Rời quê, về phố, hoài niệm tết cũng dậy lên trong những ngày tháng Chạp, mà dễ thấy nhất là những nồi bánh tét, bánh chưng đỏ lửa thâu đêm. Đâu dễ để kiếm một góc đặt cái bếp nấu bánh đúng nghĩa thơm mùi khói như ở quê, nhưng cũng chẳng nỡ để thiếu vắng một thứ mùi hương đặc trưng của tết. Vậy là bằng mọi cách kiếm tìm cho được.
Khu tái định cư nơi tôi ở chỉ mới có chừng chục nóc nhà trên cả một con đường. Xóm mới, dân góp, gốc đều là nhà quê, những ngày này cũng í ới nhau chuẩn bị lá chuối, dặn nếp với đậu xanh chờ ngày cuối năm cùng nhau gói bánh tét. Ngày cho ký ức, của chúng tôi. Và cũng là để sắm sửa một ký ức tươi mới cho lũ trẻ con của mỗi gia đình khi xúm xít quây quần gói bánh, suốt mấy cái tết gần đây.
Người biết bày dạy cho người chưa biết. Những chiếc bánh có vụng về méo mó, cũng đủ để mang về hơi ấm xóm giềng, để đêm giao thừa thiêng liêng theo một cách riêng của dân quê nơi thành thị. Chúng tôi có một đòn bánh đặt lên mâm thờ, để dạy cho con trẻ về ý nghĩa của bánh tét, bánh chưng ngày xuân mới. Ở phố, nồi bánh kéo những gia đình xa lạ xích lại gần nhau, giữ giềng mối xóm làng như ngày nào còn ở quê, giữ “vị tết” trong lòng con trẻ.
Phố những ngày này sặc sỡ đèn màu, cờ hoa. Quất cảnh, mai vàng, cúc chất kín những vỉa hè đợi khách. Nhưng đâu đó phía những hiên nhà, vẫn thấp thoáng chút gì đó của nếp quê, từ một thứ sắc màu quen thuộc: mâm kiệu trắng phơi lẫn với đu đủ xanh, cà rốt. Bánh tét, bánh chưng đâu thể thiếu dưa món, thứ ăn kèm hảo hạng của ngày xuân. Ông bà kỳ công chuẩn bị, để đón cháu con quây quần ngày cuối năm như một thói quen của nếp nhà.
Người trẻ cũng sắm sanh, giữ lấy chút dư vị ngọt ngào ngày đầu năm. Bôn ba chín phương suốt một năm dài, bên cạnh niềm thương nhớ, mùi hương của quà bánh, của mấy món dân dã mà rưng rức thương yêu kia như một chỉ dấu để gọi về ngày tết dưới mái nhà, chảy tràn dòng máu quê kiểng trong huyết quản của bao người, bao gia đình Việt…
Sau cuộc mưu sinh dài vạn dặm, tết là để quay về!