Tết muộn!

PHI KHANH 07/02/2016 09:35

(QNO) - Đối với anh em tôi, cái tết năm ấy thật đáng nhớ…

Tầm khoảng từ tháng Chạp đến tháng Ba âm lịch là mùa hoành hành của bệnh trái rạ. Năm lên 9 tuổi, tôi bị trái rạ. Anh trai tôi cũng vậy. Toàn thân hai anh em nổi lên các nốt phỏng nước gây ngứa ngáy, khó chịu. Vì đây là bệnh lây lan nên mẹ che riêng cho anh em tôi mỗi đứa cái “buồng”. Thật ra là tấm màn vắt ngang để tránh người ngoài dòm ngó. Mẹ bảo, bệnh này kỵ gió, nên nhất định phải che chắn cẩn thận. 

Tết, với con trẻ là cả một sự trông chờ (Ảnh: Internet)
Tết, với con trẻ là cả một sự trông chờ (Ảnh: Internet)

Tấm màn mỏng mẹ che không thể ngăn được tiếng nói cười tận nhà sau vọng lại. Mùi thơm của thức ăn, của bánh mứt mẹ sửa soạn dịp tết cứ xông thẳng vào mũi. Dường như không cưỡng nổi sức hấp dẫn của không khí tết, anh trai vạch màn rủ tôi cùng ra xem mẹ làm bánh mứt. Anh nắm tay tôi đứng nép vào góc tường, lấm la lấm lét nhìn đôi bàn tay mẹ thoăn thoắt nhồi hỗn hợp đường, bột cho món bánh in đậu xanh. Mẹ bất ngờ trông thấy. Hai anh em lại quay về “buồng”.

Mẹ bảo bệnh trái rạ nếu gặp gió sẽ nhanh chóng lây lan khắp cơ thể, lâu lành và để lại thẹo chằng chịt trên mặt, trông như những “chiếc rổ”. Mẹ đặc biệt không cho anh em tôi ăn các loại bánh làm từ bột nếp vì ăn vào vết thương sẽ lở loét sâu hơn. Nghe vậy, anh trai tôi liền lè cái lưỡi dài ngoằn. Chúng tôi nằm quấn chăn kín đầu.

Sáng mùng Một. Ba mẹ vạch màn vào thăm anh em tôi, mang theo thức ăn và không quên làm “thủ tục” lì xì. Nhìn các vết phỏng nước trên cơ thể đang xẹp xuống và có dấu hiệu khô lại, ba bảo chúng tôi sắp hết bệnh.

Bệnh trái rạ hồi ấy không có thuốc phòng ngừa lẫn điều trị. Người bệnh tự chữa bệnh bằng cách không ra gió. Khi bệnh sắp khỏi hẳn, phải dùng củ nghệ tươi bôi thường xuyên lên các vết thương để tránh để lại thẹo về sau. Dù đã tích cực bôi nghệ, nhưng trên mặt tôi bây giờ vẫn còn vài vết thẹo, di chứng của bệnh trái rạ năm xưa để lại.

Đến mùng 10 Tết, chúng tôi mới thật sự khỏi bệnh. Lúc này, anh em tôi trông tươi tỉnh hẳn, được mặc quần áo mới, được thỏa sức ăn uống, nhất là các món ăn được làm từ gạo nếp như bánh chưng, bánh tét, cùng với các loại bánh ngọt mẹ làm. Chúng tôi “ăn bù” cho những ngày kiêng cữ. Đó là một cái tết muộn. Thật khó quên! 

PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết muộn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO