Tết ở Bếp Nậu

TỐNG PHƯỚC BẢO 22/01/2023 08:02

(Xuân Quý Mão) - Nắng mật rót qua thềm gạch nung chín lửa, màu gạch như hổ phách. Mới rằm tháng Chạp mà không khí cứ hối hả trong bộn bề. Năm nay tết sớm, mới đầu tháng đã nghe mấy đứa nhân viên chộn rộn hỏi nhau tết ni có về. Chục năm rồi, cái quán Bếp Nậu vẫn cứ giữ đúng nếp không nghỉ ngày nào. Mấy đứa nhân viên lúc đầu hay xầm xì, trời bà chủ tham tiền thấy sợ. Bán cả năm chưa chán mà mấy ngày tết vẫn cứ bán. Bộ bả chẳng nhớ quê hay chẳng còn ai ở Quảng mà không thèm về. Cô Ba nghe, nghe rõ nữa đằng khác. Nhưng cô Ba cứ dửng dưng. Năm nào cũng cho nhân viên đăng ký làm tết, một ngày công nhân lên gấp năm. 

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Sau tết thì được xếp lịch nghỉ bù. Mấy ngày tết vẫn có khách lai rai. Cô Ba cho một nửa nghỉ về quê, nửa còn lại thì ở làm cùng cô. Cứ ai đăng ký về quê thì lên danh sách, chia ra từng bộ phận. Ban đầu mấy đứa nhân viên khó chịu, sau dần cơm áo gạo tiền cuốn đời nhà quê nương vào thị thành này riết thành quen.

Làm mấy ngày tết được cả tháng lương, tiền bo của khách cũng nhiều. Có năm chia ra làm đâu chừng chục ngày tết mà đứa nào cũng ôm tiền bằng hai tháng lương chứ ít gì. Tiền đó là chắt chiu, dành dụm phòng thân nơi xứ lạ người xa. Dần dà ai cũng quen.

Mỗi chuyến về tết cũng tốn cả mớ chứ chẳng ít. Thì thôi, gởi tiền về quê, cứ nói với gia đình công việc nghỉ không được. Mấy đứa ngoài quê vào hỏi mấy đứa bám trụ với tết Sài Gòn vui không. Mấy đứa kia cười tươi như hoa. Vui gần chết. Giọng đúng điệu người Sài Gòn. Mà hỏi vui sao thì chẳng đứa nào nói.

Bếp Nậu nằm trong xóm nhỏ ven sông Sài Gòn. Đường vào hai bên những vạt quỳnh anh đúng mùa vàng rực. Cái cổng bắt giàn dây leo sử quân tử được nắng Chạp nên đỏ ngọt ngào sắc xuân.

Có đứa hỏi cô Ba sao giỏi kiếm được mảnh đất vừa đủ ấm cúng lại cũ càng như hồi xưa xa vậy. Cô Ba cười nhẹ tênh là duyên. Từ xứ trôi nổi vào Sài Gòn theo chồng. Hồi đó xứ Quảng mình nghèo, quốc lộ còn chưa tráng nhựa. Mấy ông kỹ sư theo đề án phát triển của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, làm cầu, trải nhựa đường.

Chiều nào đó của năm hai mươi tuổi, bên triền sông Vu Gia, cô Ba gật đầu theo lời ngỏ ý của anh kỹ sư. Rồi cũng trầu cau đúng nghĩa. Gái Quảng mình mặn mà thiệt thà như muối của nậu nại, như cá nậu rỗi, như cây từ nậu nguồn tuôn xuống. Nhưng, đâu phải cứ thiệt thà là sống được ở cái đất phồn hoa này.

Xuôi chuyến tàu về phương Nam nắng ấm, cô Ba gá phận mình ở thị thành, ngỡ là đời mình bắt đầu thêu gấm hoa, nhưng kỳ thực như lụt nguồn trôi trái lòn bon. Trôi đi phận đời thanh tân qua năm qua tháng, qua những ngày hờ hững gối chăn, qua những vọng ngóng người chồng biền biệt xa xăm.

Chồng đi theo công trình, thoảng khi về thì chỉ được đôi ba ngày. Hai năm rồi cô Ba cái bụng vẫn phẳng lì. Gia đình chồng bắt đầu nặng nhẹ. Trôi thêm ba bốn năm nữa, má chồng ra mặt dằn mâm đập đũa. Cô Ba lủi thủi mình ên. Chồng càng ngày càng không về nhà. Chịu chẳng thấu cô Ba đành ly hôn. Chẳng biết chuyện nhà chuyện cửa ra sao, chỉ biết cô Ba được chia cho mảnh đất này.

Mảnh đất hồi đó tù mù xa, nằm ở bán đảo của thị thành, sình lầy theo mùa mưa. Chục năm nay mới phát triển nhờ người ta xây cây cầu nối liền khu nội ô ra ven đô. Cô Ba mở cái quán ăn, nấu toàn món Quảng.

Người xứ mình lặn lội mưu sinh ở đây cũng nhiều. Chừng nhớ quê thương xứ thì tìm về cái Bếp Nậu, lua đũa mỳ, ăn miếng bánh tổ, hay chỉ cần ngửi cái mùi mắm cái là tự khắc thương nhớ thao thiết cũng vơi phần nào.

Thiệt tình quán là dân mình kêu quen chứ trên cửa cô Ba ghi mỗi cái tên Bếp Nậu. Đâu có gì cao sang, toàn món quê giữa náo động phố xá. Đẩy cánh cửa vào, nghe tiếng cót két, nghe cái mùi cũ xưa dậy lên trong tâm thức. Ngồi lên bộ bàn ghế gỗ, thấy nón lá, mấy cái đũa tre, là thấy như mình về nhà rồi.

Vậy nên, nhân viên cô Ba cũng toàn người Quảng xa xứ, tình cờ mà gặp rồi cùng tụ về cái bếp đỏ lửa hằng ngày để lưu giữ vị Quảng trong lòng Sài Gòn.

Cô Ba kêu thằng Tuân chở ra chợ Bà Hoa, ngôi chợ duy nhất ở Sài Gòn muốn tìm thứ gì của xứ Quảng cũng có. Hai mươi ba tháng Chạp, chợ đông đúc người Quảng nườm nượp mua sắm. Những người Quảng lỡ hẹn cái tết với xứ mình nhưng cũng ráng chu toàn tết đủ vị quê trong gia đình nơi thị thành này.

Chợ ai cũng biết cô Ba, bởi chục năm trời cô Ba thành mối của bà con buôn bán. Ai cũng lắc đầu sau dịch kinh doanh còn lai rai. Nghe cái giọng Quảng trĩu trịt theo nỗi lo ngày cuối năm mà đắng đót. Cái tết đầu tiên thằng Tuân theo cô Ba đi chợ người Quảng. Nó háo hức cười nói huyên thuyên.

Người Quảng gặp nhau giữa Sài Gòn nên mừng quýnh, hỏi thăm quê để coi có cùng làng cùng xã gì hay không. Cô Ba nói Bếp Nậu vẫn mở cửa đón tết. Mọi người gật gù hẹn ghé thăm. Mấy ngày tết ở Sài Gòn may ra còn cái quán của cô Ba mà hong lại nỗi niềm tha hương khi xuân sang.

Tối đó thằng Tuân điền cái tên mình vào danh sách ở lại làm mấy ngày tết. Đám nhân viên quán xì xầm. Sao ban đầu nằng nặc đòi về, nay nhất quyết ở lại. Thằng Tuân cười hề hà.

Năm ngoái theo cô Ba đi nấu bếp từ thiện cho mấy người nghèo không tiền ở lại Sài Gòn. Len lỏi vào khu nhà trọ bên khúc bờ kinh Nhiêu Lộc, cả một xóm mấy bà miền Trung ở lại bán vé số, bán bánh dạo rồi đi làm thuê cho mấy nhà hàng. Có hôm chạy tuốt luốt qua quận 8, vào cái chùa nuôi gần 200 cụ già neo đơn.

Tết năm đó dịch COVID nên phận người cũng long đong làm gì có tết. Nãy tui ra chợ nghe cách cô Ba nói chuyện mới hiểu vì sao chục năm nay Bếp Nậu luôn mở cửa ngày tết. Có những người Quảng đâu đủ điều kiện mà về quê, hoặc gia đình con cái đùm đề, hoặc công việc mưu sinh này nọ, nhiều lý do lắm.

Thiệt ra họ chỉ thỏa nỗi nhớ nhung tết Quảng bằng cách ghé qua Bếp Nậu. Không phải họ thiếu ăn, mà ít ra ở Sài Gòn cũng có một cái bếp như nhà họ. Họ đến đây chỉ để gặp nhau, chúc tết, ngồi lại với nhau kể chuyện một năm qua và họ cùng cô Ba góp vô cái quỹ gì đó của người xứ Quảng.

Mọi năm có mấy chuyến xe không đồng về quê ăn tết là từ sự gom góp của cô Ba với mấy người bạn còn bám trụ lại Sài Gòn ngày tết. Họ ở lại cho chúng ta về. Người Quảng đi đến đâu cũng đậm đà nghĩa nhân mà.

Thằng Tuân nói xong quay ra hiên của Bếp Nậu. Nó nhấc ghế bắc mấy cái lồng đèn xanh đỏ tím vàng lên bên cạnh cái cổng. Phía trong cô Ba cũng đang ngồi trang trí một chiếc thuyền hoa. Bếp Nậu vỏn vẹn chục nhân viên kể cả chủ tớ.

Cái danh sách đăng ký về tết năm nay ít quá, ngoại trừ mấy cô lớn tuổi xin về, hầu như đám trẻ ở lại. Cô Ba hỏi sao mấy đứa không về. Ở đâu cũng là tết mà cô Ba. Ở lại đây ăn tết với cô Ba cho vui. Đứa nào đó nói. Cô Ba mắt đỏ hoe. Gió tết ngọt quá chừng.

Mấy đứa nhân viên tự phân công đứa làm bánh tổ, đứa trưng bông, đứa gói bánh tét, trời ơi thiếu bánh in kìa, ghi vào kẻo quên. Đứa nào đó la lớn chừng như sợ thiếu một cái vị quen là mất cái tết quê. Vài ngày nữa mới tết mà Bếp Nậu thì xuân đã bắt đầu thơm hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết ở Bếp Nậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO