(QNO) - Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là Tết Thượng nguyên. Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ tết quan trọng trong năm của người Việt, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng đầu tiên của năm mới. Dưới thời nhà Nguyễn, Tết Nguyên tiêu được triều đình coi trọng và ban hành nhiều quy định, điển lệ để thực hiện.
Điển lệ của triều đình
Sách Đại Nam thực lục ghi chép: vào năm Minh Mệnh năm thứ 16 (1835), vua dụ Nội các rằng: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên, Hạ nguyên, Trung nguyên, Thất tịch, Trung thu, Trùng dương, Đông chí, người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Sai Bộ Lễ xem xét và trình tấu.
Sau khi Bộ Lễ trình lên, vua chuẩn định: từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương (duy có tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải làm thêm cỗ bàn). Còn những tiết Thất tịch, Trung thu và Trùng dương đều dùng hoa quả nước trà và của ngon vật lạ. Còn những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, 2007, tr.747)
Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), ngoài hai tết Thượng nguyên, Trung thu, tục lệ thắp đèn suốt đêm được vua chỉ dụ thực hiện vào tết Trung nguyên.
Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), việc tổ chức Tết Nguyên Tiêu đã có những thay đổi so với lệ cũ, nhà vua chỉ định: Tết Nguyên tiêu, đời xưa gọi là tết tốt; ngày nay nhà nước nhàn rỗi, không ngại gì việc thưởng vui theo tục xưa, nhưng lòng ta lấy sự chăm lo làm chính, không lấy sự ăn chơi làm vui. Từ nay trở đi các tết lớn như Vạn thọ, Chính đán, Đoan dương, Đông chí, đều theo lệ làm việc; ngoài ra các tiết vui các mùa hằng năm, đều trước ngày ấy 5 ngày, tâu lên đợi chỉ, không được nhất khái câu nệ lệ cũ, vì lệ cũ không phải là ý của ta”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb Giáo dục, 2007, tr.707).
Có thể thấy, Tết Nguyên tiêu được tổ chức thường xuyên dưới các triều vua đầu nhà Nguyễn, đến thời vua Thiệu Trị, nhằm tránh sự lãng phí và những nghi thức không cần thiết đã có những quy định mới để thay đổi phù hợp với tình hình đất nước.
Về nghi thức cúng tế khi có nhà vua tham dự
Trong Châu bản triều Nguyễn năm Tự Đức thứ 23 (1870) có ghi chép nhà vua tham gia hành lễ như sau: … Thượng nguyên, Đoan dương, Thất tịch, Trung nguyên, Trung thu, Trùng dương, Đông chí, Hạ nguyên và các ngày sóc vọng hàng tháng cùng lễ ngũ hưởng và thường ngày, nếu như có Hoàng thượng đến làm lễ đều xin sắc thị trước. Bộ thần sẽ hội đồng với các viên Thị vệ sứ, Từ tế Chánh Phó sứ, đến chái phía Đông của miếu sở thiết đặt lễ phẩm chuẩn bị. Đến giờ Hoàng thượng khăn áo đầy đủ từ điện Cần Chánh lên xe đến khu đất bên ngoài miếu, theo cửa bên trái vào tiểu thứ nghỉ chân. Các nhân viên của Ty Từ tế áo mũ đầy đủ, theo các án thờ phụng đốt đèn, nến và mở trướng khám cho chỉnh tề. Một viên Trung sứ vào tấu mời Hoàng thượng ra nơi lập vị. Lễ xong Hoàng thượng xuống thềm trở về cung. Ngày làm lễ khắc 7 canh 5 ngày 14 tháng Giêng đều cho mở cửa Chương Đức để các sở ty đem lễ phẩm vào và lưu lại cho đến hết canh (dẫn theo Nguyễn Thu Hoài, Tết Nguyên tiêu và nghi thức cúng tế các lễ tiết trong Hoàng cung triều Nguyễn, 2019, - https://www.archives.org.vn/tin-tong-hop/tet-nguyen-tieu-va-nghi-thuc-cung-te-cac-le-tiet-trong-hoang-cung-trieu-nguyen.htm)
Chính sách của triều đình
Ngoài việc quy định thực hiện theo điển lệ, trong dịp Tết Nguyên tiêu, triều đình cũng đã có những chính sách ân điển đối với những người tôn thân đã chết.
Năm Minh Mệnh năm thứ 16 (1835), vua dụ Nội các rằng: “Năm nay, nhờ trời thương, Nam Bắc hai kỳ đều làm xong công cuộc lớn, giặc cướp đã dẹp yên, mùa màng thuận, năm được mùa, ta đã xuống ân chiếu 12 điều: từ tôn thân cho đến quan, lại, quân, dân, chẳng ai là không nhuần thấm ơn trạch. Lại nghĩ đến những người tôn thất đã chết: có người trước đây bỏ mình vì cuộc binh cách, có người nửa vời mà chết trẻ, có người còn nhỏ mà chết non, nghĩ đến rất là đau xót! Vậy nên làm lễ truy tiến phổ độ, cầu phúc đường âm để yên ủi hương hồn, nhằm tiết Hạ nguyên tháng 10, lập đàn phổ độ.
Vì tổ chức vào tiết Hạ nguyên rơi vào mùa rét, mưa gió, vất vả nên nhà vua chuẩn định: nhằm tiết Thượng nguyên tháng giêng sang năm, lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, 21 ngày, đêm cúng phổ độ linh hồn cho các tôn nhân xa gần đã quá cố: cứ 7 ngày làm một đàn chuẩn tế chúng sinh. Lại làm sẵn cái tiếp vong gọi là: “Triệu linh đường” cũng cứ 7 ngày tế một lần. Còn các án bày ngôi vị ở đàn chay, người nào họ xa thì để chung bài vị, liệu tuỳ tiện chia đặt; người nào họ gần thì liệt kê rõ ràng, bày ngôi vị rộng rãi. Lại sắm nhiều đồ mã như quần áo, đồ dùng và bạc, vàng, tiền giấy để tỏ ý cảm nhớ như còn sống”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, 2007, tr.771)
Có thể nói, dưới thời nhà Nguyễn, Tết Nguyên tiêu được coi trọng và tổ chức rất bài bản theo điển lệ triều đình. Ngày nay, lễ tết này là một trong những tập tục văn hoá, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được người Việt duy trì thường xuyên nhằm cầu mong năm mới được an lành, mọi việc hanh thông.