Một cái tết rộn ràng với nhiều niềm vui và ước vọng năm mới ấm no, sung túc trên khắp các bản làng vùng cao Đông Giang.
Tết truyền thống
Sau những lời chúc đầu năm, mâm bánh cuốt, xâu thịt xông khói… là những món ngon ngày tết được chủ nhà nồng hậu chuẩn bị đãi khách đến thăm. Ngày tết, các món ăn truyền thống của người Cơ Tu được chuẩn bị khá cầu kỳ, trở thành dư vị riêng của mùa xuân nơi vùng cao. Trong mâm cỗ đầu năm của làng, những món ăn ấy trở thành thứ lễ vật dâng đất trời, gửi theo ước vọng mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, bản làng êm ấm yên vui. Tiếng trống k’thu, tiếng cồng chiêng ngân vang, hòa cùng điệu tâng tung da dá, những ngày xuân cứ thế kéo dài trong niềm hân hoan ở từng bản, từng làng. Già làng Y Kông (xã Ba, Đông Giang) cho biết: “Tết là dịp để họp mặt, mừng xuân, để bà con Cơ Tu cùng đón chào năm mới, để thắt chặt thêm tình đoàn kết, cầu mong những điều tốt đẹp. Những năm gần đây, đời sống khá hơn, ấm no hơn nên tết cũng được tổ chức lớn hơn, vui hơn so với trước. Các tục lệ như hát múa mừng xuân, đánh cồng chiêng, làm các món ăn truyền thống được nhiều bản làng duy trì, phát huy”.
Vùng cao ngày tết. |
Khoác lên mình một diện mạo mới với điện, đường, trường, trạm, đời sống khá hơn, người vùng cao vẫn không quên những phong tục đẹp của ngày tết. Trước tết, từng nhà, từng làng chộn rộn với việc mổ heo, chia từng xâu thịt mang về. Những ngày đầu năm thì xả hồ, bắt cá lấy “lộc”. Nhà nào cũng trồng sẵn một vườn rau xanh để dành cho những ngày tết, vừa sẵn, vừa sạch. Đêm giao thừa, nhà văn hóa thôn, gươl làng trở thành nơi tập trung của bà con vùng cao đón giao thừa, cùng với lửa trại, với rượu cần… Những tập tục đẹp dịp tết càng tô thắm cho ngày xuân ở vùng cao.
Xuân yên vui
Khác với mọi năm, đón Tết Nguyên đán 2014 này, nhiều địa phương của vùng cao Đông Giang có thêm nhiều nét mới trong công tác chuẩn bị, giúp không khí vui xuân của đồng bào được nhân lên. Theo ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đông Giang, ngoài xã Kà Dăng, hầu hết địa phương còn lại trên địa bàn huyện đều đã được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại các khu vực trung tâm hành chính của các xã.
Gói bánh cuốt truyền thống đón tết vùng cao. Ảnh: P.G |
Trước Tết Nguyên đán, đi dọc theo tuyến quốc lộ 14G về trung tâm các xã, thị trấn, một không khí vui xuân đã len lỏi ngập tràn khắp các làng bản của đồng bào Cơ Tu. Đêm giao thừa, nhiều địa phương ở vùng cao Đông Giang bừng sáng trong ánh đèn điện chiếu lung linh. Rất nhiều người dân ở các xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn… đổ về các ngả đường để chờ đón thời khắc giao thừa trong niềm vui ngập tràn. Trong khi đó, mặc dù sức mua hàng tết có giảm sút hơn mọi năm nhưng không khí vui xuân lại có thêm nhiều màu sắc mới, tạo nét riêng nổi bật giữa đại ngàn. “Năm nay, mọi công tác chuẩn bị tết đã được hoàn tất trước Tết Nguyên đán 1 tháng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, giúp người dân đón một cái tết ấm cúng” - ông Nghiêm cho biết. Cùng với các hoạt động khác, trước tết, huyện Đông Giang đã triển khai hoàn tất công tác cấp phát gạo hỗ trợ của UBND tỉnh cho các địa phương trên địa bàn, giúp người dân có thêm gạo ăn trong thời gian trước, trong và sau tết.
Làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn) những ngày cận tết đón nhiều đoàn du khách nước ngoài ghé thăm thông qua các tour du lịch thám hiểm “phượt” bằng phương tiện xe máy, xe đạp. Ông Ashlee (du khách đến từ nước Úc) cùng vài người bạn của mình cho biết rất thích không khí đón tết của người Việt, nhất là đồng bào vùng cao. Từ TP.Đà Nẵng, nhóm của Ashlee “phượt” dài bằng xe đạp và ghé chân tại khu homestay thôn Bhơ Hôồng 1, cùng đồng bào đón tết. “Thật thích thú làm sao nếu được cùng đồng bào đón tết cổ truyền ngay không gian nhà truyền thống của họ. Sẽ là một chuyến đi khó quên” - Ashlee chia sẻ.
P.GIANG – L.A.CÚI