm, một tay “múa may” trong bếp, tôi bỗng thấy mình nhớ mẹ da diết. Một cách vô thức, mẹ đã gieo cho những đứa con mình ký ức về những mùa tết an lành, vun vén, hy sinh theo cách của người phụ nữ. Đứa con gái vụng về là tôi, lặp lại những gì mình từng được chăm chút, yêu thương thuở bé lên mái ấm gia đình nho nhỏ của mình. Nào là thói quen mua bán sắm sửa, nào là những món ăn hằn sâu trong trí nhớ, nào là những lời dặn dò của mẹ, kiểu như: có kiêng có lành, đầu năm phải ăn nói nhỏ nhẹ, không trêu ghẹo cãi vã lẫn nhau, tránh quét nhà trong ngày mùng một tết… chẳng hạn.
Mười năm, bấy nhiêu cái tết đổi thay, đủ khiến cho một người chạm ngưỡng của trưởng thành, biết bao dung và trân quý cả quá khứ lẫn hiện tại ngọt lành. Tôi làm vợ rồi làm mẹ, tiếp nối những mùa tết đong đầy trong bếp nhà mình, chẳng còn mấy nỗi ham vui ngoài phố hay sợ cực nhọc như thuở mới về làm dâu nữa rồi.
Văng vẳng tiếng trẻ con, trong đó không lẫn vào đâu giọng “gà nhà” đang nô đùa ngoài kia, rộn rã. Tôi hiểu tết đã đến gần bên rồi đây, ấm áp.