Cuối tuần này, Tết Quý Mão 2023 chính thức gõ cửa. Hơi thở mùa xuân như đang kề bên, hơi thở đời sống cũng trở nên gấp gáp hơn. Và sẽ chỉ còn một tuần nữa thôi, mọi lo toan vốn dĩ xao động vào quãng cuối năm dương lịch (như chuyện thưởng tết) và quãng cuối năm âm lịch (tặng quà) nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Bao hối hả rồi cũng lắng lại, để người người bình an chờ thời khắc giao thừa.
Ở một địa phương có số lượng người có công, gia đình chính sách đông nhất nước như Quảng Nam, mỗi dịp tìm về để thăm hỏi tặng quà ngày tết không đơn thuần là một chuyến công tác của đại diện lãnh đạo chính quyền hay các sở ban ngành, doanh nghiệp, hội nhóm hảo tâm.
Cũng không chỉ dừng ở con số đo đếm về tổng trị giá quà tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo của tỉnh (hơn 85 tỷ đồng) và các khoản hỗ trợ từ bên ngoài (hơn 30 tỷ đồng). Mà hơn thế, những chuyến đi vội vã trước tết đã nối dài truyền thống đền ơn đáp nghĩa và làm sáng rõ hơn nghĩa cử của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ đi trước.
Cũng vậy, có phần quà dành cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở bảo trợ xã hội hay quà dành riêng cho trẻ em. Hơn 900 tấn gạo cũng được xuất cấp, điểm đến là gần 28.000 hộ dân có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 ở 14 huyện miền núi, trung du, đồng bằng Quảng Nam.
Hôm nay (16/1) đã là thời hạn chót “hoàn thành toàn bộ các phần việc chăm lo tết cho nhân dân” mà UBND tỉnh Quảng Nam giao cho các địa phương, thậm chí nếu để sót một ai “thiếu tết” thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh…
Trong chuyến tặng quà tết cuối tuần qua tại 2 huyện Nông Sơn và Duy Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có dịp nhắc đến niềm tin về một cái tết sum vầy, nhắc về trách nhiệm mang hơi ấm mùa xuân cho các hộ khó khăn.
Như nhiều nơi khác trên dải đất hình chữ S này, quãng thời gian giáp tết không chỉ có những giao dịch kiểu “thuận mua vừa bán”. Bạn hãy thử lướt một vòng tin tức trên báo chí mà xem: Đã có biết bao nhiêu “phiên chợ 0 đồng”, bao nhiêu “phiên chợ Công đoàn”, bao nhiêu “phiên chợ giảm giá” mở cửa.
Lại nữa, có biết bao nhiêu “chuyến xe 0 đồng” đã cài đặt lịch trình và rục rịch chuyển bánh để kịp đưa những công nhân nghèo, những đồng hương khốn khó trở về sum vầy bên gia đình. Họ phần lớn là những người hành phương Nam mưu sinh, có cả những sinh viên nghèo miền Trung đang theo học tại TP.Đà Nẵng, TP.Huế…
Những mối quan tâm lo lắng ấy ngỏ hầu giúp những người ở xa sớm được đón xuân trong hội ngộ. Còn ở quê nhà, “Tết sum vầy, Xuân gắn kết” khu vực đồng bằng hay xuân biên giới mà giới trẻ xứ Quảng đang nồng nhiệt mang lên vùng cao đích thị là những chương trình của tình yêu thương.
Chăm lo cho người yếu thế đón xuân đủ đầy luôn là mệnh lệnh của trái tim người Việt. Tất cả làm nên một tết-sẻ-chia, để không một ai thiếu tết, để có thêm một cái tết an lành trong đời được “lưu” vào ký ức mỗi người.
Trong quãng lặng an lành đó, con dân Việt thêm một lần suy niệm về cội nguồn, về nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và trách nhiệm chung tay tiếp nối. Những mối lo toan đời thường, đơn cử như thực tế sụt giảm khoản thưởng tết khiến nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng”, ắt hẳn cũng sẽ nhường chỗ cho những bài toán lớn hơn, chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho 365 ngày kế tiếp.
Sẻ chia, vì thế, không chỉ là chuyện nhường cơm xẻ áo trong một thời điểm vào mỗi kỳ giáp tết mà rộng hơn phải là sự hoạch định lâu dài, để ngày này năm sau không có thêm những mảnh đời cơ cực.
Và như thế, xuân mới đang về với toàn vẹn tin yêu.